03/11/2017 21:46 GMT+7

Quản lý nợ công đang bị phân tán

L.THANH
L.THANH

TTO - Dẫn báo cáo của Chính phủ trình lên Quốc hội, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết: cơ chế quản lý nợ công còn phân tán, hiệu lực chưa cao khi giao cho 3 cơ quan cũng đàm phán, ký kết vay nợ.

Quản lý nợ công đang bị phân tán - Ảnh 1.

Chiều 3-11, Quốc hội đã nghe báo cáo tiếp thu, giải trình và thảo luận hội trường về dự thảo Luật quản lý nợ công (sửa đổi).

Dành toàn bộ thời gian phát biểu của mình để góp ý về việc quy định đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết đang có sự khác nhau rất lớn giữa hai cơ quan về nội dung này. 

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phải thống nhất một đầu mối đàm phán ký kết các hiệp định vay nợ. Trong khi đó, Chính phủ thì đề nghị giữ nguyên như hiện nay, tức là 3 cơ quan gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng đàm phán ký kết vay nợ.

Tán thành đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Mai phân tích việc thống nhất một đầu mối đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ là đảm bảo tính thống nhất một đầu mối quản lý nợ công. 

Nhất là đối với Luật quản lý nợ công, nghị quyết 7 của Bộ Chính trị cũng yêu cầu rất rõ là phải tinh gọn bộ máy, gắn trách nhiệm chi ngân sách, vay nợ công với trách nhiệm quản lý ngân sách. Và Nghị quyết Trung ương 6 cũng quán triệt quan điểm theo hướng một việc chỉ giao 1 cơ quan quản lý.

Ngoài ra, xét về góc độ thực tiễn, vị đại biểu này cho biết một trong những mục tiêu cơ bản khi sửa đổi Luật quản lý nợ công là phải khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý hiện nay. Vậy câu hỏi đặt ra là hiện nay có bất cập không? 

"Theo tôi, cơ chế quản lý nợ công hiện nay là phân tán, thiếu tập trung. Ngay trong báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cách đây 10 ngày cũng chỉ ra hạn chế này. 

Cụ thể là: "Cơ chế quản lý nợ công còn phân tán, hiệu lực chưa cao, chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tế cũng như thông lệ quốc tế. Và tôi ngạc nhiên và tự hỏi là với đánh giá như vậy tại sao trong lần sửa đổi này Chính phủ lại đề nghị giữ nguyên cơ chế hiện hành?" - đại biểu Mai thẳng thắn.

Bà Mai cũng nói thêm cơ chế hiện nay giao cho ba cơ quan cùng đàm phán, ký kết vay nợ sẽ phát sinh bất cập trong trường hợp cần xác định trách nhiệm chính quản lý ODA. Mặt khác, rất khó kiểm soát chỉ số an toàn nợ công cũng như hạn mức vay. 

Thực tế, suốt thời gian 5 năm qua (2011-2015), mức vay nợ của Chính phủ với số khoản nợ tăng lên rất cao. Đơn cử, số giải ngân ODA vay năm 2011 tăng 1,5 lần so kế hoạch và các năm như 2012 tăng 2,3 lần, 2013 tăng 2,8 lần, năm 2014 tăng 3,3 lần, 2015 tăng 1,6 lần. Nghĩa là, nhiều năm nay chúng ta liên tiếp vỡ kế hoạch vay nợ.  

"Điều đó dẫn đến nợ công tăng nhanh và ở mức cao, tính riêng dư nợ của Chính phủ đến cuối năm 2015 đã tăng 6,5 lần so với năm 2011. Và trong thời gian qua, Chính phủ đã phải trình Quốc hội phê chuẩn bội chi hàng năm cao hơn dự toán đã được phê duyệt" - bà Mai nhấn mạnh

Theo vị đại biểu Hà Nội, rõ ràng thực tế đặt ra yêu cầu cấp bách là phải quy định thống nhất một cơ quan, đầu mối thực hiện đàm phán, ký kết vay nợ. Và kinh nghiệm cho thấy hầu hết các quốc gia chỉ 1 cơ quan duy nhất đàm phán các hiệp định vay nợ. Nếu chúng ta không sửa nội dung này thì pháp luật Việt Nam chưa phù hợp thông lệ quốc tế.

L.THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên