05/03/2019 08:41 GMT+7

Quản tiếng ồn, không đơn giản!

BẢO NGỌC
BẢO NGỌC

TTO - Dự thảo nghị định về kinh doanh karaoke, vũ trường đang được xây dựng. Với dự thảo dạng này luôn vấp phải luồng ý kiến: không khéo thêm giấy phép con, can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp...

Thế nhưng xã hội cũng có yêu cầu khác, đó là làm gì để môi trường sống của người dân không bị đảo lộn bởi ô nhiễm tiếng ồn, mất trật tự.

Điểm qua dự thảo sẽ thấy có nhiều quy định quá chi tiết, như không được chốt cửa phòng hát, không được đặt khóa hoặc thiết bị báo động, chỉ sử dụng bài hát trong danh mục được phép lưu hành, không được hoạt động quá 2h khuya, phải cách cơ sở trường học, tôn giáo, di tích 200m...

Nhiều ý kiến còn cho rằng một số quy định trong dự thảo là thừa bởi đã có ở văn bản khác. Như về tiếng ồn, năm 2010 Bộ Tài nguyên - môi trường đã ban hành bộ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn. Theo đó, âm thanh được xác định ở ngưỡng 40 dBA tương đương sự yên lặng khu dân cư về đêm, 50 dBA âm thanh quán ăn vắng khách, 60 dBA âm thanh giữa tiệm ăn. 

Như vậy, nếu cơ sở karaoke, vũ trường cách âm tốt, tiếng ồn không quá 40 dBA có thể hoạt động bất kỳ lúc nào, không giới hạn ở 2h khuya như dự thảo. Về lý thuyết là thế!

Cứ cho là cơ sở karaoke hay vũ trường đã cách âm rất tốt, nhưng tiếng ồn làm phiền người dân đâu chỉ có từ nhạc, loa. Khách đến, khách đi, kèm theo tiếng động cơ xe, tiếng cười nói huyên náo... có đảm bảo được an ninh trật tự và giấc ngủ của người dân trong đêm khuya? 

Hay những hình ảnh không đẹp mắt thường xuất hiện ở điểm karaoke, vũ trường có đảm bảo được không gian thờ tự hay môi trường giáo dục...!?

Có thể nói, việc loại bỏ giấy phép con ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề để cải thiện môi trường kinh doanh được thực hiện trong thời gian qua đã nhận được sự đồng tình của xã hội. 

Nhưng với vấn đề nhạy cảm, đụng chạm đến số đông người dân như kinh doanh karaoke, vũ trường không thể bỏ quy định cho thông thoáng là xong. Bởi khi quá thoáng, không khéo hoạt động kinh doanh sẽ xâm phạm lợi ích của cộng đồng dân cư.

Nhưng quy định quá chặt lại đi ngược tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh mà Chính phủ đang kiên trì thực hiện. Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) cho rằng quy định về an ninh trật tự, tiêu chuẩn âm thanh - ánh sáng... là không cần thiết. Chỉ cần các cơ sở karaoke, vũ trường đáp ứng yêu cầu của pháp luật đã ban hành như phòng cháy chữa cháy, tiếng ồn, phòng chống tệ nạn mại dâm là đủ. 

Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng chỉ cần nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật là vẫn đảm bảo thông thoáng cho người kinh doanh nhưng không để các cơ sở karaoke, vũ trường xâm phạm quyền lợi của người dân.

Tuy nhiên cũng có một thực tế khác là người dân vẫn bức xúc khi cuộc sống hằng ngày của họ bị đảo lộn bởi các hoạt động của một số cơ sở karaoke, vũ trường "nhốn nháo" mà không thấy các cơ quan pháp luật can thiệp.

Chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ là bất biến. Phải quản lý hay bớt đi quy định nhằm tạo thông thoáng cho kinh doanh, lý lẽ nào cũng đúng. 

Quản như thế nào, câu trả lời đúng nhất là từ thực tế: người kinh doanh không bị làm khó, cuộc sống của người dân không bị quấy nhiễu bởi hoạt động của các cơ sở karaoke, vũ trường. Đó chính là thử thách cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Tiếng ồn hát hò, vì sao không phạt được?

TTO - Lời "trần tình" của một bạn đọc từng công tác ở công an phường về lý do vì sao không thể xử lý các trường hợp hát hò gây tiếng ồn ảnh hưởng đến cộng đồng xung quanh.

BẢO NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên