Hậu trường những buổi "đàm phán" đưa thương hiệu quê hương Quảng Bình xuất hiện trên các kênh truyền thông quốc tế lớn, hay những bộ phim Hollywood bom tấn cho đến MV của ca sĩ nổi tiếng Alan Walker, đã lần đầu tiên được ông Nguyễn Châu Á - CEO Oxalis tiết lộ trong buổi trò chuyện thân tình với host Nguyễn Tiến Huy - Tổng giám đốc Pencil Group, trưởng ban nội dung CSMO Miền Nam, ở tập 7 của chương trình talkshow "Đi cùng thương hiệu - Walk and Talk" mùa 2.
Sản phẩm độc đáo, con người chân thành
Xuất thân là hướng dẫn viên du lịch quốc tế nhưng ông Nguyễn Châu Á có kinh nghiệm làm việc từ chuyên viên kiểm toán cao cấp cho PwC cho đến chuyên viên cao cấp về CSR cho Nike Việt Nam.
Đến năm 2011, khi đang là Giám đốc điều hành OneStep Vietnam - Công ty chuyên về kiểm toán xã hội, phát triển bền vững ở Việt Nam và Đông Nam Á, ông đã quyết định trở về quê hương Quảng Bình để phát triển du lịch, thành lập công ty Oxalis Adventure. Và bước ngoặt cho sự thay đổi này là cơn lũ lịch sử năm 2010.
Khi chứng kiến những mái nhà thấp thoáng trong làn nước lũ đục ngầu, người dân địa phương trong đó có cả ba mẹ ông phải đi tránh lũ, đã khiến ông đau đáu một suy nghĩ:
"Tại sao ở Phong Nha có nhiều cảnh quan hùng vĩ mà người dân vẫn đói nghèo? Nhà thì lụp xụp nên mỗi lần lụt là người dân không biết đi đâu. Điều đó thôi thúc tôi tạo ra sản phẩm độc đáo, hấp dẫn du khách đến mảnh đất quê hương Quảng Bình và phần nào đó tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương".
Với tư duy làm du lịch khác biệt, ông Nguyễn Châu Á lựa chọn mô hình du lịch mạo hiểm thông qua khám phá, cắm trại qua đêm tại hang động: "Đó gần như là điều mà cả thế giới chưa ai làm, chứ không riêng Việt Nam", ông khẳng định.
Thế nhưng, chỉ độc đáo là chưa đủ. CEO Oxalis còn đặt ra số lượng du khách giới hạn tham gia trên mỗi tour. Điển hình là tour thám hiểm hang Sơn Đoòng chỉ nhận tối đa 1.000 khách/năm.
Chiến lược tạo sự "khan hiếm" về nguồn cung không chỉ là bài toán kinh doanh hiệu quả mà còn góp phần phát triển bền vững, hạn chế tối đa tác động của con người đến tự nhiên.
Khi đã có trong tay sản phẩm du lịch "độc và hiếm", Oxalis bắt đầu thực hiện chiến lược quảng bá thương hiệu ra thế giới. Bước đầu tiên là mang vẻ đẹp ẩn giấu của hang Sơn Đoòng ra "ánh sáng".
Sự bùng nổ của hang Sơn Đòong trên truyền thông quốc tế đã trở thành bước đệm và là tư liệu để ông và Oxalis tiếp tục đàm phán với các hãng truyền thông quốc tế lớn. Cứ thế, Oxalis từng bước tiếp cận các đoàn làm phim lớn như đội ngũ sản xuất MV của Alan Walker hay gần đây nhất là dự án phim tài liệu Planet Earth III của đài BBC.
Quá trình thương lượng với những "ông lớn" truyền thông không hề dễ dàng. Cũng như lần hợp tác cùng Legendary - đơn vị sản xuất bộ phim bom tấn "Kong: Đảo đầu lâu", khi quá trình khảo sát gần như hoàn tất, con đường dẫn vào địa điểm quay vào mùa lầy lụt, chặn đứng những chiếc xe container chở thiết bị, máy móc.
Ông Châu Á kể: "Khi đó đạo diễn bảo với tôi rằng họ có thể sẽ chuyển sang Trung Quốc để quay. Lúc đó, tôi thực sự hoang mang".
Với mong muốn chân thành là Việt Nam được xuất hiện trên phim Hollywood và được thế giới biết đến. CEO Oxalis đã có những buổi thượng lượng để tìm ra giải pháp thực hiện.
"Qua tìm hiểu, tôi biết Legendary luôn mong muốn đóng góp cho người dân địa phương ở mỗi bối cảnh họ đi qua. Vì vậy, sau đó tôi đề nghị họ chi trả phần chi phí xây dựng con đường, Như vậy, họ sẽ có được "tiếng thơm" về trách nhiệm với cộng đồng", ông Châu Á nhớ lại.
Và cuối cùng, ông nhận được câu trả lời là Legendary sẽ chi trả toàn bộ chi phí xây dựng con đường, đồng thời vẫn lựa chọn Tú Làn là địa điểm ghi hình.
Cũng từ đó, CEO này nhận ra rằng đôi khi tiền không phải vấn đề. Ta phải đặt mình vào cùng hệ quy chiếu với đối tác để từ đó có được chiến lược thương lượng hợp lý. Trong đó, chân thành là yếu tố quyết định sự thành - bại trong hợp tác.
Đắt nhưng xứng đáng
Nhìn lại chặng đường 13 năm phát triển, ông Châu Á khẳng định sự kiên trì, chân thành và nỗ lực của từng cá nhân không chỉ tạo nên thương hiệu công ty mà còn của cả vùng đất này.
Trước kia, ngoài trồng lúa, người dân Phong Nha sống bằng nghề khai thác gỗ và săn bắt thú rừng cung cấp cho miền xuôi. Tâm sự về khó khăn khi sử dụng nhân lực địa phương, ông Châu Á khẳng định: "Không dễ để một anh "lâm tặc" chuyển sang bưng nước, nấu cơm, phục vụ du khách. Đó là hai thế giới hoàn toàn khác".
Suốt 6 tháng đầu, CEO phải kiêm luôn công việc hướng dẫn, nấu nướng cho khách, kể cả lái xe để "làm mẫu" cho nhân viên. Dần dần, công ty với vỏn vẹn 3 thành viên ban đầu, tới nay đã tạo được công ăn việc làm ổn định trực tiếp cho hơn 500 lao động địa phương.
1 trong 3 tôn chỉ xuyên suốt hoạt động kinh doanh của Oxalis là có sự tham gia của người dân địa phương. Danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023" do Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) trao cho làng Tân Hóa là một trong lộ trình đưa cả cộng đồng địa phương cùng phát triển và hưởng lợi từ du lịch.
Chỉ trong một năm chuyển mình làm du lịch, Tân Hóa đã đáp ứng hàng trăm tiêu chuẩn khắt khe của UNWTO, từ những việc nhỏ như xử lý chất thải đến việc lớn là đáp ứng đúng ý nghĩa của du lịch cộng đồng.
Điểm nhấn của làng Tân Hóa là các homestay tiện nghi được trang hoàng từ những căn nhà phao chống lũ của người dân, đáp ứng tiêu chí thích ứng thời tiết, biến đổi khí hậu.
Ông Châu Á khẳng định: "Sự tham gia của cộng đồng địa phương là chiến lược kinh doanh của công ty. Chúng tôi không xem đó là công cụ để quảng bá và phục vụ mục đích bán hàng".
"Mặc dù các tour của Oxalis có giá rất cao nhưng sau hành trình đó, du khách đều cho là xứng đáng. Vì họ hiểu đồng tiền không chỉ ‘chui’ vào túi của Oxalis mà còn của cả nhiều người dân nghèo. Ngày xưa, họ không có tiền để cho con cái đi học. Giờ đây, nhiều đứa trẻ đã lên Đại học, thậm chí quay trở lại làm việc tại Oxalis với vai trò hướng dẫn viên du lịch", ông Châu Á cho biết.
Mời bạn đọc xem tập 7 của talkshow "Đi cùng thương hiệu: Walk&Talk" mùa 2
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận