10/01/2023 10:00 GMT+7

Quản lý xăng dầu: hai bộ 'đá bóng' cho nhau

Biểu hiện rõ nhất của sự đùn đẩy này là Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo nghị định 95/2021 trong đó đề xuất giao hoàn toàn việc quản lý, điều hành giá xăng dầu về Bộ Tài chính.

Quản lý xăng dầu: hai bộ đá bóng cho nhau - Ảnh 1.

Đợt thay đổi giá xăng ở TP.HCM những ngày đầu tháng 1-2023 - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Trong khi đó, tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 10-2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã bày tỏ muốn chuyển hoàn toàn việc quản lý xăng dầu về Bộ Công Thương.

Quản lý xăng dầu: "Ông nọ đá qua ông kia"

Sửa đổi nghị định 95 lần này, Bộ Công Thương cho rằng có thể giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là nhiều bộ ngành cùng quản lý xăng dầu hoặc là giao hoàn toàn việc quản lý và điều hành giá xăng dầu về một trong hai bộ Tài chính, Công Thương. 

Tuy vậy, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì, còn Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Bộ Công Thương cho rằng đề xuất mới này là nhằm tập trung việc quản lý điều hành giá về một đầu mối, phù hợp với chức năng nhiệm vụ và chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Tài chính. Phương án này cũng có ưu điểm là Bộ Tài chính đảm trách toàn bộ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính nên thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành. 

Theo Bộ Công Thương, phương án này có nhược điểm là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, nếu giao hoàn toàn về cho Bộ Công Thương thì dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu nhưng lại dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc điều hành giá xăng dầu vẫn nên để Bộ Công Thương đảm nhiệm vì đây là nhiệm vụ được bộ thực hiện lâu nay cũng như phù hợp với quy định của Luật giá. 

Tuy vậy, việc quyết định giao cơ quan đầu mối, chủ trì quản lý toàn diện mặt hàng xăng dầu sẽ do Chính phủ quyết định nên Bộ Tài chính sẽ luôn chấp hành và "nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ" kể cả trong trường hợp được giao quản lý mặt hàng xăng dầu.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc Bộ Công Thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính thực chất là "đá bóng", bởi trước đó tại Quốc hội bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị giao toàn diện quản lý hoạt động xăng dầu cho Bộ Công Thương. 

"Thực tế này cho thấy đang có tình trạng ông nọ đá qua ông kia" - ông Long nói.

Ông Long nhắc lại trước đây khi có những bất cập trong điều hành giá xăng dầu, chậm trễ trong việc tính toán các chi phí, Bộ Công Thương đã phải nhiều lần có văn bản đề nghị Bộ Tài chính cập nhật chi phí đầu vào. 

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố nên việc cập nhật không được kịp thời, gây khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh, khiến cho nguồn cung bị ảnh hưởng cục bộ ở một số địa bàn. Do đó, ông Long cho rằng Bộ Công Thương vẫn cần phải chịu trách nhiệm chính trong quản lý điều hành xăng dầu, nhưng bên cạnh đó cần tăng sự phối hợp chủ động giữa các bộ ngành liên quan để phù hợp thực tiễn, sát thị trường hơn.

Trong khi đó, một doanh nghiệp xăng dầu đầu mối phía Nam cho rằng diễn biến tình hình xăng dầu thời gian qua cho thấy việc tính toán, cập nhật các chi phí giá có nhiều bất cập, chậm trễ so với thực tế phát sinh. Điều này tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp xăng dầu trong việc đảm bảo bù đắp các chi phí kinh doanh. 

"Hai bộ cũng không nên đùn đẩy cho nhau, bởi thực tiễn cho thấy cần sự phối hợp chặt chẽ hơn" - vị này bày tỏ.

Quản lý xăng dầu: hai bộ đá bóng cho nhau - Ảnh 2.

Người dân đổ xăng Petrolimex ở quận Bình Thạnh (TP.HCM) vào chiều 9-1 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Đề xuất về quản lý xăng dầu của Bộ Công Thương "chưa thuyết phục"

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho rằng đề xuất giao việc quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính mà Bộ Công Thương đưa ra là chưa thuyết phục và cần phải nghiên cứu kỹ. Bởi hiện nay dự thảo Luật giá đang được sửa đổi theo hướng một cơ quan quản lý chuyên ngành sẽ quản lý giá của mặt hàng đó. Đơn cử như thuốc sẽ giao về cho Bộ Y tế quản lý vì những mặt hàng này có đặc trưng đặc thù, Bộ Tài chính quản lý "chỉ mang tính phối hợp".

"Tôi cho rằng vẫn phải phối hợp, xu hướng là Bộ Tài chính không thể ôm đồm được vì có những lĩnh vực đặc thù. Bộ Tài chính có thể chủ động, nâng cao hiệu quả phối hợp hơn trong việc tính chi phí, hệ thống, phương pháp, cấu thành giá sao cho đầy đủ. Tức là Bộ Tài chính đóng vai trò xác định phương pháp, yếu tố cấu thành giá để tham gia vào điều hành giá hiệu quả nhất" - ông Hùng nói. Theo ông Hùng, nên giao cho một đầu mối là Bộ Công Thương chủ trì, song liên bộ Công Thương - Tài chính cần trao đổi để phân định nhiệm vụ và phối hợp cụ thể.

Quản lý xăng dầu: hai bộ đá bóng cho nhau - Ảnh 3.

Đồ họa: TUẤN ANH

Đồng tình, đại biểu Quốc hội Tạ Đình Thi (Hà Nội) cho rằng việc điều chỉnh chức năng nhiệm vụ giữa các bộ cần tính toán cân nhắc kỹ lưỡng, vừa đảm bảo tính kế thừa vừa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới theo phân công của Chính phủ. 

"Một việc thì chỉ có một cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp thực hiện. Quản lý nhà nước nên chỉ có một cơ quan thống nhất quản lý. Nguyên tắc hành chính này cần được thực hiện, áp dụng xuyên suốt và chặt chẽ trong thực tế. Còn với đề xuất của Bộ Công Thương, tôi cho rằng cần bàn bạc, cân nhắc và báo cáo Chính phủ quyết định" - ông Thi nêu quan điểm.

Theo ông Thi, xăng dầu là mặt hàng nhạy cảm, liên quan an ninh năng lượng nên việc điều hành cần có tính chiến lược lâu dài, đồng thời phải dự báo và linh hoạt để đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là trong bối cảnh thị trường xăng dầu thế giới biến động thường xuyên. 

Từ thực tế biến động, khủng hoảng giá xăng dầu thời gian qua cho thấy việc điều hành xăng dầu trong nước bộc lộ những hạn chế cần khắc phục, cần phải đánh giá và nhìn nhận kỹ lưỡng bởi các bên liên quan.

Quản lý xăng dầu: hai bộ đá bóng cho nhau - Ảnh 4.

Tài xế xe công nghệ thường ngày phải đổ xăng nên rất cần sự ổn định trong quản lý điều hành ngành xăng dầu - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Doanh nghiệp: Ai quản cũng được, quan trọng là tính đúng tính đủ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-1, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho biết việc sửa đổi các nghị định liên quan kinh doanh xăng dầu tác động đến trực tiếp doanh nghiệp, song phía đầu mối này chưa nhận được dự thảo mà phải đi "xin" theo kênh riêng.

Vị này cho hay nếu chỉ giao về một đầu mối quản lý mà không có sự phối hợp giữa Bộ Tài chính - Bộ Công Thương sẽ khó bảo đảm được vẹn toàn. Vấn đề không phải là giao cho ai mà cần làm rõ trách nhiệm của mỗi bên, đặc biệt là quy định rõ, tránh sự đùn đẩy hoặc chậm trễ khi thị trường biến động như kinh nghiệm từ đợt điều hành xăng dầu vừa qua.

Theo vị này, ở góc độ đầu mối, doanh nghiệp không quan tâm đến việc là một, hai hay nhiều đơn vị quản lý về giá mà mấu chốt là tính đúng tính đủ và đặc biệt là phải linh hoạt nên cơ chế cần phải sửa theo hướng đó. N.HIỂN

Bộ Tài chính nói Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu khá tốt

Trao đổi với báo chí tại buổi gặp cuối năm được Bộ Tài chính tổ chức chiều 9-1, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết theo nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì về điều hành giá xăng dầu.

Theo ông Chi, để điều hành hoạt động kinh doanh xăng dầu hiệu quả, một đầu mối quản lý sẽ đạt hiệu quả hơn. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, Chính phủ sẽ cân nhắc xem cơ quan nào điều hành giá xăng dầu là phù hợp và hiệu quả nhất thì giao, quyết định cuối thuộc về Chính phủ.

Quan điểm của Bộ Tài chính là vừa qua Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu khá tốt. Giá xăng dầu năm 2022 trong bối cảnh thị trường thế giới có những biến động nhưng VN vẫn điều hành nhịp nhàng, hỗ trợ cho các cân đối vĩ mô cũng như kiềm chế được lạm phát. Nếu Chính phủ giao cho Bộ Công Thương thì Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp. Còn trường hợp khác thì Bộ Tài chính vẫn sẽ chấp hành sự phân công của cơ quan có thẩm quyền.

L.THANH

Có mạo hiểm nếu cho doanh nghiệp tự định giá?

Sửa đổi nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, còn các chi phí khác do doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm.

Theo quy định hiện hành, Nhà nước công bố mức giá điều hành như giá trần để các doanh nghiệp tự xác định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống, không cao hơn giá bán lẻ Nhà nước công bố. Bộ Công Thương cho rằng việc quy định giá cơ sở theo một công thức cố định không phản ánh đúng mức chi phí của từng doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. 

Các chi phí biến động liên tục theo thị trường, trong khi việc rà soát, tính toán của cơ quan nhà nước thì theo định kỳ nên thường không sát thực tế. Doanh nghiệp sẽ bị thua lỗ khi chi phí tăng cao liên tục.

Do đó Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án mới là Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá (bao gồm giá thế giới, các loại thuế, lợi nhuận định mức, chi phí định mức, mức trích nộp quỹ bình ổn giá...). Doanh nghiệp căn cứ chi phí kinh doanh, vận chuyển, premium... sẽ tự xác định, công bố giá bán lẻ của mình. Khi thay đổi giá bán, doanh nghiệp tự kê khai và báo cáo để liên bộ Công Thương - Tài chính giám sát. 

Phương án này đảm bảo các chi phí trong giá xăng dầu sát với thực tế phát sinh, nhưng nhược điểm là sẽ có nhiều mức giá trên thị trường. Theo Bộ Công Thương, lý do chọn phương án này là cần đưa giá xăng dầu dần về sát giá thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước.

PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả - cho rằng việc để doanh nghiệp tự quyết định giá là không phù hợp với quy định của Luật cạnh tranh. Bởi thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đầy đủ, Nhà nước quyết định giá trần là để doanh nghiệp thống lĩnh không có hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh. 

Theo ông, mức giá cơ sở hiện nay có tính pháp lý cụ thể, làm căn cứ doanh nghiệp điều chỉnh giá. Nếu đưa ra giá định hướng như Bộ Công Thương đề nghị thì cần làm rõ tính pháp lý tới đâu.

Quản lý xăng dầu: hai bộ đá bóng cho nhau - Ảnh 7.

Người dân đổ xăng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (TP.HCM) - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia tài chính - cho rằng để thị trường xăng dầu tự do cạnh tranh là tốt nhất. "Nhưng chuyện đó còn lâu dài. Giờ ta đã có khả năng tự sản xuất trong nước 70-80% rồi, phải đi theo kinh tế thị trường. Vì vậy, có thể nghiên cứu cơ chế làm sao phù hợp, định hướng để giá bán lẻ cạnh tranh nhau" - ông Thịnh đề nghị.

Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam cho rằng phương án Bộ Công Thương đề xuất "rất rủi ro cho doanh nghiệp". Theo vị này, việc doanh nghiệp tự định giá phụ thuộc lớn vào chi phí mua hàng, vận chuyển song chi phí này của mỗi doanh nghiệp khác nhau nên sau này khi kiểm toán rất khó giải trình bởi sẽ dễ bất đồng trong cách nhìn nhận.

Chẳng hạn mua hàng trả ngay hay trả sau sẽ có giá khác nhau, chi phí nhập về bằng tàu lớn hay tàu nhỏ cũng sẽ khác và tùy vào năng lực của mỗi doanh nghiệp cũng sẽ nhập được những mức giá khác nhau. 

"Đơn cử như chúng tôi chỉ nhập trong nước mà nhập từ Nghi Sơn và Bình Sơn thì phụ phí đã chênh 1 USD/thùng rồi, do đó điều này phụ thuộc rất nhiều yếu tố", vị lãnh đạo doanh nghiệp nói và cho rằng nếu quy định như trên thì cần phải có những bộ tiêu chí thật rõ ràng, chi tiết để tránh làm khó cho doanh nghiệp khi giải trình hoặc xử phạt.

Ở góc độ doanh nghiệp bán lẻ, ông Giang Chấn Tây - giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc - cho biết trong dự thảo sửa đổi nghị định, Bộ Công Thương đề xuất không quy định mức chiết khấu tối thiểu sẽ khiến cho việc phân chia chiết khấu xăng dầu không có sự biến chuyển. Dù là đối tác nhưng doanh nghiệp bán lẻ không được thương lượng về chiết khấu mà do đầu mối "phát" bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu.

Theo ông Tây, hiện tại chiết khấu 200 đồng/lít chưa đủ chi phí hoạt động khiến chủ doanh nghiệp lỗ. Nếu không quy định mức chiết khấu thì phải cho doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở ít nhất hai nơi mới cạnh tranh được chiết khấu. Còn nếu buộc chỉ được lấy hàng từ một nơi, doanh nghiệp đầu mối sẽ tính có lợi cho họ trước, doanh nghiệp bán lẻ sẽ hưởng mức chiết khấu thấp, nhiều thời điểm hòa vốn, lỗ.

Quản lý xăng dầu: Bộ Công Thương nêu 3 phương ánQuản lý xăng dầu: Bộ Công Thương nêu 3 phương án

Bộ Tài chính từng có đề nghị giao toàn quyền quản lý xăng dầu về cho Bộ Công Thương. Mới đây Bộ Công Thương lại đưa ra phương án Bộ Tài chính quản lý hoàn toàn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên