23/10/2024 15:00 GMT+7

Quản lý và điều trị chấn thương do loãng xương: Góc nhìn từ các chuyên gia

Loãng xương đang ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người, đặc biệt là người cao tuổi tại Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ tuổi già, mà còn có thể gây nguy hiểm cho người trẻ do lối sống thiếu vận động và dinh dưỡng không cân đối.

Chương trình tư vấn Quản lý phục hồi và điều trị chấn thương do loãng xương - Ảnh: BV ĐHYD

Loãng xương là tình trạng mật độ và chất lượng xương suy giảm, khiến xương trở nên giòn và dễ gãy. Những người bị loãng xương có nguy cơ cao bị gãy xương chỉ sau một cú ngã nhẹ, đặc biệt là các vị trí như khớp hông, cột sống, và cổ tay.

ThS.BS Nguyễn Phú Chân - Khoa Chấn thương chỉnh hình tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) - chia sẻ: "Loãng xương là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gãy xương ở người cao tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như mất khả năng vận động, suy giảm chất lượng cuộc sống, và thậm chí tử vong".

Phương pháp điều trị và phục hồi chức năng

Theo PGS-TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh - Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình BV ĐHYD, việc điều trị loãng xương tại BV ĐHYD được thực hiện theo các phương pháp hiện đại và toàn diện.

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ đo mật độ xương bằng máy hấp thụ tia X năng lượng kép (DEXA) để tầm soát loãng xương. Đây là phương pháp giúp phát hiện bệnh sớm, từ đó xây dựng phác đồ điều trị cá nhân hóa.

PGS-TS.BS Bùi Hồng Thiên Khanh khám người bệnh sau điều trị do chấn thương - Ảnh: BV ĐHYD

Phác đồ điều trị loãng xương thường bao gồm việc sử dụng thuốc đặc trị giúp ức chế quá trình hủy xương. Ngoài ra, người bệnh cần được bổ sung canxi và vitamin D để hỗ trợ tái tạo xương.

Trong các trường hợp gãy xương do loãng xương, các kỹ thuật phẫu thuật ít xâm lấn như tạo hình thân đốt sống bằng xi măng sinh học hoặc thay khớp được áp dụng. Công nghệ phẫu thuật tiên tiến như robot và C-Arm giúp tăng độ chính xác trong phẫu thuật, giúp người bệnh phục hồi nhanh hơn và giảm nguy cơ tái phát.

Phòng ngừa loãng xương - Hành động ngay từ bây giờ

"Phòng ngừa loãng xương cần bắt đầu ngay từ khi còn trẻ", ThS.BS Nguyễn Phú Chân nhấn mạnh rằng chế độ ăn uống cân đối và lối sống lành mạnh đóng vai trò quan trọng.

Để giảm nguy cơ loãng xương, cần bổ sung đủ canxi và vitamin D hàng ngày. Bên cạnh đó, việc duy trì thói quen tập luyện thể dục thường xuyên cũng rất quan trọng. Các bài tập giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và cải thiện sự linh hoạt của khớp. Yoga, đạp xe, bơi lội… có thể giúp giảm nguy cơ té ngã và gãy xương.

Đặc biệt, việc phòng ngừa té ngã đóng vai trò then chốt. Cải thiện thiện ánh sáng trong nhà, lắp đặt tay vịn tại cầu thang và nhà vệ sinh, loại bỏ các vật cản sẽ giúp giảm nguy cơ té ngã.

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần mang giày dép phù hợp và kiểm tra thị lực thường xuyên để tránh té ngã.

Loãng xương không phải là căn bệnh không thể chữa trị. Với các phương pháp điều trị hiện đại và chế độ phục hồi hợp lý, người bệnh loãng xương có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống.

Nhằm nâng cao kiến thức cộng đồng về bệnh loãng xương, BV ĐHYD phối hợp Công ty TNHH Dược phẩm Gigamed thực hiện chương trình tư vấn "Quản lý phục hồi và điều trị chấn thương do loãng xương".

Theo dõi tại: https://bit.ly/Dieutrichanthuong

Quản lý phục hồi và điều trị chấn thương do loãng xương

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên