Chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ, Hồ Ngọc Hân nói: "Không nơi mô ở sướng bằng Huế. Từ khi trở về năm 2022, tôi đã tìm thấy lại nhiều niềm vui trong cuộc sống của mình. Mà quan trọng nhất là tôi đã được góp một phần sức nhỏ để xây dựng quê hương".
Đi để trở về
* Sau khi giành vòng nguyệt quế chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm 2009, quá trình học tập, làm việc của anh diễn ra như thế nào?
- Giành được vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia 2009, năm 2010 tôi sang Úc học cử nhân tại Đại học Swinburne rồi sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ, chuyên ngành chỉnh sửa gene. Thời gian ở Úc chủ yếu tôi nghiên cứu về cơ chế tự sửa lỗi của DNA trong cơ thể người.
Đến năm 2019, sau chín năm ở Úc tôi quyết định rời xứ sở chuột túi để bắt đầu cuộc hành trình mới. Tôi được nhận vào làm việc tại Viện Francis Crick - một viện nghiên cứu vi sinh hàng đầu thế giới ở thủ đô London của nước Anh - và tiếp tục nghiên cứu về cơ chế sửa đổi của DNA.
Tại đây tôi được làm việc với những nhà khoa học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực di truyền, biến đổi gene và cũng có riêng cho mình những thành tựu nhất định trong nghiên cứu khoa học. Sau ba năm ở Anh và cảm thấy quãng thời gian ở nước ngoài của mình đã đủ để tích lũy kinh nghiệm, kiến thức, tôi quyết định quay về Việt Nam vào năm 2022.
* Những thành tựu mà anh nói là gì?
- Đó là một đóng góp nhỏ trong chương trình nghiên cứu khoa học tại viện về biến đổi DNA. Tôi tìm ra được thêm một phương pháp nghiên cứu cơ chế sửa đổi DNA ở người. Nói nôm na thế này, trường hợp tôi nghiên cứu là các DNA bị biến đổi rất sớm. Thường với những người bị biến đổi DNA dạng này sẽ mắc ung thư từ khoảng 20-25 tuổi và hiếm có người sống sót qua tuổi 30.
Sau quá trình nghiên cứu, tôi tìm ra được một phương pháp giúp DNA bị phá hủy tìm lại được cấu trúc di truyền của nó. Phương pháp này có tên là cơ chế tái tổ hợp tương đồng giúp sửa đổi những đứt gãy DNA trên cơ thể người. Cơ chế này giúp làm sáng tỏ thêm cơ chế sửa đổi của DNA, góp phần nhỏ trong công cuộc nghiên cứu các loại thuốc, kháng sinh hay các phương pháp để chống lại tế bào ung thư.
Đau đáu với hai chữ "cống hiến"
Hồ Ngọc Hân là người cán bộ có năng lực, tâm huyết và đau đáu với hai chữ "cống hiến" cho quê hương, với vùng đất cố đô. Kể từ khi công tác ở viện, Hân đã có cho mình nhiều công trình nghiên cứu với kết quả rất tốt, vượt trội. Chúng tôi rất vui và hãnh diện khi được làm việc chung với Hân.
TS Nguyễn Đức Huy
(phó viện trưởng Viện Công nghệ sinh học)
Việt Nam là nhà
* Tại sao anh quyết định trở về Việt Nam vào thời điểm đó mà không phải thời điểm nào khác? Và tại sao anh lại chọn Huế thay vì Hà Nội hay TP.HCM?
- Thực ra ý nghĩ quay về Việt Nam được tôi nung nấu từ trước khi sang Anh làm việc. Sau bao năm ở nước ngoài, ít khi tôi cảm thấy đó là nơi tôi thuộc về, dù là ở Anh hay ở Úc. Con người mà, ai cũng có nhu cầu thuộc về một nơi nào đó.
Và Việt Nam vẫn chính là nơi tôi có cảm giác đó là nhà. Thứ hai, tôi muốn trở về để đóng góp, phụng sự quê hương, mảnh đất mà tôi "mắc nợ ân tình" rất nhiều. Nợ ở đây đơn giản là nơi đã nuôi dưỡng tôi lớn khôn, cho tôi điều kiện để được học tập với mức học phí rất thấp, rồi chăm sóc y tế nữa.
Còn tại sao lại về Huế mà không phải TP.HCM hay Hà Nội, thì đơn giản tôi muốn ở nhà, gần ba mẹ, bạn bè. Với tôi không nơi mô ở sướng bằng Huế. Mùa hè nóng thì ra sông Hương, đi biển Thuận An bơi cho mát. Còn mùa lạnh thì mình chạy bộ, quá sướng luôn.
Nói về cơ hội thì bây giờ ở đâu cũng không còn quan trọng lắm bởi chúng ta đang sống trong thế giới mở, có thể làm việc online dù đang ở bất cứ đâu. Điều quan trọng là công việc đó mang lại giá trị, mang lại niềm vui, được cống hiến sức mình cho quê hương này là đủ.
* Để trở về quê hương làm việc, có phải anh đã đánh đổi rất nhiều thứ, từ cơ hội phát triển đến tiền bạc?
- Với tôi đó không phải là sự đánh đổi. Khi tôi quyết định về Việt Nam, lúc đó thầy của tôi là một vị giáo sư ở viện cũng mong muốn giữ tôi ở lại. Kể cả khi tôi đã về Việt Nam vẫn có ba công ty gửi lời mời với thu nhập rất cao. Tuy nhiên tôi đều từ chối và kiên định với ý nghĩ đã đến lúc đi về nhà.
Thời điểm ở Anh, tôi dường như không có niềm vui vì phải vùi đầu vào công việc ở phòng thí nghiệm 15 tiếng mỗi ngày. Về Việt Nam, tôi đã thử làm một công việc khác bởi nghĩ mình không thể cứ cắm đầu ở trong phòng thí nghiệm làm bạn với ống nghiệm mãi được. Thế nhưng tôi làm công việc đó chỉ vỏn vẹn được ba tháng.
Lúc này tôi mới nhận ra đam mê sâu thẳm của mình vẫn là nghiên cứu và phải tìm ra một cái gì đó chưa từng được ai biết đến. Vậy là tôi quyết định quay trở lại công việc nghiên cứu khoa học. Nhưng lần này tôi chọn nghiên cứu trên thực vật chứ không phải trên DNA của người nữa, mà đặc biệt là những loại thực vật đang được trồng nhiều ở Việt Nam.
Nhiều người bạn của tôi nói rằng từ khi trở về Việt Nam, tôi đã cười nhiều hơn. Có người đùa tôi là "nụ cười thiên thần" - biệt danh mọi người đặt cho tôi khi dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2009 - đã hồi sinh trở lại. Điều này thì quả không thể gọi là đánh đổi nữa mà tôi được nhiều hơn mất khi quay trở về chứ (cười).
* Công việc hiện tại của anh là gì và dự định tương lai như thế nào?
- Hiện tôi đang công tác tại Viện Công nghệ sinh học (Đại học Huế), phụ trách phòng thí nghiệm sinh học phân tử. Trong tiến trình đưa Đại học Huế trở thành đại học quốc gia, viện được định hướng trở thành 1 trong 3 trung tâm nghiên cứu sinh học quốc gia ở ba miền Bắc - Trung - Nam và chúng tôi đang nỗ lực để sớm thực hiện được mục tiêu này.
Sau hơn một năm rưỡi trở về, hiện tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu ba đề tài khoa học. Trong đó có một đề tài cấp viện (thuộc Đại học Huế), một đề tài cấp Bộ GD-ĐT và một đề tài do Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Bộ Khoa học - Công nghệ) tài trợ.
Trong đó đề tài cấp Bộ GD-ĐT là về nghiên cứu bệnh di truyền trên cây ớt và cà chua. Còn đề tài thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ là nghiên cứu về một cơ chế vắc xin giúp cây tạo ra kháng thể, chống lại các vi rút gây bệnh.
Hy vọng trong vài năm tới chúng tôi có thể cho ra một sản phẩm cụ thể, về một giống cây mới có khả năng tự kháng lại mọi loại bệnh do vi rút gây ra chẳng hạn. Lúc đó người nông dân không phải tốn nhiều tiền để mua thuốc trừ sâu, vừa bớt gây ô nhiễm môi trường, vừa mang lại năng suất kinh tế cao.
Ở đâu cũng có thể đóng góp cho quê hương
* Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng chương trình Đường lên đỉnh Olympia là nơi đào tạo nhân tài cho nước Úc?
- Theo tôi đó chắc chỉ là câu nói vui mà thôi. Quan điểm cá nhân của tôi thì mỗi người đều có sự lựa chọn riêng cho mình. Ở nước ngoài hay ở Việt Nam thì đều có thể cống hiến cho quê hương bằng nhiều cách khác nhau, đặc biệt trong khoa học thì gần như không phân biệt biên giới.
Bản thân tôi thì thích sống ở Việt Nam nên tôi chọn trở về để góp sức nhỏ xây dựng quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận