05/07/2015 08:41 GMT+7

Quan tâm và giám sát tài xế

LÊ NAM ghi
LÊ NAM ghi

TT - Mỗi ngày trên toàn thế giới có gần 3.500 người chết trên đường nên Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu (GRSP) mong muốn chính phủ, doanh nghiệp, xã hội... cùng nhau làm giảm con số này đến mức thấp nhất.

Ông MICHAEL CHIPPENDALE - Ảnh: L.N.
Ông MICHAEL CHIPPENDALE - Ảnh: L.N.

Tôi biết có không ít tài xế xe tải đường dài, xe container ở VN dùng chất kích thích, ma túy để tỉnh táo hơn trong lúc lái xe. Gần đây xảy ra nhiều vụ tai nạn do các xe tải, xe container gây ra làm nhiều người chết. Đây là vấn đề nhức nhối của giao thông VN cần phải khắc phục.

Giám sát, nhắc nhở, quan tâm tài xế

Thu nhập của tài xế tùy thuộc vào số chuyến xe họ thực hiện nên đây là áp lực lớn đối với họ. Tài xế phải lái xe nhanh hơn để có thể hoàn thành số chuyến nhằm đảm bảo thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Áp lực thu nhập chính là nguyên nhân tài xế vượt đèn đỏ, không nghỉ ngơi đủ thời gian... gây ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bản thân và người đi đường. Vì vậy, công ty vận tải phải hiểu và thực hiện nghiêm túc việc giám sát, nhắc nhở, quan tâm đến người lao động của mình.

Ở các nước, có nhiều công ty vận tải đã tuyển dụng lực lượng giám sát bí mật để kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn giao thông của lái xe.

Chính các công ty vận tải cũng phải có những quy định liên quan đến an toàn trên đường và phải có giám sát, chế tài nghiêm khắc đối với lái xe vi phạm để đảm bảo các quy định này được thực hiện nghiêm túc.

Cần lưu ý các quy định cho lái xe đường dài phải khác và chặt chẽ hơn so với các quy định của lái xe thông thường.

Và công ty cần có những quy định sao cho thu nhập của lái xe phải hợp lý để họ không cố gắng chạy thật nhiều chuyến nhằm kiếm tiền, bất chấp tất cả nguy cơ cho họ và cộng đồng.

Những tập đoàn đa quốc gia có nhiều đơn vị vận tải, đội xe với số lượng rất lớn. Họ đã chủ động thiết lập các chương trình nâng cao sự nhận thức về an toàn trên đường cho nhân viên và đơn vị thứ ba cung cấp các dịch vụ vận chuyển (công ty cung cấp xe để vận chuyển hàng hóa cho các tập đoàn).

Chẳng hạn có những chương trình mang tên “An toàn ngay bên ngoài khung cửa” để nhân viên và bên thứ ba cung cấp dịch vụ vận tải nhận thức về tầm quan trọng của việc lái xe trên đường.

Mục tiêu của chương trình này nhằm để tất cả lái xe, nhân viên công ty và cả nhân viên của bên thứ ba cung cấp dịch vụ vận tải có thể trở về nhà an toàn.

Thống kê của công ty thực hiện chương trình này tại Philippines cho thấy số tai nạn xảy ra từ năm 2012 đến nay đều giảm (trung bình mỗi năm số vụ tai nạn giảm khoảng 57%). Chương trình này đã trở thành thương hiệu về an toàn trên đường mà tập đoàn này gầy dựng.

Trên quốc lộ 1, đoạn qua địa phận Đồng Nai, ôtô chạy lấn vào làn đường của xe máy khiến dễ xảy ra  tai nạn - Ảnh: T.T.D.
Trên quốc lộ 1, đoạn qua địa phận Đồng Nai, ôtô chạy lấn vào làn đường của xe máy khiến dễ xảy ra tai nạn  - Ảnh: T.T.D.

Các cơ quan chức năng phải nắm tay nhau mà làm

Trong công ty vận tải, lái xe là người có trách nhiệm và vai trò quan trọng nên công ty phải tăng cường tái huấn luyện, đào tạo các lái xe. Công ty phải có hệ thống giám sát tần suất và thời gian lái xe, xem tài xế đã lái xe bao lâu, nghỉ trong bao lâu.

Tại VN, xe máy nhiều hơn ôtô nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho phù hợp thực tế và giảm thiểu tai nạn, thương vong cho con người thật sự là thách thức lớn với Chính phủ.

Một số nơi ở Trung Quốc, chính phủ đã thực hiện được việc phân luồng cho xe hai bánh và xe bốn bánh để giảm thiểu thương vong nếu chẳng may xảy ra tai nạn. Việc này cũng đã được thực hiện ở VN nhưng không phải dễ dàng thực hiện ở nhiều tuyến đường.

Để đảm bảo an toàn giao thông, việc quy định tuổi cho lái xe các hạng tải cũng là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải đảm bảo các quy trình nâng bậc hạng của lái xe thật chuẩn.

Trong việc này vai trò của các trung tâm dạy lái xe rất quan trọng. Họ phải có trách nhiệm trong việc đào tạo, giám sát và nâng cao tay nghề cho các lái xe bằng các quy chuẩn đồng bộ với khu vực và thế giới.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, theo tôi, tất cả tổ chức liên quan như cảnh sát giao thông, ủy ban an toàn giao thông, chính quyền, truyền thông... phải phối hợp thật chặt chẽ với nhau. Kinh nghiệm này đã được áp dụng thành công trên thế giới.

Thực tế cho thấy chỉ khi nào các cơ quan chức năng thật sự phối hợp hành động chặt chẽ với nhau, theo kiểu cùng nắm tay nhau mà làm với cùng một tầm nhìn thì tình trạng tai nạn sẽ có thay đổi.

Ông MICHAEL CHIPPENDALE,
(người Úc, giám đốc truyền thông Hiệp hội An toàn đường bộ toàn cầu)

LÊ NAM ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên