10/06/2006 17:22 GMT+7

Quản lý nhà nước đối với văn hoá nghệ thuật: "Cô giáo nghiêm khắc" hay "mẹ hiền"?

Theo Lao động
Theo Lao động

Không thể phủ nhận vai trò cực kỳ quan trọng của Nhà nước đối với sự phát triển của một nền văn hoá nghệ thuật (VHNT). Nhưng vai trò ấy nên như của một cô giáo nghiêm khắc hay của một người mẹ hiền và thông minh?

xzGFFo7T.jpgPhóng to
TS Nguyễn Việt phát biểu tại toạ đàm
Không thể phủ nhận vai trò cực kỳ quan trọng của Nhà nước đối với sự phát triển của một nền văn hoá nghệ thuật (VHNT). Nhưng vai trò ấy nên như của một cô giáo nghiêm khắc hay của một người mẹ hiền và thông minh?

Theo mô hình nào?

Vấn đề này đã được trao đổi thẳng thắn trong cuộc toạ đàm, do các viện văn hoá châu Âu tại VN phối hợp với Bộ VHTT tổ chức ở Viện Goethe HN tối 7-6 vừa qua.

Ông Nguyễn Văn Tình - Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Bộ VHTT - cho biết, có thể tạm thống kê trên thế giới có 3 mô hình nhà nước quản lý VHNT:

Mô hình như của Mỹ: Không có bộ văn hoá, nhà nước quản lý VHNT qua hệ thống luật, hoạt động VHNT chủ yếu dựa vào nguồn tài trợ từ các "Mạnh Thường Quân" phi chính phủ (tài trợ của chính phủ chỉ chiếm 2% tổng tài trợ cho VHNT).

Mô hình như của các nước châu Âu: Nhà nước tài trợ thông qua các hội đồng nghệ thuật (các nhà văn hoá, nghệ sĩ có uy tín đóng vai trò quyết định trong những hội đồng này).

Mô hình như ở VN: Nhà nước quản lý thông qua Bộ VHTT và bộ đóng vai trò tài trợ chủ yếu cho VHNT.

Ông Tình cũng cho biết, tài trợ cho VHNT của VN từ 0,9% tổng chi ngân sách nhà nước (từ năm 1991) đã tăng tới 1,1 % (từ năm 2005).

Ông Hoàng Đức Toàn - Vụ trưởng Vụ Mỹ thuật, khẳng định: Mỗi năm, Nhà nước chi 20 tỉ đồng cho các hội VHNT; tuy nhiên, cụ thể ngân sách nhà nước cho VHNT đã được chi như thế nào, thì không một quan chức nào của Bộ VHTT nắm được, mà "chỉ được biết qua báo cáo của Bộ Tài chính".

Nhà phê bình nghệ thuật Nguyễn Quân cho rằng, đối với tài trợ của Nhà nước, ta đã tiêu nhiều, hiệu quả kém do chi vào những thứ nặng tính khoa trương, ta cũng chưa hình thành được một hệ thống tài trợ phi chính phủ nên nguồn tài trợ này cũng bị chi lung tung.

Chạy đúng hướng, nhưng ngập ngừng

Vụ phó Vụ Hợp tác quốc tế Nguyễn Văn Tình tỏ ra thích thú với phát biểu của nhà thơ Hoàng Hưng: "Cỗ xe văn hoá của ta do Nhà nước cầm lái. Cỗ xe này đang chạy trên đường phát triển, nhưng chạy chưa trơn tru, chạy chậm và ngập ngừng". Và ông Hoàng Hưng tạm chỉ ra ba nguyên nhân trục trặc của "cỗ xe" này:

Lệch tay lái: "Xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" là một định hướng rất đúng đắn, nhưng thực tế yếu tố "tiên tiến" chưa được coi trọng bằng yếu tố "bản sắc dân tộc".

Lệch trọng tâm: Coi trọng tuyên truyền nhất thời, dẫn đến tình trạng đầu tư tốn kém và không hiệu quả cho nhiều tác phẩm không có giá trị nghệ thuật vững bền.

Lệch cơ cấu máy: "Tay ga yếu hơn tay phanh", lo an toàn hơn lo phát triển.

Cần cải tổ

Theo hoạ sĩ Lê Quảng Hà, nhiều cán bộ văn hoá có bằng thật nhưng kiến thức lại là giả, từ sự thiếu hiểu biết thực sự về văn hoá nghệ thuật của họ dẫn đến tình trạng "áp lực ảo" trong kiểm duyệt.

TS khảo cổ học Nguyễn Việt cho rằng: "Vai trò của Nhà nước với văn hoá, đặc biệt là lĩnh vực kiểm duyệt phải được luật hoá rõ ràng, chứ không nên để phụ thuộc vào cá nhân các cán bộ quản lý văn hoá như hiện nay".

Ông Nguyễn Trung (Viện Mỹ thuật): "Cần cải tổ lại cách quản lý VHNT, xây dựng một hành lang pháp lý thật khoa học".

Nhà phê bình nghệ thuật Lương Xuân Đoàn - Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương - nhận xét: "Chủ đề cuộc toạ đàm đặt ra rất tốt. Cần phải có một sự cải tổ trong quản lý nhà nước về VHNT để vừa giữ nghiêm phép nước, vừa tạo điều kiện cho nghệ sĩ sáng tạo".

Theo Lao động
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên