Một phòng điều hành đường dây đánh bạc trực tuyến bên trong khu đô thị Our City do người Trung Quốc vận hành - Ảnh: Bộ Công an
Trong đó, “làm thế nào để có thể quản lý tốt người nước ngoài khi họ sinh hoạt tại Việt Nam?” là câu hỏi mà dư luận cần được chia sẻ. Tuổi Trẻ ghi nhận một số ý kiến, kinh nghiệm dưới đây.
* Thiếu tướng Vũ Xuân Viên (giám đốc Công an TP Đà Nẵng): Ra quy chế quản lý hoạt động người nước ngoài
Người nước ngoài đến địa bàn TP Đà Nẵng tăng lên rất nhanh, năm 2017 có hơn 1,4 triệu người - tăng 47% so với năm 2016; năm 2018 tăng 93% so với năm 2017; dự kiến năm 2019 tăng 70-80% so với 2018.
Công an TP đã chủ trì tham mưu cho UBND TP ra quyết định 4509 ngày 8-10-2018, ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn TP.
Quy chế này phân cấp rất rõ trách nhiệm của các sở, ban, ngành cũng như các quận, huyện trong công tác quản lý người nước ngoài.
Các nội dung phối hợp bao gồm: phối hợp trong công tác tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú và hoạt động của người nước ngoài trên địa bàn; phối hợp quản lý việc sử dụng lao động nước ngoài, cấp giấy phép lao động...; phối hợp trong giải quyết hồ sơ pháp lý có yếu tố nước ngoài thuộc thẩm quyền của TP; phối hợp quản lý các đoàn người nước ngoài vào công tác và làm việc...; phối hợp quản lý tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, văn phòng đại diện...
Về tổ chức thực hiện, chế độ thông tin báo cáo bằng văn bản hoặc qua thư điện tử công vụ theo định kỳ 3 tháng/lần hoặc khi có yêu cầu đột xuất; định kỳ các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện gửi kết quả thực hiện về Công an TP. Với lực lượng công an, chúng tôi thực hiện các quy định riêng của Bộ Công an trong công tác quản lý người nước ngoài. Công an TP cũng giao nhiệm vụ rất rõ cho từng lực lượng.
Tuy nhiên, việc phối hợp trong công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn TP vẫn còn nhiều sơ hở, nhất là trao đổi thông tin trong hoạt động lưu trú người nước ngoài.
* Ông Nguyễn Văn Thành (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Nha Trang, Khánh Hòa): Có hệ thống nhưng chưa vận hành tốt
Trách nhiệm chính trong việc quản lý người nước ngoài đầu tiên phải là chính quyền và công an địa phương. Cần thiết phải có các quy định về trách nhiệm đối với từng cơ quan quản lý ở từng lĩnh vực có người nước ngoài tham gia, tránh có sự chồng chéo giữa các cơ quan khi xử lý các hành vi vi phạm.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước hiện nay cũng cần được nâng cao hơn nữa. Hiện đã có phần mềm quản lý điện tử về thông tin lưu trú của người nước ngoài cho phép liên thông giữa các cơ quan nhưng hệ thống này vẫn chưa thực sự vận hành tốt, đem lại sự thuận tiện cho người khai báo.
Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của các cán bộ quản lý người nước ngoài còn nhiều hạn chế, còn tâm lý e ngại khi tiếp xúc với người nước ngoài. Việc tăng cường vốn ngoại ngữ sẽ giúp cán bộ quản lý tự tin hơn khi thu thập thông tin của người nước ngoài, thậm chí xử lý tốt với các trường hợp người nước ngoài cố tình che giấu, khai báo sai sự thật.
* Thượng tá Phan Văn Cường (trưởng Phòng tham mưu Công an tỉnh Khánh Hòa): Trách nhiệm không chỉ của ngành công an
Với người nước ngoài hoạt động trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ngành công an đang tổ chức quản lý rất chặt chẽ, từ đầu vào xuất nhập cảnh đến đầu ra. Những trường hợp đối tác, đối ngoại thì chúng ta trục xuất, còn những trường hợp vi phạm pháp luật thì xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quản lý khách du lịch nước ngoài không riêng ngành công an, mà tất cả các ban, ngành, địa phương cùng vào cuộc mới quản lý được. Hiện tại, ngoài nguồn khách nước ngoài đến qua cảng hàng không quốc tế Cam Ranh thì còn có các nguồn khác đi ôtô từ nơi khác đến Nha Trang tham quan. Việc này cũng gây một số khó khăn cho công tác quản lý.
Chúng tôi đã tăng cường cảnh sát khu vực kiểm tra, nhờ đó thời gian qua công an chủ động phát hiện một số trường hợp người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, không khai báo, có biện pháp xử lý ngay. Phải nói tuy khó khăn nhưng vẫn vào cuộc và kiểm soát được.
* Tiến sĩ Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học tội phạm ĐH Quốc gia TP.HCM): Tăng cường quản lý, kêu gọi người dân giám sát
Không chỉ vụ gần 400 người nước ngoài hoạt động cờ bạc ở khu đô thị Our City (Hải Phòng), mà những vụ án ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao xảy ra thời gian qua cho thấy công tác quản lý người nước ngoài ở Việt Nam còn lỏng lẻo, có gì đó rất hình thức và thiếu thực tế.
Khi nói đến quản lý thì phải hiểu người ta đến để đi đâu, làm gì? Trong khi mình chỉ nắm được người nước ngoài đến, còn họ đi đâu, làm gì thì chưa có cách quản lý sâu sát để nắm rõ. Không thể xem giấy tờ đến đây đi du lịch rồi nghĩ là đi du lịch.
Một tổ chức tội phạm đông như vậy ở khu đô thị Our City (Hải Phòng) thì chúng ta phải hình dung ra không chỉ xảy ra tội phạm hình sự đơn thuần mà có khả năng gây nguy hại về an ninh quốc phòng.
Khi vụ việc xảy ra, trách nhiệm đầu tiên phải thuộc cơ quan chức năng, chính quyền địa phương nơi đó. Không chỉ dư luận đặt câu hỏi quản lý có quá yếu kém hay "có gì đó" với người nước ngoài không?
Tôi nghĩ chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa các công tác liên quan đến hoạt động của người nước ngoài ở Việt Nam, kiểm tra sửa đổi, bổ sung luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú cho chặt chẽ; không phải nói suông mà phải sớm có các văn bản pháp luật để cơ quan chức năng thực thi.
Một điều quan trọng không thể thiếu, đó là kêu gọi sự hỗ trợ của người dân, khi phát hiện người nước ngoài có dấu hiệu vi phạm pháp luật, sớm trình báo cơ quan chức năng xử lý.
* Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM): Đừng đổ lỗi chính sách mở
Không chỉ vụ việc ở khu đô thị Our City (Hải Phòng), mà cần chú ý đến những khu công nghiệp, nhà máy sản xuất do người nước ngoài trúng thầu và đưa công nhân đến... Thực tế hiện nay những quy định về quản lý người nước ngoài chưa được cụ thể. Chẳng hạn xảy ra vụ đánh bạc ở khu đô thị Our City, có ý kiến cho rằng cấp xã phường bị hạn chế trong việc giám sát, quản lý.
Theo tôi, phải tăng trách nhiệm, tăng thẩm quyền cho cấp xã phường, đào tạo hướng dẫn họ kỹ năng, thiết bị quản lý và họ là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Đồng thời phải điều chỉnh, bổ sung bằng văn bản cụ thể cho họ thực hiện.
Dư luận cho rằng quản lý người nước ngoài hiện còn lỏng lẻo là do cơ chế "mở" thu hút du khách, người nước ngoài đến Việt Nam, dẫn đến thiếu kiểm soát. Tôi cho rằng một phần nào đó đúng nhưng đừng đổ lỗi cơ chế "mở". Nhiều nước trên thế giới họ còn "mở" hơn, đất nước rộng lớn hơn, nhưng chính sách hậu kiểm của họ rất tốt.
Ví dụ có một ông bạn đi du lịch sang Mỹ, đi thoải mái, đâu cần đăng ký tạm trú. Khi dừng chân ở một khách sạn, ông cố tình khai báo sai tên, nhân viên khách sạn chẳng thèm quan tâm. Nhưng khi lên phòng 3 phút, có người điện thoại mời ông xuống, nói rằng ông ghi sai tên và nhờ ông chỉnh lại.
* Ông Ngô Tấn Vũ Khanh (giám đốc phát triển Hãng bảo mật Kaspersky Lab Việt Nam): Vá "lỗ hổng" an ninh thông tin
Vụ việc xảy ra ở Our City cho thấy rõ khâu quản lý thông tin con người của chúng ta đang tồn tại lỗ hổng không hề nhỏ. Đó là khả năng "chính quyền điện tử" còn nhiều hạn chế khi không có sự kết nối xuyên suốt thông tin giữa xuất nhập cảnh và cơ quan lưu trú địa phương.
Để phần nào vá "lỗ hổng" an ninh thông tin nêu trên, chúng ta cần có một hệ thống quản lý thông tin định danh những người nước ngoài lưu trú tại Việt Nam luôn được cập nhật và tự động cảnh báo tới chính quyền địa phương khi có bất kỳ biểu hiện bất bình thường xảy ra như giả định trường hợp có nhiều người nước ngoài cùng quốc tịch, cùng đăng ký lưu trú ở một địa chỉ trong thời gian dài...
Đ.THIỆN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận