TTCT - Sau những tin bài trên báo từng rộ lên một hồi rồi lắng đi về vụ mua bán trẻ con ở chùa Bồ Đề (Hà Nội), chùa vãn khách hẳn. Minh họa: VIIP Cạnh đó, đền Ghềnh, nơi chỉ cách chùa vài sải chân thì lại đông khách hơn xưa. Đền chùa đều nằm một vệt bên sông Hồng, là địa chỉ dừng chân của du khách phương xa, bao nhiêu chuyện sáng tối vẫn cứ phơi ra như ta phơi áo dưới nắng. Câu chuyện dưới đây ghi lại từ quán nước vối ở gần đền Ghềnh. Một bà bán giấy vụn và sách báo cũ mở đầu: - Lạy Phật độ cho tháng ngâu này đi qua, chứ cái cô mua bán trẻ con, một con sâu vẩy bùn lên áo nhà chùa, rốt cục chỉ khổ cho mấy đứa trẻ, mấy bữa nay cũng bị nhốt trong nhà như nhốt trong lồng chim. Rồi thiếu thốn, bỉm, sữa, thuốc thang, bé tí mà không có ai ruột rà, máu mủ, khổ lại thêm khổ. Người chuyên phơi lá vối ở chùa Cự Khối, hôm nay lên đền Ghềnh thăm bạn già, cũng góp chuyện: - Tôi đến chùa Bồ Đề dễ hơn hai chục năm có lẻ, từ lúc nhà chùa còn cũ kỹ và nom xưa lắm, nhà nuôi trẻ lúc đầu còn mái lá, rồi đến lợp tôn cũ. Từ ngày ấy nhà chùa đã giang tay đón những đứa trẻ bị bỏ rơi nơi cửa chùa, có đứa bị kiến bu cả vào chân to như con ruồi, nhà chùa cùng với bao bà mẹ khắp kẻ chợ Đồng Xuân, Bắc Qua chung tay nuôi nấng… Cô V. buôn hàng khô chợ tạm Châu Long cũng đế vào: - Làm mẹ, ai cũng thương những đứa trẻ vô tội. Hơn hai chục năm, bao nhiêu đứa lớn khôn, nhiều em nên vợ nên chồng vẫn dắt díu con thơ về thăm chùa. Chúng nó đi học may, học đầu bếp, học bốc thuốc đông y, có thấy ai nói gì đâu. Ông T. đang chữa xe đạp ven đường chạy vào quán nước xin miếng trầu, góp vào: - Thì chuyện đời vẫn xô đi như sóng, các bà cứ chuyện về lũ trẻ. Nghe nói bọn trẻ được về trung tâm xã hội nuôi dưỡng, đời sống khá hơn thì mừng cho trẻ. Còn mấy chục cụ già, đã già thì như phế liệu, không nên kêu ca làm gì. Nhưng còn những người già hiu quạnh khác, đã quen cảnh tam quan, nghe kinh kệ qua ngày, nay phải về trung tâm dưỡng lão bơ vơ ở một dạng khác... Tuổi này có lúc chả thiết miếng cơm manh áo, nhưng lại thiết tha với đền chùa bến nước, sông quê, nay về sống trong nhà bêtông hóa, biết tính sao... Vãi Lê ở chùa Bồ Đề cũng góp vào: “Sắp tới tôi tính về nhà quê ở với cháu thôi. Trước giờ mấy năm quét lá, dâng đèn, những nghĩ còn sức thì ra vào trông nom thêm sách vở cho trẻ học hành. Tôi cũng từng là mồ côi. Giờ thì cầm lòng vậy”. Tôi nghe chuyện, không khỏi ngậm ngùi. Những cụ già đến ở chùa này, nhà chùa, các bậc chân tu, ni sư có cách nhìn chữ nhẫn khác chúng ta, họ chịu đựng sự ca cẩm rất giỏi, các cụ nói nhiều họ chỉ mỉm cười... Nhớ lại một lần tôi nói chuyện với một sư thầy ở thiền viện Trúc Lâm. Sư thầy bảo cuộc đời ăn chay cũng không ít ni sư đi tu mà chưa được học đến nơi đến chốn, có người cũng chỉ tu được một nửa chặng đường; có người khi giao tiếp với đời, nghe cách nói năng, ứng xử với nhân gian cũng chẳng ra làm sao, có lúc bắt gặp những đôi mắt cũng dáo dác khó trông lắm. Thôi, trong đời sống cứ xem như một bó đuốc sáng, đuốc cháy lan tới đâu trong cơ thể thì biết đến đó, còn ở đâu ánh đuốc chưa rọi tới chỗ u tối nhất của con người thì người ấy phải chịu thôi. Cậu thợ điện chuyên chữa đèn đóm trong xóm cũng chêm vào: - Nghe vãi nói mỗi lần nhặt được đứa trẻ, nào tắm rửa, nuôi và dưỡng, trình báo công an khu vực, tổ trưởng dân phố, rồi viết đơn tường trình. Bao nhiêu thủ tục, hẳn một con người, chứ có phải cái mắc áo đâu... Kẻ có tội thì ngồi nhà giam. Đương nhiên. Còn những người vô danh nuôi trẻ bao năm vẫn phải học cách lặng của sóng ở đáy sông mà sống tiếp. Ông Từ viết sớ hỏi những người ngồi quanh: “Bà xin gì, ông xin gì phải nói rõ ra nhá, viết chữ nho mà sai một li sẽ đi một dặm”. Bà cụ R., một cụ già từng tá túc ở chùa Bồ Đề, khăng khăng: “Ông viết gì cho tôi cũng nhớ phải thêm cho tôi một câu: Phật độ cho những đứa trẻ trong chùa sẽ nước nổi can qua, sớm được đến trường đi học. Năm học sắp đến chìa tay ra kìa”. Ông Từ viết sớ lại hỏi tiếp một bà cụ khác, nãy giờ vẫn ngồi im không góp chuyện: “Thế còn bà, tên gì? Tuổi con gì?”. Bà cụ này đáp: “Không ạ, tôi độc thân, không hộ khẩu, không có gì, tuổi này tôi cần gì nữa. Tôi xin sớ dâng cho các cháu trong chùa, năm học mới tới rồi có đứa lỡ học thì khổ lắm, ông Từ nhớ viết thế cho tôi nhờ”. Tags: Tạp bút
Tiền đạo Văn Quyết đi vào lịch sử V-League HOÀNG TÙNG 09/11/2024 Tiền đạo Nguyễn Văn Quyết có bàn thắng thứ 117 và chính thức trở thành cầu thủ Việt Nam ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử V-League.
Qatar rút làm trung gian ngừng bắn vì Hamas và Israel thiếu thiện chí NGHI VŨ 09/11/2024 Trong bối cảnh vòng đàm phán mới đây không đạt được kết quả, Qatar tuyên bố rút khỏi nỗ lực trung gian cho lệnh ngừng bắn tại Gaza, đồng thời cho ngừng văn phòng đại diện của Hamas tại Doha.
Khán giả quẩy cực sung tại đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh HỒ LAM 09/11/2024 Khán giả tham dự đêm nhạc Ngày hội Việt Nam Xanh 2024 đa phần là người trẻ. Họ đến chương trình với tâm thế vừa để giải trí, gặp gỡ thần tượng vừa góp phần thực hiện các hoạt động cộng đồng giúp ích cho môi trường.
Điều kỳ lạ xảy ra 15 phút trước khi núi lửa phun gây sóng thần khắp Thái Bình Dương BÌNH MINH 09/11/2024 Trước khi núi lửa Tonga phun trào dữ dội làm rung chuyển Thái Bình Dương, không có hoạt động bề mặt nào được ghi nhận, nhưng máy đo địa chấn đã phát hiện điều kỳ lạ.