Từ ngày 4 đến 6-8-2023, Sở Du lịch phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao và các sở, ngành tổ chức Lễ hội sông nước TP.HCM. Lễ hội lần đầu tiên được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh, vùng đất, con người, bản sắc văn hóa, hoạt động du lịch và ẩm thực đặc trưng.
Lễ hội sẽ diễn ra tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển, công viên Bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Bến Bình Đông và các khu du lịch, điểm đến trên địa bàn.
Trao đổi thông tin về lễ hội ngày 12-7, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết chương trình là nỗ lực xây dựng và phát triển sự kiện du lịch, qua đó quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử của TP.
Thông điệp của lễ hội cũng hướng đến giá trị bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa, tôn vinh các dòng sông, kênh ngòi, kêu gọi người dân cùng bảo vệ môi trường, lối sống có trách nhiệm hơn.
"Với các hoạt động đa dạng, chương trình cũng muốn xây dựng TP.HCM thành một đô thị ven sông văn minh, hiện đại, khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển góp phần định vị thương hiệu của thành phố - đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa", bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nhấn mạnh thêm.
Điểm nhấn của sự kiện là show diễn thực cảnh với chủ đề "Sài Gòn - Dòng sông kể chuyện" lúc 20h ngày 6-8 tại cảng Sài Gòn - cảng hành khách tàu biển. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của một Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM trải dài theo chiều không gian và thời gian được kể trong 5 chương nghệ thuật "Khẩn hoang - Mở cõi - Trên bến dưới thuyền - Hòn ngọc Viễn Đông - Rực rỡ thành phố bên sông".
Chương trình huy động sự tham gia của 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ê kíp các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sĩ hàng đầu trong ngành nghệ thuật.
Ngoài ra để tạo hiệu ứng trong thời gian diễn ra, lễ hội cũng sẽ kết hợp với các hoạt động trải nghiệm, các chương trình khuyến mãi mua sắm, kích cầu giảm giá vé các chương trình biểu diễn nghệ thuật khác.
Theo kế hoạch, ngày 4-8, lễ khai mạc sẽ diễn ra tại di tích Cột cờ Thủ Ngữ, quận 1.
Một số hoạt động chính trong lễ hội:
Ngày 4-8: Không gian "Trên bến dưới thuyền" tại quận 1 (kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ đến cầu Thị Nghè) và quận 8 (khu vực dọc bờ kè tuyến đường Bến Bình Đông, phường 13, quận 8).
Tối ngày 4 và 5-8: Trưng bày, giới thiệu nông sản, đặc sản, góp phần hỗ trợ nông dân quảng bá, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức hoạt động nghệ thuật dân gian (ban ngày) và các chương trình nghệ thuật đờn ca tài tử.
Ngày 5 và 6-8: Các hoạt động thể thao dưới nước tại Bến Bạch Đằng như: giải đua thuyền ở Bến Bạch Đằng gồm các đội từ TP Thủ Đức, các quận, huyện và các đội đến từ nhiều tỉnh, thành...
Song song đó là hoạt động các môn thể thao khác như trình diễn dù lượn, trình diễn bay bằng ván phản lực nước - flyboard, trình diễn chiếu sáng nghệ thuật khu dù lượn trên cao… tại khu vực công viên Bến Bạch Đằng và hoạt động trình diễn đua ghe truyền thống của các vận động viên chuyên nghiệp...
Hoạt động biểu diễn ca nô nước và các hoạt động tương tác chèo SUP… tại khu vực bến Nhiêu Lộc, Thị Nghè hứa hẹn mang đến cho người dân và du khách trải nghiệm thú vị.
Vào các khung giờ 19h - 19h40 hai ngày 4 và 5-8 và từ 21h - 21h40 ngày 6-8, diễu hành trên sông. Theo đó, từ cảng Sài Gòn đến Landmark 81 sẽ có 30 - 40 tàu thuyền của các đơn vị đang khai thác du lịch trên sông Sài Gòn trang trí rực rỡ diễu hành dọc bờ sông để quảng bá về lễ hội và hoạt động du lịch trên sông của thành phố...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận