Có thời điểm nắm gần 1.000 doanh nghiệp, cũng có những kết quả đáng ghi nhận nhưng công bằng mà nói, SCIC chưa xác lập được vị thế như mong đợi, nhất là trong vai trò thúc đẩy cổ phần hóa.
Trong tầm nhìn chiến lược đối với một thể chế kinh tế quan trọng như vậy, với cách hành động và có yếu tố được nhiều người đánh giá là đang bị hành chính hóa, việc xem lại mô hình của SCIC đã đến lúc cần được bàn tới…
Vấn đề đầu tiên của SCIC là đơn vị này đang “quản” và tham gia “quản” quá nhiều doanh nghiệp. Trước lên đến cả ngàn, năm 2011 còn 426 đơn vị. Quản một doanh nghiệp nhà nước để nó hoạt động hiệu quả đã khó, khả năng can dự để tăng hiệu quả mấy trăm doanh nghiệp là một câu hỏi lớn. Ngay cả khi SCIC có năng lực quản trị cực tốt thì để quản số vốn mấy chục ngàn tỉ đồng, lại bị phân tán ra hàng trăm doanh nghiệp thì năng lực đó quả thật cũng trở nên rất mong manh.
Mục tiêu ban đầu của SCIC là tiếp nhận doanh nghiệp nhà nước về để bán đi, nhưng số doanh nghiệp được bán đi không như mong đợi. SCIC nói rằng do khó khăn thị trường. Nhưng việc bán vốn nhà nước không phải chỉ bán vốn ở các doanh nghiệp khó khăn, còn phần vốn ở những doanh nghiệp được thị trường, xã hội đánh giá cao thì giữ lại bằng được.
Như trường hợp của Vinamilk, SCIC nên bán phần vốn đi cho những đối tác chiến lược có thể hỗ trợ cho Vinamilk phát triển tốt hơn, thay vì cứ giữ lấy để nhận cổ tức. Khi số doanh nghiệp tiếp nhận quá lớn, SCIC cần tập trung sức hỗ trợ những doanh nghiệp nhỏ, gặp khó khăn rồi bán đi. Nếu cứ giữ doanh nghiệp lớn, sẽ khó tránh nguyên lý cán bộ chỉ thích đi làm đại diện vốn ở những doanh nghiệp tốt để giảm rủi ro, tránh trách nhiệm.
Theo báo cáo của SCIC, đến năm 2011 tổng vốn nhà nước tại SCIC là khoảng 24,5 ngàn tỉ đồng. Nhưng năm 2012 SCIC lại đem tới gần 20 ngàn tỉ đi gửi ngân hàng. Vậy việc chính SCIC đang làm là gì? Trong bối cảnh năm 2012 việc gửi tiền ngân hàng là lựa chọn an toàn. Nhưng đó là vì SCIC, còn với xã hội thì sao? Với một doanh nghiệp năng động, năm 2012 không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội.
Nếu mở ra cơ chế “Quỹ đầu tư mạo hiểm”, tổng công ty này đã có thể giúp rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ tiềm năng mà chỉ cần có nguồn vốn mồi hiệu quả, họ có thể tái cơ cấu, hướng được vào những ngành công nghệ cao, góp phần chuyển đổi nền kinh tế. Phải chăng SCIC không đủ năng lực hay không cần làm, vì họ còn phải dành tiền để mua lại vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước?
Hiện có nhiều câu hỏi đặt ra cần SCIC giải đáp rõ ràng như lãi suất gửi tiết kiệm chỉ khoảng 8%, có hay không lợi ích ngầm khiến số tiền đem gửi nhiều như thế? Hiệu quả của SCIC đến đâu, giúp gì cho các doanh nghiệp…?
Dù câu trả lời thế nào, rõ ràng cần đổi mới mô hình hoạt động của SCIC. SCIC cần khuôn khổ hoạt động độc lập, theo cơ chế thị trường, tách bạch đầu tư theo các quyết định hành chính và tiến tới mô hình kinh doanh minh bạch, dễ đánh giá. Cần dứt khoát thay đổi cơ chế để SCIC tăng tự chủ, tăng trách nhiệm, tránh biến một tổng công ty thành mô hình trung gian giữa Nhà nước và thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận