26/01/2013 01:00 GMT+7

Quản lý, nhưng phải nhân văn

DIỆP VĂN SƠN
DIỆP VĂN SƠN

TT - Tính khả thi ở một số quy định trong thông tư 30 của Bộ Y tế (quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố) tiếp tục là vấn đề được bàn cãi.

3BBaP3sT.jpgPhóng to
Một gánh hàng bán thức ăn tại vỉa hè phố Lý Thái Tổ (Hà Nội) - đối tượng bị quản lý trong thông tư 30 của Bộ Y tế - Ảnh: Nguyễn Khánh

Cho dù sáng 23-1, phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) Nguyễn Thanh Phong đã thay mặt bộ trả lời về các quy định đang bị phàn nàn về tính khả thi này, nhưng câu chuyện quanh thông tư 30 vẫn chưa thể dừng tại đây.

Không đủ sức để quản lý

Đọc qua nội dung quy chế, người ta không thấy quyền lợi của người buôn bán ở đâu, nếu không muốn nói là chỉ toàn nghĩa vụ. Kinh nghiệm cho thấy một chủ trương, dù cần thiết đi nữa, nếu không gắn quyền lợi với nghĩa vụ của người dân thì rất khó thành công.

Với thực trạng của bộ máy hành chính, mạng lưới y tế hiện nay, có thể thấy ngay được rằng rất khó tránh được tiêu cực xảy ra trên diện rộng vì thông tư đã tạo ra cơ chế xin - cho. Công bằng mà nói, dù có tận tâm, bộ máy của ngành y tế cũng sẽ quá tải, không kham nổi số lượng đăng ký hàng triệu người. Kinh nghiệm cho thấy muốn cải cách hành chính, cơ quan nhà nước phải giảm bớt nội dung quản lý, chỉ nên quản lý những gì thật cần thiết, mục tiêu lớn, còn muốn quản lý tất cả thì rốt cuộc chẳng quản lý được cái gì.

Mặt khác, xét trên góc độ chuyên môn, giả dụ như người bán hàng hội đủ các điều kiện và được cấp phép, những gánh hàng, xe hàng và thậm chí cửa hàng... thực phẩm vào buổi sáng chất lượng còn tốt đến chiều tối bị nhiễm khuẩn, trở nên ôi thiu, hoặc chủ hàng bổ sung những hóa chất độc hại để làm chậm quá trình ôi thiu thì sao?! Lực lượng nào chịu trách nhiệm kiểm tra lại? Năng lực chuyên môn và thiết bị của trạm y tế phường, xã, kể cả y tế quận, huyện có thể kiểm tra được không? Rõ ràng là các cơ quan quản lý nhà nước không đủ sức làm khối lượng công việc khổng lồ có tính chuyên môn kỹ thuật này!

Nên nhớ rằng giữa người bán hàng rong và người tiêu thụ hầu như có một mối liên hệ thuộc dạng “tín nhiệm ngầm” lâu đời. Họ hầu như thấu hiểu nhau, đùm bọc nhau, bảo vệ nhau như kiểu “tình làng nghĩa xóm” của cộng đồng dân cư gắn bó mật thiết lâu đời. Trong trường hợp đó, bắt buộc phải có giấy phép thì họ sẽ có, bằng cách bớt đi những đồng bạc còm cõi để lo giấy. Nhưng lúc đó, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội càng giãn ra, mất lòng dân nhưng mục tiêu đích thực của quản lý không đạt được.

“Bổn cũ soạn lại”

Chuyện đề ra các quy định có tính quy phạm cho người bán hàng rong không phải mới mẻ gì, bởi các nước xung quanh đã làm từ lâu, chỉ có điều họ làm rất khác chúng ta.

Ở khu vực trung tâm của Bangkok (Thái Lan) hiện nay thường xuyên có 26.000 người bán hàng rong. Tại Kuala Lumpur (Malaysia) là 35.000 người và Metro Manila (vùng đô thị đông dân nhất ở Philippines) là 52.000 người. Có thể còn nhiều chuyện chưa hài lòng, nhưng phải thấy các thành phố đó khác chúng ta ở chỗ trước hết họ thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của người bán hàng rong và tiến hành quy hoạch một cách khá bài bản, bởi họ coi chuyện bán hàng rong là chuyện của “phát triển” chứ không phải là chuyện “xóa bỏ”.

Chẳng hạn năm 1971, Chính phủ Singapore bắt đầu xây dựng chương trình quốc gia nhằm mục đích xây dựng các điểm ổn định dành riêng cho những người bán hàng rong. Đến năm 1988, đã có 23.331 người bán hàng rong hoạt động trong 184 khu vực được quy hoạch, trong đó có 18.878 người được tham gia việc bán thực phẩm nấu chín và con số này hiện nay là gần 50.000 người. Các điểm bán dành cho người bán hàng rong được cung cấp nước sạch, gas, điện đến tận xe hay quầy bán hàng. Họ được cung cấp (một lần) các thiết bị miễn phí phục vụ việc nấu nướng và bán hàng như xe đẩy, bình gas, bàn ăn, ghế ngồi, mái che, dụng cụ cơ bản nấu nướng... Những người này được cấp giấy phép hoạt động nghề nghiệp sau khi được tập huấn về các kỹ năng như nấu ăn, vệ sinh thực phẩm, dinh dưỡng, giao tiếp...

Ở nước ta, lâu nay việc quản lý thức ăn đường phố đã có nhiều quy định. Ngay từ năm 2001, văn bản số 3199 đưa ra 10 tiêu chí để đảm bảo vệ sinh thức ăn đường phố. Năm 2005, khi Bộ Y tế ban hành quyết định số 41 đã có quy định 10 tiêu chí cụ thể, cùng những điều kiện hoạt động, kinh doanh đối với thức ăn đường phố. Thông tư 30 có hiệu lực từ ngày 20-1-2013 cơ bản gần giống thông tư 41. Điều đáng nói ở đây là hơn 10 năm vẫn bổn cũ soạn lại với tư duy xơ cứng, áp đặt, nặng cấm đoán. Trong khi lẽ ra thời gian hơn 10 năm ấy phải làm công tác chuẩn bị, quy hoạch, tuyên truyền, huấn luyện, xây dựng cơ sở vật chất...

Nếu ai chứng kiến hình ảnh phỏng vấn những người hành nghề bán thức ăn đường phố ở nước ta, nhìn thấy những giọt nước mắt, lời nói nghẹn ngào trước ống kính về tương lai mưu sinh của gia đình, con cái ăn học..., thì có lẽ mới thấu hết nỗi đau của họ. Một chính sách, quyết định xét trên lý lẽ là đúng, nhưng cung cách tổ chức thực hiện, biện pháp bước đi, thái độ ứng xử nhiều khi dẫn đến thiếu tính nhân văn.

DIỆP VĂN SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên