16/09/2016 09:33 GMT+7

Đối đầu lạ lùng ở Thổ Nhĩ Kỳ

NGUYỄN NGỌC HÙNG
NGUYỄN NGỌC HÙNG

TTO - Từng là thầy trò, từng là đồng minh chính trị nhưng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nay quyết bắt cho bằng được người thầy của mình. Vì sao như vậy?

Nhà truyền giáo Gulen tại nhà riêng ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 29-7 - Ảnh: Reuters
Nhà truyền giáo Gulen tại nhà riêng ở Saylorsburg, bang Pennsylvania (Mỹ) ngày 29-7 - Ảnh: Reuters

Ngày 13-9, chính quyền Ankara đã chính thức đề nghị Mỹ bắt giữ và cho dẫn độ nhà truyền giáo Fethullah Gulen đang định cư tại Mỹ, bởi ông này bị kết tội “cầm đầu cuộc đảo chính (bất thành)” hai tháng trước đó.

Nhưng xem ra cuộc đối đầu giữa thủ lĩnh Hồi giáo chính trị đang cầm quyền Tayyip Erdogan với thủ lĩnh Hồi giáo xã hội Gulen không hề đơn giản.

Từ thầy trò thành thù địch

Giáo sĩ Gulen, nay 75 tuổi, thuộc bậc cha chú của Tổng thống Erdogan. Nhà truyền giáo này từng là thầy dạy Hồi giáo của ông Erdogan. Vì cùng chung lý tưởng khôi phục các giá trị Hồi giáo trong môi trường thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ, nên Erdogan và Gulen trở thành đồng minh chính trị.

Ông Gulen không tham vọng cầm quyền nên dồn mọi tiềm năng của mình, với khối cử tri lên đến 7% để góp phần đem lại chiến thắng lịch sử trong cuộc tổng tuyển cử năm 2003 cho Đảng Công lý và phát triển (AKP) mà sau này Erdogan trở thành thủ lĩnh.

Suốt 10 năm liền sau đó, Gulen làm hậu thuẫn cho AKP cầm quyền và giúp Erdogan nhanh chóng thăng tiến lên đến vị trí thủ tướng và chủ tịch AKP. Đổi lại, AKP phải chấp nhận cho những người theo Gulen dần thay thế các con bài của giới quân nhân thế tục trong hầu khắp bộ máy nhà nước.

Điều đó đưa đến tình cảnh các thành viên của phong trào Gulen, dù không nắm vị trí chính thức nào trong giới chóp bu cầm quyền, nhưng lại đủ tiềm lực để tác động cản trở những đường lối mà Gulen cho là “thoái hóa biến chất” khỏi các giá trị thuần khiết của Hồi giáo.

Qua thời gian, “thầy” Gulen cho rằng Erdogan ngày càng bộc lộ bản chất “độc đoán chuyên quyền”, thậm chí là “độc tài, tham nhũng”. Đó là những thói hư tật xấu mà lý tưởng của Gulen không chấp nhận.

Mâu thuẫn âm ỉ ngày càng bộc lộ. Từ đầu năm 2013, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu có những biện pháp mang tính chiến lược để hạn chế, tiến đến loại bỏ thế lực Gulen, mà khi ấy đã bị cho là “một thực thể song hành với nhà nước” và “một nhà nước bên trong nhà nước”.

Cuộc đối đầu công khai thật sự nổ ra vào cuối năm 2013. Khi ấy, người theo Gulen trong hệ thống tư pháp và cơ quan điều tra đã khui ra một vụ tham nhũng ở cấp cao. Dính đến vụ này có bốn bộ trưởng thuộc AKP cùng một số “thái tử”, trong đó có cả con trai đầu của Thủ tướng Erdogan!

Vụ án nghiêm trọng không chỉ ở mức độ tham nhũng. Các nghi can đã lợi dụng vị thế chính trị của đảng cầm quyền để trục lợi trong “các phi vụ đen” giúp Iran vượt qua hàng rào trừng phạt của Liên Hiệp Quốc khi ấy!

Thủ tướng Erdogan quyết ra tay lật ngược thế cờ. Ông dùng quyền lực của đảng cầm quyền để ngăn chặn cuộc điều tra, coi đây là “âm mưu chống lại chính quyền”, và tổ chức phản công lại hệ thống tư pháp. Chính quyền kết tội ông Gulen đứng sau vụ điều tra tham nhũng này và đẩy mạnh các biện pháp quyết liệt nhằm thu hẹp ảnh hưởng của phong trào Gulen.

Đến đầu năm 2014, tất cả các nghi can vụ án tham nhũng đều vô can. Ngược lại, hàng loạt quan chức cao cấp của bộ máy tư pháp và điều tra đã tham gia vụ tố tụng chống tham nhũng động trời này đều bị sa thải!

Mạng lưới hùng mạnh của Gulen

Mohammed Fethullah Gulen sinh trưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ và được mệnh danh là “Khomeini của Thổ Nhĩ Kỳ”. Ông là tác giả của 62 đầu sách truyền giáo dòng Saufi (một nhánh ôn hòa của Sunni) được dịch ra 30 ngôn ngữ khác nhau. Ông là một nhà truyền giáo thuần Saufi, một nhà tư tưởng Hồi giáo. Ông thành thạo các ngoại ngữ như Ả Rập, Anh, Pháp.

Gulen được coi là “cha đẻ của Hồi giáo xã hội” và phản đối việc chính trị can thiệp vào tôn giáo. Năm 1964, ông sáng lập ra một tổ chức chỉ có danh xưng là “Phong trào”, rồi được gọi là “Phong trào Gulen”, hoặc “Phong trào al-Khadama” (Phong trào Phục vụ).

Phong trào Gulen quản lý hàng ngàn trường học Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ và ở cả trăm quốc gia khác. Họ có hệ thống thông tin - truyền thông gồm hàng trăm tờ báo (nổi tiếng nhất là nhật báo Zaman 1 triệu bản/ngày với nhiều ngôn ngữ khác nhau), tạp chí, các đài truyền hình, phát thanh, nhà xuất bản... Trang mạng của Mohammed Fathullah Gulen có 32 ngôn ngữ.

Tổ chức của Gulen còn có một hiệp hội doanh nhân gồm 54.000 thành viên, với 14.000 doanh nghiệp; vô số tổ chức từ thiện và các trung tâm văn hóa tại nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới. Gulen có một ngân hàng bất vụ lợi vốn điều lệ 125 triệu USD. Còn tài chính của tổ chức này được cho là lên đến 25 tỉ USD!

Giáo sĩ Gulen nổi bật bởi phong cách giao tiếp đầy thiện cảm và tinh tế. Ông cũng là người ủng hộ sự cởi mở giữa các tôn giáo và các nền văn minh khác nhau. Năm 1988, ông đã tiếp kiến giáo hoàng John Paul II và cả một cựu lãnh tụ tinh thần của Do Thái giáo. Đó là những cuộc tiếp xúc chưa có tiền lệ giữa một giáo sĩ Hồi giáo với các thủ lĩnh của hai tôn giáo vốn bị coi là “đối thủ không đội trời chung”.

Bởi thế, giáo sĩ Gulen được ngưỡng mộ tại các quốc gia Âu - Mỹ nhưng lại không được hoan nghênh ngay tại tổ quốc của ông. Ủy ban đối ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ từng tuyên bố coi tổ chức của Gulen là “tổ chức khủng bố tương tự như Nhà nước Hồi giáo - IS”.

NGUYỄN NGỌC HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên