Phóng to |
PGS.TS Đoàn Thế Lợi - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS ĐOÀN THẾ LỢI, viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý thủy lợi (Viện Khoa học thủy lợi VN, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết:
- Nước là loại tài nguyên thiết yếu nhất cho mọi sự sống và sản xuất. Tài nguyên nước rất dễ bị tổn thương do tác động của con người và rất khó kiểm soát. Về phương diện kinh tế, nước được ví như “vàng xanh” của thế kỷ 21 vì sẽ có giá trị nhất hành tinh, là đối tượng tranh giành của nhiều nước, nhiều nhóm lợi ích và cá nhân, tạo ra những xung đột cả ở cấp vùng, khu vực, quốc gia và quốc tế. Nhận thức đúng đắn các mối quan hệ trên giúp chúng ta định hướng và cải tổ cơ chế quản lý tài nguyên nước phù hợp.
Phải có thể chế, chính sách hợp lý
* Thưa ông, sự tranh chấp về nguồn nước tại một số địa phương hiện nay là do điều phối việc khai thác, sử dụng nước chưa hợp lý?
- Khi nhiều người dùng đến nước mà nguồn nước không tăng thêm, ngược lại có xu hướng suy thoái và cạn kiệt thì chắc chắn có tranh chấp, đặc biệt trong những năm tới nếu chúng ta không có giải pháp tổng thể để xem xét một cách rất nghiêm túc. Vấn đề này không phải riêng VN mà các nước cũng thế, chỉ khác là người ta có kịch bản giải quyết, còn mình chưa làm được như vậy.
Xây một nhà máy thủy điện thì việc sản xuất điện là quan trọng, nhưng không thể lấy mục tiêu đó để làm ảnh hưởng tới mục tiêu khác như nông nghiệp, sinh hoạt. Phải tính đến bài toán khai thác đa mục tiêu tham gia cắt lũ, phục vụ sản xuất nông nghiệp, cấp nước công nghiệp và sinh hoạt, cảnh quan môi trường. Phải tối đa hóa được lợi ích của cả xã hội, cả đất nước, không chỉ riêng cho nhà đầu tư xây dựng thủy điện. Để làm được như vậy, Chính phủ phải có thể chế, chính sách hợp lý và phải có sự phối hợp đa ngành để đảm bảo hài hòa lợi ích của toàn vùng.
Do đó cơ chế quản lý rất quan trọng. Nhưng hiện nay liên quan tới quản lý, khai thác, sử dụng nước có phân giao nhiều cơ quan. Tài nguyên nước thì Bộ Tài nguyên - môi trường quản lý; xây dựng thủy điện có Bộ Công thương; xây dựng công trình thủy lợi, đê điều phục vụ tưới tiêu, phòng chống lụt bão giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tương tự cấp tỉnh cũng vậy. Nếu chúng ta có cơ chế khoa học hơn, quản lý tốt hơn thì chắc chắn không có những mâu thuẫn ngày càng nghiêm trọng như ở miền Trung hiện nay.
* Nghĩa là việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước đang phân tán?
- Đúng vậy. Phân tán và không có sự kết nối. Nếu có kết nối thì trước khi xây dựng một thủy điện người ta sẽ phải ngồi lại với nhau bàn xem xây thế nào, điều hành ra sao để vừa phát điện vừa tham gia cắt lũ, vừa bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt... Khi đã lựa chọn được phương án tối ưu thì các ngành phải tìm giải pháp để tương thích. Nhưng bây giờ việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước phân tán và không kết nối được với nhau nên một số nhà khoa học đã đề nghị phải quy về một đầu mối. Từ khi tách phần quản lý tài nguyên nước sang Bộ Tài nguyên - môi trường, thủy điện về Bộ Công thương thì vấn đề tranh chấp nước có xu hướng ngày càng gia tăng.
Xu hướng là cải cách bộ máy nhà nước, giảm đầu mối nhưng quan trọng là phải đạt được hiệu quả quản lý nhà nước, chứ giảm mà không đạt được mục tiêu quản lý thì cũng không đạt được mong muốn. Do đó, tách riêng việc quản lý tài nguyên nước thành một đơn vị hay đưa về một bộ nào đó là câu chuyện của các nhà tổ chức, nhưng quản lý nhà nước là phải thống nhất và đồng bộ, phải một đầu mối chứ không thể để phân tán như hiện nay.
Làm “luật chơi” rồi mới “chơi”
* Việc lãnh đạo Đà Nẵng không biết chuyện xây dựng thủy điện có sự chuyển nước từ sông này sang sông khác chứng tỏ các dự án có khai thác tài nguyên nước đã không tính tới sự tác động cũng như quyền lợi của người dân trong vùng?
- Đó là do mình có luật nhưng không rõ ràng, trong khi các nước làm “luật chơi” trước rồi mới “chơi” nên sự tranh chấp nếu có sẽ rất dễ giải quyết. Anh muốn xây dựng thủy điện thì tất cả những ai có liên quan sẽ phải được tham vấn trước lúc làm. Người dân cũng phải được quyền chất vấn là khi có lũ thì anh xử lý thế nào, quy trình vận hành thủy điện ra sao, có đảm bảo được nước phục vụ sản xuất sinh hoạt không, đảm bảo mục tiêu đưa ra không... Trong trường hợp có lũ lớn, hạn nặng thì ưu tiên nào là hàng đầu, chia sẻ rủi ro như thế nào? Ngoài ra, phía cộng đồng sẽ có tổ chức giám sát. Nếu được như thế thì không có chuyện lũ về mà anh lại cứ tích nước, đến khi có nguy cơ vỡ đập mới xả xuống làm trôi hết nhà cửa của bà con.
* Liên tiếp những tranh chấp tài nguyên nước thời gian qua cho thấy đã đến lúc cần xem lại việc khai thác tài nguyên nước của các nhà máy thủy điện?
- Đây là vấn đề khiếm khuyết về quy hoạch. Nếu có một cơ quan nhà nước đủ mạnh thì sẽ biết được những điều đó để có chiến lược hài hòa. Trước đây chục năm thì nhà nhà làm thủy điện, ai cũng bảo ông có mua cổ phiếu thủy điện không, mua cái là có lãi ngay. Công bằng mà nói cũng nhờ thủy điện mà có điện ổn định. Nhưng nếu làm thủy điện với sự quy hoạch hợp lý thì sẽ khác. Cho nên bài toán khai thác sử dụng tài nguyên nước là vấn đề chúng tôi cực kỳ lo ngại.
* Lo ngại thế nào, thưa ông?
- Khai thác tài nguyên nước là tổng hợp rất nhiều vấn đề. Cái chúng ta vừa nói là nước mặt. Còn vấn đề cực kỳ nguy hiểm nữa là khai thác nước ngầm hiện rất lộn xộn. Tây nguyên khai thác nước ngầm để tưới cà phê. Nhiều vùng ở đồng bằng sông Cửu Long khai thác nước ngầm để nuôi thủy sản. Bây giờ chúng ta nói nhiều tới nước biển dâng nhưng sụt đất do khai thác nước ngầm còn nguy hiểm hơn nhiều lần nước biển dâng. Tại sao vừa rồi ngập nhiều nơi? Ngoài các yếu tố báo chí đã nói thì còn yếu tố do khai thác nước ngầm làm sụt đất. Hiện nay những công trình lớn có khai thác tài nguyên nước thì chúng ta làm tương đối bài bản. Cái lộn xộn nhất hiện nay là những cái ở tầm vừa vừa giao cho các địa phương.
Đổi mới thể chế quản lý tài nguyên nước là mấu chốt để giải quyết mọi vấn đề về nước và liên quan đến nước theo cách tiếp cận “nước là hàng hóa kinh tế”. Nguyên tắc chung để quản lý tài nguyên nước là “quản lý tổng hợp”. Do đó, việc đưa quản lý tài nguyên nước về một đầu mối là hết sức quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về tài nguyên nước nhằm quản lý, khai thác sử dụng và phát triển nguồn nước hài hòa, bền vững, hạn chế tối đa các tác hại do nước gây ra đối với con người và môi trường sinh thái.
* Đã có quy định xây dựng thủy điện phải lấy ý kiến của người dân trong khu vực đó, tức là nếu làm đúng theo quy định sẽ không xảy ra các tranh chấp về nước? - Làm thì có nhưng quan trọng là ai làm, ai thẩm tra, ai góp ý? Khi lập dự án thủy điện thì rất hay nhưng khi thiết kế thi công có làm đúng thế không thì không ai kiểm tra. Vừa rồi có báo cáo đánh giá tác động của thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, nhưng làm thế chứ làm mãi cũng chẳng giải quyết được gì. Nhà đầu tư thuê tư vấn đánh giá liệu có khách quan không? Hay như ở Đà Nẵng xây cái thủy điện to đùng thế mà mãi sau này lãnh đạo tỉnh mới biết có chuyện chuyển nước từ sông Vu Gia về sông Thu Bồn. Chúng ta có Luật tài nguyên nước nhưng tôi thấy việc quản lý chưa ổn. Nếu tôi là nhà đầu tư thủy điện thì tôi phải tính tối đa hóa lợi nhuận nên không tính tới việc thủy điện đó phải tham gia chống lũ thế nào, phục vụ tưới tiêu và dân sinh ra sao, môi trường sinh thái thế nào. Do đó Chính phủ phải can thiệp, phải theo kịch bản khai thác tổng hợp và bền vững. Cho nên phải thu về một đầu mối mới kiểm soát được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận