Kế hoạch này nhấn mạnh tới năm 2020, Trung Quốc sẽ hoàn thiện một mạng lưới giám sát hàng hải ba chiều toàn diện tại các vùng biển liên quan.
Dự án này có ba đặc điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, đây sẽ là một hệ thống giám sát hàng hải áp dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất của Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau. Khoa học công nghệ đóng vai trò quan trọng trong tham vọng chủ quyền của Bắc Kinh, từ giám sát vệ tinh cho tới các hệ thống rađa hay các loại thiết bị không người lái.
Thứ hai là tính ba chiều. Một hệ thống giám sát hàng hải hiệu quả cần phải có khả năng tiến hành các nhiệm vụ C4ISR (thông qua máy tính tiến hành giám sát, trinh sát và thu thập thông tin tình báo) cả trên bầu trời, trên mặt nước và dưới mặt nước. Đặc trưng này được hiện thực hóa thông qua đặc trưng thứ nhất.
Trên không, Trung Quốc đang hoàn thiện năng lực của hệ thống vệ tinh Bắc Đẩu (tương đương với Glonass của Nga hay GPS của Mỹ) có khả năng theo dõi và giám sát chi tiết toàn bộ các khu vực biển gần.
Trên mặt nước là hệ thống rađa dày đặc được lắp đặt trên bờ biển, trên các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép và trên các tàu chiến của hải quân di chuyển. Thông tin mới nhất đề cập tới mạng lưới giám sát đáy biển và mặt nước ở định dạng HD trong mọi điều kiện thời tiết theo thời gian thực.
Thứ ba chính là tính lưỡng dụng của hệ thống. Trung Quốc luôn tuyên bố rằng các hệ thống giám sát hàng hải của mình chủ yếu phục vụ kiểm soát tài nguyên, phòng chống thiên tai hay đảm bảo an toàn hàng hải.
Tuy nhiên, rõ ràng tính lưỡng dụng cho phép toàn bộ hệ thống giám sát có thể chuyển trạng thái sang phục vụ nhu cầu quân sự bất cứ lúc nào.
Một khi được hoàn thiện, hệ thống này sẽ giúp gia tăng đáng kể năng lực kiểm soát trên thực địa của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp. Đây chính là quan ngại của các nước có tranh chấp về vùng biển, các nước trong khu vực và các nước có sử dụng đường hàng hải đi qua hai vùng biển này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận