Quản lý thời gian là việc rất cần nhưng không phải ai cũng biết - Ảnh: 5 Star Consortium Colleges |
Khi học phổ thông, các bạn lúc cũng có giáo viên kèm cặp, luôn có gia đình kế bên. Thêm nữa, các bạn có mục tiêu rõ ràng như tốt nghiệp và đậu đại học nên các bạn luôn cố gắng, “cày ngày cày đêm”, thời gian biểu chật kín.
Nhưng khi lên đại học, vào một môi trường mới không ai kèm cặp, thời gian và tiền bạc sẽ do các bạn tự quản lý, nhiều bạn sẽ cảm thấy vô cùng tự do thoải mái thành ra các bạn thường có xu hướng “buông thả”.
“Xài” lãng phí
12h trưa ngủ dậy, ăn hai gói mì nấu với trứng rồi cắm mặt vào máy tính chơi game hoặc coi phim và nếu có bạn trong phòng thì sẽ nói chuyện với bạn một chút, khoảng 19h xuống căn tin ăn cơm, 20h hoặc 20h30 lại lên ngồi chơi máy tính đến khoảng 2h sáng.
Đây là cách sinh hoạt của gần hết những ngày nghỉ của Đ.N.Th. (sinh viên khoa cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) khi Th. là sinh năm nhất. “Hoạt động mắt, não liên tục và thiếu ngủ nên mình không tài nào tập trung nổi nên không thể hiểu thầy đang nói gì. Vì thế, nếu lười thì mình về ngủ”, Th. tâm sự.
Đ.N.T (khoa kinh tế đối ngoại, Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP.HCM) còn đó cách sinh hoạt “đáng sợ” hơn khi thường chơi từ 7h sáng hôm nay đến 5h sáng hôm sau. Đ.N.T đặt máy tính trên một chiếc bàn xếp nhỏ, “chơi game xong sẽ nằm ra ngủ luôn, lát dậy chơi tiếp”.'
“Chỗ trọ ngay gần trường, mình nghĩ là trường gần đi chưa tới 5 phút là tới nên chơi game một chút, chơi tý nhìn lên đồng hồ thấy muộn giờ học nên cúp luôn ở nhà chơi game”, Đ.N.T nói.
Với cách “xài” thời gian lãng phí như vậy, sau một năm học, cả hai bạn trên đều từ những sinh viên có điểm đầu vào thuộc top trên của khoa trở thành những sinh viên rớt môn nhiều nhất nhì khoa.
Tiết kiệm đến từng phút giây
Ngược lại với hai bạn trên, Phan Bá Lành (sinh viên Trường ĐH Ngoại thương cơ sở 2 TP.HCM) quản lý thời gian vô cùng chặt chẽ. Ngay trước khi bước chân vào giảng đường đại học, Lành đã đặt ra mục tiêu mà mình cần đặt được cho từng tháng, từng học kỳ, từng năm.
Lành ghi chú lại những kiến thức, kỹ năng mà mình cần trau dồi bên cạnh những hoạt động mình sẽ làm cho từng tháng và thực hiện chúng từng bước một.
Năm nhất, ngoài thời gian học trên trường, Lành tham gia các hội thảo, thành lập một câu lạc bộ, học thêm tiếng Nhật song song với trau dồi tiếng Anh và ngày nào cũng dành ra một khoảng thời gian nhất định để đọc sách.
Bên cạnh việc trang bị kiến thức, Lành còn thử thách bản thân với những dự án như chạy bộ 150 km từ TP.HCM đến rừng quốc gia Nam Cát Tiên; tham gia vận hành các chương trình chạy bộ quanh Phú Mỹ Hưng để kêu gọi thói quen đọc sách; hoặc khởi nghiệp kinh doanh.
“Sử dụng thời gian hiệu quả ở bậc đại học không phải mình là mình lấp kín thời gian biểu của mình kiểu tham gia nhiều lớp học, nhiều câu lạc bộ, nhiều hoạt động hay đọc nhiều sách mà là tâm huyết của mình dành ra để thực hiện một điều gì đó và kết quả mà mình nhận được từ việc đó”, Lành nhận định.
Cần có mục tiêu cho bản thân
“Ở góc độ một người làm giáo dục, quan sát nhiều năm tôi thấy cách sử dụng thời gian của nhiều bạn sinh viên năm nhất rất bất hợp lý nên các bạn rớt môn rất nhiều và rớt rất nhiều môn, thậm chí cả những môn cơ sở cảm thấy không thể nào rớt các bạn vẫn rớt.
Ngoài yếu tố thời gian thoải mái, các bạn còn cho rằng môn này không liên quan đến ngành học của mình nên các bạn thường lơ là hoặc có quá nhiều yếu tố mới mẻ làm xao lãng việc học. Quan trọng nhất là các bạn không có mục tiêu", ThS Văn Chí Nam, trưởng phòng công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM) chia sẻ.
Theo Ths Nam, đây là thời điểm hội nhập, có rất nhiều điều sinh viên phải học. Đầu tiên là các kỹ năng. Sinh viên có thể tham gia nhiều lớp kỹ năng khác nhau từ phía nhà trường, các khoa, nhà văn hóa thanh niên...
Thứ hai là ngoại ngữ. Ngày xưa, biết tiếng Anh là một lợi thế. Còn bây giờ, biết tiếng Anh là bắt buộc, nếu bạn không biết tiếng Anh thì ngay lập tức bạn sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi.
"Quan trọng nhất là các bạn phải học thường xuyên, ngày nào cũng phải học và mỗi ngày phải học ít nhất một giờ đồng hồ. Có rất nhiều cách học, từ việc bạn đọc sách báo, tài liệu ngoại ngữ đến việc bạn xem video, clip, nghe nhạc đến viết luận, nhật ký, truyện", Ths Nam nói.
Thứ ba là các kỹ năng liên quan đến sử dụng máy tính, nếu không trang bị những kỹ năng sử dụng máy tính hiệu quả thì bạn sẽ bị “đứng ngoài cuộc chơi”. “Trong năm nhất, nếu bạn thấy và giải quyết được các vấn đề trên thì năm nhất của bạn sẽ không bị trôi qua một cách lãng phí”, Ths Nam khuyên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận