Liệu việc tổ chức lại như vậy có tạo ra khoảng trống trong quản lý trật tự đô thị? Tuổi Trẻ trao đổi với PGS.TS Nguyễn Minh Hòa - trưởng khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, và TS Nguyễn Ngọc Hiếu - phó trưởng khoa quản lý nhà nước về đô thị và nông thôn Học viện Hành chính quốc gia.
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa nói:
PGS.TS Nguyễn Minh Hòa |
* Câu chuyện mỗi khu phố có một vài người lo việc dân số, an ninh, trật tự, môi trường hình như không phải là viễn cảnh, mà trước đây đã từng như vậy rồi?
- Có từ xưa ấy chứ. Từ thời Pháp, khi VN mới bắt đầu hình thành đô thị, đã có những thầy cò, thầy đội với chiếc xe đạp và chiếc còi đeo cổ đi rảo khắp các phố, ngõ nhắc nhở người dân giữ vệ sinh, trật tự, ai vi phạm thì phạt, ai có vấn đề gì cũng gọi nhờ thầy đội giải quyết. Thời ấy không có khẩu hiệu “chính quyền nhân dân” nhưng hình ảnh đó vẫn rất gần gũi.
Tôi nghĩ cần xây dựng nên hình ảnh những cán bộ phường mới được trang bị đầy đủ kiến thức, nghiệp vụ về quản lý đô thị, các việc quản lý hành chính được điện tử hóa, và họ chỉ chuyên tâm đi quanh khu vực của họ, giải thích và truyền đạt lại cho người dân cách quản lý đô thị nơi họ sinh sống... Nhẹ nhàng hơn, thân thiện hơn và văn minh hơn.
* Xây dựng hay thay đổi chính sách mà liên quan đến cắt giảm nhân lực khi nào cũng rất nhạy cảm và khó thực hiện, thưa ông. Cố vấn cho TP nhiều năm qua về xây dựng chính quyền địa phương, ông có thấy một bước tiến bộ nữa khi Quốc hội đang bàn để soạn thảo luật đô thị?
"Chúng ta có nhiều cán bộ phường, quận quá nhưng lại ở văn phòng nhiều, ít gần gũi với dân. Nội một việc lập lại trật tự lòng lề đường, thỉnh thoảng lại thấy một xe trật tự, công an, thanh tra gì đó đi tuần, bắt hốt các xe, gánh hàng rong lên, rồi một buổi sau đâu lại vào đó, rất phản cảm mà lại chẳng có hiệu quả gì" PGS.TS Nguyễn Minh Hòa |
- Theo tôi, việc quản lý đô thị chỉ cần các tiêu chuẩn chuyên môn là đã đủ, không cần có luật đô thị. Cái chúng ta cần xây dựng là luật địa phương. Ở đó cần phải xác định rõ chính quyền địa phương có hai hay ba cấp? Hai thì sao, bỏ phường hay quận? Giữ cả ba thì sao, xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ thế nào cho khỏi chồng chéo, giẫm chân nhau?
Ở các nước quanh ta như Thái Lan, Singapore, Philippines... luật địa phương đã có từ cách nay hơn 20 năm. Chính quyền được xây dựng theo hai cấp: thành phố và phường. Thành phố chỉ đưa ra các chính sách và các biện pháp hỗ trợ thực hiện chính sách. Phường có chức năng như nhà nước con trực tiếp thực hiện các chính sách đó, như vậy mỗi cán bộ đều chuyên nghiệp hóa hơn, được trao nhiều công cụ, nhiều quyền hơn và trách nhiệm cũng nhiều hơn... Chính quyền chịu trách nhiệm với nhân dân chứ không phải nhà nước, làm sao để đảm bảo cho dân được an ninh, môi trường trong lành, các dịch vụ y tế, giáo dục, an sinh tốt là đủ. Các lĩnh vực chuyên môn khác đều được tư nhân hóa. Bộ máy như vậy là gọn gàng và hiệu quả.
* Ông đã góp những ý kiến đó trên góc độ chuyên môn cho TP.HCM chưa và hiệu quả đến đâu?
- Chúng tôi không mong gì hơn là chuyên môn của mình được sử dụng. Tiện đây cũng nhờ báo Tuổi Trẻ “đề xuất xin việc” luôn với TP.HCM là nếu TP cần, tôi và các đồng nghiệp ở khoa đô thị học Trường ĐH KHXH&NV sẽ tình nguyện đảm nhiệm việc đào tạo cán bộ phường làm quản lý đô thị. Chúng tôi đã tiến hành ba khóa với các cán bộ TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Trong ba tháng, họ được trang bị các kiến thức cơ bản kèm theo đặc trưng vùng về quy hoạch, phát triển đô thị, quản lý dân số đô thị, kiến trúc, cảnh quan, không gian công cộng và cộng đồng đô thị, quản lý môi trường, đất và nhà ở, các vấn đề về bất động sản, kinh tế, dịch vụ công, phát triển bền vững... Kết quả sau khóa học được đánh giá rất tốt và Bến Tre tiếp tục mở các khóa học dành cho cán bộ xã, thị trấn.
TS Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết:
Ảnh: Nguyễn Khánh |
* Theo ông, có mô hình tổ chức quản lý trật tự đô thị nào của thế giới mà chúng ta có thể tham khảo và áp dụng?
- Có nhiều mô hình tổ chức quản lý trật tự đô thị khác nhau. Qua nghiên cứu, chúng tôi thấy mô hình “thành quản” theo cách gọi của Trung Quốc có nhiều điểm mà chúng ta có thể nghiên cứu áp dụng. Đây là lực lượng dân sự, không nằm trong công an, có nhiệm vụ giải quyết tất cả những vấn đề về trật tự công cộng, nghĩa là các vi phạm hành chính trong lĩnh vực đảm bảo văn minh đô thị, ngoại trừ tội phạm hình sự. Ở nước ta, với thực tế đang có lực lượng tự quản trật tự đô thị, rồi lực lượng thanh tra xây dựng mà sau khi tổ chức lại sẽ có hàng nghìn người không đủ tiêu chuẩn thanh tra viên, thì việc áp dụng mô hình tương tự như “thành quản” sẽ là bước tổ chức lại, không cần tăng về số lượng, chỉ cần tổ chức lại đầu mối và nhất là đào tạo về nhận thức pháp luật, về nghiệp vụ xử lý theo đúng quy định. Khi quy về một đầu mối như vậy thì thuận lợi cho việc đồng bộ về chức năng, nhiệm vụ và kể cả giám sát từ nhân dân.
* Trước đây đã có ý kiến đề nghị thành lập cảnh sát đô thị để làm nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị, ông nghĩ sao?
"Một đô thị không chỉ cần có trật tự gọn gàng, mà còn phải là nơi tạo cơ hội mưu sinh hài hòa cho tất cả các nhóm trong xã hội, trong đó có nhóm yếu thế. Tất nhiên ai cũng muốn sạch đẹp như Singapore, nhưng chúng ta khó có thể ngay một lúc đạt được mức độ này bởi còn cần phát triển một tầng lớp trung lưu trước" TS Nguyễn Ngọc Hiếu |
- Cảnh sát cũng cần tham gia giữ gìn trật tự đô thị nhưng ở mức độ nào, lĩnh vực nào? Theo quan điểm kinh tế thì để cảnh sát với tính chuyên môn và nghiệp vụ cao sẽ tập trung cho phòng chống tội phạm. Quản lý trật tự đô thị thông thường giao cho một lực lượng dân sự mà chi phí trả lương và đào tạo ít hơn sẽ tốt hơn.
Có một vấn đề cần tính đến khi thành lập lực lượng tương tự như “thành quản”, đó là khu vực kinh tế phi chính thức ở các đô thị của VN rất lớn. Tính chung trên toàn quốc phải có đến hàng triệu người mưu sinh trên vỉa hè, thành ra câu chuyện không đơn giản là tổ chức lực lượng mà cần các giải pháp đồng bộ hơn, ví dụ như sắp xếp lại các loại hình dịch vụ vốn lâu nay tồn tại trên vỉa hè ra sao, bố trí các điểm dừng, đỗ xe một cách khoa học...
* Theo quy định hiện hành, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay về cơ bản giống nhau và vẫn dựa trên cách quản lý của chính quyền nông thôn, trong khi quản lý đô thị đòi hỏi cách tiếp cận khác?
- Đúng vậy. Chúng ta đang có vấn đề là cấp thành phố giao nhiệm vụ cho cấp dưới rồi quản chiều dọc, cấp dưới quản chiều ngang thì yếu vì thẩm quyền không đủ. Trong mô hình chính quyền đô thị của các nước thường xác định rõ công việc của từng cấp, nếu cấp dưới làm tốt hơn thì cấp trên làm việc khác, trật tự đô thị thường do cấp cơ sở đảm nhiệm và đi kèm với đó là phải bố trí đủ nguồn lực. Cấp cơ sở ở hầu hết các nước khác được tổ chức với quy mô dân số gần tương đương quy mô dân số một quận ở nước ta, ví dụ từ 150.000-250.000 dân. Cấp cơ sở này giải quyết toàn bộ các việc hành chính thông thường và không cần cấp trung gian. Ở đô thị loại rất lớn mới tổ chức thành hai cấp, cơ sở và thành phố. Hầu hết nội dung quản lý được giao cho cấp chính quyền cơ sở. Cấp trên giám sát và điều phối các việc có tính liên thông. Chúng ta vẫn đang đề xuất về đổi mới các mô hình quản lý, nhưng có lẽ đã đến lúc phải có sự chuyển đổi mô hình có tính hệ thống chứ không nên chỉ đi vào “vá víu” tạm thời.
Trình Bộ Chính trị đề án chính quyền đô thị Ngày 14-4, ông Nguyễn Hữu Đức - vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ - cho biết trong tuần này Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ sẽ trình Bộ Chính trị dự thảo đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Theo dự thảo, việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm xác định rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở nông thôn. Ban soạn thảo vẫn giữ đề xuất về ba phương án tổ chức chính quyền đô thị để trình Bộ Chính trị. Phương án 1 là không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trong cả nước. Phương án 2 là thực hiện không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, xã, thị trấn trong cả nước (mở rộng phạm vi so với phương án nêu trên là xã, thị trấn cũng không tổ chức HĐND). Phương án 3 là tổ chức chính quyền đô thị áp dụng thiết chế tòa thị chính và thị trưởng, thị trưởng do cử tri của địa bàn bầu trực tiếp. Ban cán sự Đảng Bộ Nội vụ đề nghị thực hiện phương án 1. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận