01/09/2020 09:45 GMT+7

Quản lý thực phẩm: 3 bộ cùng quản, xử lý thêm rối

LAN ANH - NGỌC AN
LAN ANH - NGỌC AN

TTO - Sản phẩm của nhà sản xuất patê Minh Chay được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tức là sản phẩm lưu hành hợp pháp.

Quản lý thực phẩm: 3 bộ cùng quản, xử lý thêm rối - Ảnh 1.

Chị L. ở Thái Nguyên gửi mẫu hộp patê Minh Chay cho Trung tâm chống độc. Chị cũng đang bị khó thở, nói khó, yếu cơ... sau khi ăn 2 bữa với patê Minh Chay hôm 12-8 - Ảnh: L.ANH

Tuy nhiên điều đáng quan ngại, đây là thực phẩm ăn liền, nhưng lại công bố bởi Sở NN&PTNT, và khi phát hiện ngộ độc, Bộ Y tế lại đang xử lý.

3 ngành, mỗi ngành một cách

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương, ngày 15-7-2020 Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới đã ký cam kết chấp hành quy định của pháp luật trong sản xuất kinh doanh với Đội quản lý thị trường số 9 TP Hà Nội, nhưng thực tế công ty đã được Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản Hà Nội cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, ngày 27-8 cán bộ quản lý thị trường TP Hà Nội tham gia đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất của công ty này. Đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ và đề nghị chủ tịch UBND huyện Đông Anh xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến nhãn hàng hóa và điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đến 28-8, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội lại có văn bản yêu cầu các đội quản lý thị trường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý và thu hồi patê Minh Chay. Cùng lúc, TP Hà Nội cũng có văn bản tương tự.

Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế ngoài cảnh báo ngày 29-8 còn có văn bản gửi các chi cục, ban an toàn thực phẩm địa phương đề nghị thông tin cảnh báo khẩn cấp cho người tiêu dùng tạm thời không mua, dùng sản phẩm của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới, thông báo cho cơ quan chức năng y tế địa phương nếu còn sản phẩm.

Quản lý thực phẩm: 3 bộ cùng quản, xử lý thêm rối - Ảnh 2.

Đình chỉ sản xuất 9 ngày mới cảnh báo

Với một sản phẩm patê Minh Chay kể trên cho thấy đang có nhiều cơ quan tham gia quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, bao gồm Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Y tế. Và khi sản phẩm "có vấn đề", cũng bằng ấy bộ tham gia xử lý theo cách rất mất thời gian. 

Trong vụ patê Minh Chay, phải 9 ngày sau khi Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới bị tạm đình chỉ sản xuất kinh doanh, niêm phong sản phẩm, cơ quan chức năng mới thông báo cho người tiêu dùng. Và trong quá trình đó, tiếp tục có 2 cuộc lấy mẫu, 2 cuộc làm việc với doanh nghiệp.

Một thành viên tham gia xử lý vụ patê Minh Chay giải thích thời gian để xử lý vụ việc kéo dài nhằm cân bằng lợi ích người tiêu dùng và doanh nghiệp (!?). Tuy nhiên, với ngộ độc patê chay là nghiêm trọng, rất hiếm gặp (lần đầu tiên Bệnh viện Bạch Mai, cơ sở y tế lớn nhất cả nước, tiếp nhận điều trị bệnh nhân ngộ độc độc tố này) lẽ ra cần phải được xử lý ngay, khẩn cấp. 

Liệu có phải do có nhiều cơ quan cùng xử lý vụ việc dẫn đến khó khăn trong ra quyết định, xử lý? Bởi một nơi cấp phép (ngành nông nghiệp), một nơi thanh tra, ký cam kết (ngành công thương), một nơi xử lý hậu quả (ngành y tế).

Theo quy định hiện hành, phần lớn thực phẩm lưu hành đang được nhà sản xuất tự công bố tiêu chuẩn chất lượng. Nếu có sai phạm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra và xử lý khi hậu kiểm. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh rất lớn, tỉ lệ được hậu kiểm không đáng là bao so với tổng số cơ sở. 

Đặc biệt càng khó quản lý với các cơ sở chế biến bằng phương pháp truyền thống, quy mô hộ gia đình hoặc các công ty nhỏ lẻ không có công nghệ để kiểm nghiệm từng lô, loạt sản phẩm, không đảm bảo độ đồng đều về chất lượng. 

Ví dụ như sản phẩm patê Minh Chay, theo Cục An toàn thực phẩm, công ty sản xuất theo đơn đặt hàng (chủ yếu trên mạng) và khi nào đủ đơn sẽ sản xuất.

Quản lý thực phẩm: 3 bộ cùng quản, xử lý thêm rối - Ảnh 3.

Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đồng Nai kiểm tra thực phẩm chay trên địa bàn - Ảnh: B.A.

Cần thêm website cảnh báo sản phẩm có vấn đề

Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết đang chú trọng việc nắm tình hình, kiểm tra các tổ chức, cá nhân vận chuyển, kinh doanh thực phẩm sử dụng nền tảng thương mại điện tử, là các website thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử trên nền tảng di động, sàn thương mại điện tử hoặc mua bán trên mạng xã hội. 

Trên các nền tảng này, nội dung quảng cáo không ai kiểm tra, kiểm soát, và chất lượng sản phẩm cũng là "mua bằng niềm tin".

Trong khi đó, thông tin công khai về thực phẩm vi phạm chất lượng, cụ thể sản phẩm nào, lô nào, nhà sản xuất nào, vi phạm gì..., ngoại trừ website của Cục An toàn thực phẩm thì rất ít cơ quan khác có thông tin, dù có thêm 2 bộ tham gia quản lý thực phẩm là Bộ Công thương và Bộ NN&PTNT.

Trong khi đó, Cục An toàn thực phẩm hiện khá mạnh tay phát hiện sai phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, nhưng sai phạm về chất lượng, như vụ patê Minh Chay này, cũng rất hãn hữu. Người dân muốn tìm cũng không biết tìm đọc ở đâu và thường chỉ phát hiện được khi người sử dụng thực phẩm đã ngộ độc và phải nhập viện.

Mới đây, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết rất cần có phương tiện nhiều người xem/đọc, để cơ quan này công bố các vi phạm về thực phẩm, vì thực tế đang có những "công nghệ xào nấu quảng cáo", điển hình là hô biến thực phẩm chức năng thành thần dược, lừa dối người tiêu dùng ngày càng phổ biến. 

Hiện website của cục đang đảm nhiệm công việc này nhưng các cơ quan khác cũng rất cần các website như của Cục An toàn thực phẩm, và cần thêm những đợt hậu kiểm về chất lượng thực phẩm, sau một thời gian "tháo rào" tiền kiểm.

Sau 41 ngày người tiêu dùng mới biết là độc

Người ngộ độc patê Minh Chay đầu tiên đã vào viện từ 17-7, nhưng đến 29-8 thông tin có độc tố cực mạnh trong patê Minh Chay mới đến người tiêu dùng. Trong khoảng thời gian đó, vẫn có thêm người mua, ăn và bị ngộ độc, bởi người ngộ độc gần nhất mới ăn patê cách đây 1 tuần, sau khi đã có rất nhiều đoàn kiểm tra và đình chỉ hoạt động sản xuất của công ty.

Một lãnh đạo Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng hiện nay hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia hoặc các quy định về an toàn đối với các sản phẩm thực phẩm còn thiếu và chưa rõ ràng.

Thực tế này gây nhiều khó khăn cho các cơ quan quản lý chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường. Đặc biệt khi cơ chế quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thay đổi từ tiền kiểm (thắt chặt khâu cấp phép) sang cấp phép thông thoáng nhưng thắt chặt khâu lưu thông (hậu kiểm) như hiện nay.

Vụ độc tố trong Pate Minh Chay: gần 1.300 người ở TP.HCM đã mua hàng Vụ độc tố trong Pate Minh Chay: gần 1.300 người ở TP.HCM đã mua hàng

TTO - Đó là thông tin bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - đưa ra tại cuộc họp giao ban trực tuyến về công tác phòng chống dịch COVID-19 của UBND TP chiều 31-8.

LAN ANH - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên