28/10/2022 09:29 GMT+7

Quan sát nghị trường: Không chỉ là chuyện đồng lương

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Đại biểu Quốc hội phản ánh có tình trạng một bộ phận cán bộ công chức, viên chức "bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm", gồm cả lãnh đạo, quản lý. Có cán bộ tâm sự rằng 'thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử'...

Hiếm có một phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội nào gần đây mà bên cạnh vấn đề phát triển kinh tế, đời sống xã hội thì vấn đề công chức, viên chức nghỉ việc, làm việc cầm chừng - lại nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội đến vậy.

Sự sốt ruột của nhiều đại biểu được bày tỏ khi nhắc lại báo cáo của Chính phủ về "tình trạng bỏ việc, nghỉ việc trong khu vực công có xu hướng gia tăng". Bằng chứng là, từ năm 2020 đến tháng 6-2022 đã có gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục.

Nhưng đáng lo ngại hơn, đại biểu Quốc hội phản ánh có tình trạng một bộ phận cán bộ công chức, viên chức "bất an, sợ sai, sợ trách nhiệm", gồm cả lãnh đạo, quản lý. Thực trạng này cảnh báo một hệ lụy là không chỉ thiếu cán bộ công chức làm việc trong khu vực công, mà hơn cả là có thể kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội, không thực hiện đúng vai trò "công bộc của dân".

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh) chỉ ra thực trạng từ tháng 7-2019 đến nay tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi chỉ số giá tiêu dùng hằng năm tăng 4% làm cho tiền lương thực tế và đời sống giảm xuống.

Nhưng đâu chỉ là câu chuyện đồng lương, khi cán bộ thực thi công vụ chịu quá nhiều "áp lực công việc", cường độ làm việc quá lớn, mà còn những "nguy hiểm chực chờ" do những bất cập trong thể chế, cơ chế. Điều này khiến cho đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) phải chua xót nói: "Có cán bộ tâm sự rằng thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử".

Bởi vậy, cùng với việc đề xuất sớm điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ công chức, viên chức thực hiện ngay từ đầu năm 2023, làm tiền đề thực hiện cải cách tiền lương, để đồng lương phản ánh đúng giá trị sức lao động, nhiều đại biểu đã hiến kế những giải pháp nhằm giúp "khơi thông tư tưởng" cho đội ngũ này.

Những vấn đề được các đại biểu nhận diện thẳng thắn, cũng đã phần nào được tư lệnh ngành Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Y tế... giải trình với nhiều giải pháp. Dù chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều nhưng điều công chức, viên chức mong mỏi hơn hết đó là làm thế nào để xây dựng môi trường làm việc, thực thi công vụ lành mạnh, minh bạch, rõ ràng thì mới có thể giải quyết được gốc rễ câu chuyện trên.

Lĩnh vực đất đai vốn là "điểm nóng" mà nguyên nhân một phần do "sự trì trệ trong cơ quan công quyền", đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng cần phải tập trung vào cải cách thể chế, xử lý nghiêm đối với lối tư duy nhiệm kỳ, đề cao trách nhiệm cũng như cần một cơ chế minh bạch để ranh giới giữa đúng - sai phải rõ ràng. Điều này giúp tạo công cụ bảo vệ những người trong bộ máy công quyền, dám nghĩ dám làm thì hiệu quả quản lý nhà nước mới không đi xuống.

Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân khó tăng lương cơ sở từ 1-1-2023 Bộ Tài chính lý giải nguyên nhân khó tăng lương cơ sở từ 1-1-2023

TTO - Theo Bộ Tài chính, nếu thực hiện tăng lương cơ sở vào thời điểm 1-1-2023 sẽ gây thêm sức ép lên điều hành giá cả do tâm lý tăng lương đi kèm với tăng giá, gây khó khăn cho việc kiểm soát lạm phát.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên