Hòa chọn quận 1 để mở quán với suy nghĩ vốn là nơi có nhiều du khách nên sẽ đưa món đặc sản mang thương hiệu gia đình đến được nhiều người hơn, với hương vị gần gũi chính gốc nhất có thể.
Tiệm mì được nhắc trên The New York Times
Trong bài viết giới thiệu về món đặc sản xứ Quảng trên báo Mỹ The New York Times có đoạn: "Tôi trở lại mì Quảng Bà Mua hai lần, một lần vào buổi sáng và một lần nữa vào buổi chiều muộn, để tìm hiểu các món khác nhau. Nước dùng buổi sáng đặc hơn, cung cấp dinh dưỡng mà bạn cần trong ngày, và buổi chiều loại loãng hơn, đem lại cảm giác như bữa ăn nhẹ".
Không chỉ tự hào, đây là động lực thôi thúc Hòa mang mì Quảng Bà Mua vào TP.HCM. Hỏi Hòa vì sao mì Quảng Bà Mua nổi tiếng đến vậy, anh bảo có lẽ vì tô mì được nấu bằng cái tâm, với ý niệm khách ăn cũng như con mình ăn.
Ký ức về quê nội ở xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) vốn là vùng đất nổi tiếng với mì Quảng gà ùa về với Hòa. Nhà sát bờ sông Thu Bồn, khúc ngã ba sông Giao Thủy là nơi tấp nập ghe xuồng buôn bán từ trên núi đổ về.
Hòa vẫn nhớ hình ảnh mỗi sáng sớm thương lái, bà con đi chợ dừng chân ở bến đò thưởng thức tô mì Quảng nóng hổi trong ngôi nhà gỗ xập xệ bên sông.
Bà Mua - mẹ Hòa - chọn bán mì Quảng mưu sinh. Cái tên mì Quảng Bà Mua gắn với bà như một định mệnh. Với cả gia đình, được The New York Times nhắc đến khi giới thiệu về ẩm thực Đà Nẵng là niềm vinh hạnh.
Nhờ đó, càng được nhiều người biết đến, thêm động lực để "con cháu bà Mua nỗ lực sáng tạo, học hỏi xu hướng mới trong kinh doanh ẩm thực".
Lắng nghe thực khách
Sau bốn tháng bù lỗ, tiệm mì của Hòa tại quận 1 đã bắt đầu có lợi nhuận. Anh biết chọn quận trung tâm của TP.HCM có chi phí vận hành đắt đỏ, cũng là thử thách lớn, song thành công sẽ là sự khích lệ rất lớn. Không ít bà con Việt kiều, khách nước ngoài tìm đến thưởng thức mì Quảng Bà Mua.
"Tôi nghĩ mình đang từng bước thành công trên con đường đã chọn" - Hòa tự tin.
Cũng như bất kỳ ai dấn thân vào ngành ẩm thực, Hòa nói đam mê thôi chưa đủ mà cần sự kiên nhẫn đủ lớn đối diện với khó khăn ban đầu.
Kế hoạch kinh doanh của Hòa rõ ràng, nhất là về tài chính - điều đôi khi bị nhiều người vô tình bỏ quên.
Với anh, kinh doanh một mình hay theo nhóm đều cần kế hoạch tài chính cụ thể, từ đó mới có thể đề ra chiến lược ngắn hạn, dài hạn.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn phải là chất lượng sản phẩm. Hòa nói dù có quảng cáo hay ho như thế nào, nhưng món ăn vào miệng phải là sản phẩm đặc thù, mang dấu ấn cá nhân cũng như thương hiệu. Chưa kể còn phải hợp khẩu vị của nhiều người mới giúp việc kinh doanh đi xa được.
Với ẩm thực xứ Quảng, người nước ngoài khá thích món cao lầu và bánh mì Hội An, những món ăn có sự giao thoa về văn hóa ẩm thực Việt - Nhật, Pháp - Việt.
Bản thân Hòa có chút thuận lợi khi được lan tỏa câu chuyện về nỗ lực không ngừng của một thương hiệu gia đình khá lâu. Chính điều này cũng góp phần không nhỏ tạo niềm tin và gắn kết với khách hàng.
Hòa cho rằng kinh doanh ẩm thực hiện đã khác trước đây, cần rất nhiều cách tiếp cận cũng như việc mang món ăn đến với khách đã nhanh chóng và dễ dàng hơn. Chính vì vậy, anh chủ quán 8X ấy luôn chọn cách lắng nghe, quan sát và cầu thị trước các ý kiến khách hàng để điều chỉnh hợp lý.
Tô mì Quảng ngon!
Thế Hòa nói mỗi người sẽ có khái niệm riêng về tô mì Quảng ngon. Gặp nhiều khách, anh nghe người ta nhắc đến từ "ngày xưa" khi nói về tô mì Quảng kỷ niệm của bản thân khi gợi lại hương vị xưa cũ mà họ từng thưởng thức.
Có người nói tô mì Quảng ngon nhất là do bà ngoại nấu trong gian bếp củi. Người lại bảo là của cô bán gánh ven sông quê mình.
"Tôi cũng không ngoại lệ. Tô mì đậm vị quê luôn làm tôi nhớ lại những ký ức khó khăn thiếu thốn nhưng tràn đầy tình yêu thương và rất đáng trân trọng ở vùng quê nghèo trung du Duy Hòa" - Hòa bộc bạch.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận