14/05/2013 12:31 GMT+7

"Quản lý không phải là đưa người nắm các vị trí chủ chốt"

K.XUÂN
K.XUÂN

TT - Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT), với Tuổi Trẻ ngày 13-5 xung quanh câu chuyện Bộ VH-TT&DL giới thiệu người của bộ ứng cử vào hầu hết các vị trí chủ chốt của đại hội VFF.

Eq60rxhH.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hồng Minh - Ảnh: K.X.

Ông Nguyễn Hồng Minh dẫn chứng: “Thể thao VN có khoảng 20 liên đoàn, hiệp hội thể thao quốc gia. Do ảnh hưởng của tư duy bao cấp nên những nhà quản lý thể thao có cách làm cử người của mình nắm giữ các vị trí chủ chốt của các liên đoàn như: chủ tịch, phó chủ tịch, tổng thư ký... Theo thống kê chưa đầy đủ của tôi, từ trước đến nay có 17-18 vị cấp cao ở cơ quan quản lý nhà nước như bộ trưởng, thứ trưởng, tổng cục trưởng đã và đang nắm giữ các vị trí quan trọng tại các liên đoàn. Nhiều vị sắp nghỉ hưu rồi vẫn làm chủ tịch ở hai liên đoàn, có vị nắm giữ cả liên đoàn trung ương và địa phương, có vị thậm chí nắm giữ vị trí ở 5-6 liên đoàn, hiệp hội. Tổng thư ký ở các liên đoàn hầu hết đều là người nhà nước từ cấp vụ trưởng, trưởng bộ môn.

Tình hình cũng tương tự ở Ủy ban Olympic VN là tổ chức xã hội thay mặt thể thao VN tham gia phong trào Olympic quốc tế. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL làm chủ tịch ủy ban, tám phó chủ tịch hầu hết là người nhà nước (ba lãnh đạo Tổng cục TDTT đều là phó chủ tịch), tổng thư ký, chánh văn phòng ủy ban cũng là người nhà nước mang hàm vụ trưởng... Trên cơ sở đó có thể thấy việc đưa người nhà nước vào các tổ chức xã hội của thể thao đã diễn ra trong mấy chục năm qua và ngày càng có xu hướng mạnh hơn. Điều này dẫn đến việc ít doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội tham gia các liên đoàn, hiệp hội”.

"Có nhiều vị sắp nghỉ hưu rồi vẫn làm chủ tịch ở hai liên đoàn, có vị nắm giữ cả liên đoàn trung ương và địa phương, có vị thậm chí nắm giữ vị trí ở 5-6 liên đoàn, hiệp hội"

Ông NGUYỄN HỒNG MINH

* Ông đánh giá thế nào về việc người nhà nước nắm quyền trong các tổ chức xã hội?

- Cái tích cực của việc người nhà nước nắm quyền trong các tổ chức xã hội là: có uy tín, vị thế xã hội và nhờ đó kêu gọi, vận động các nguồn lực để phát triển môn thể thao đó. Quan chức nhà nước cũng có quyền uy trong chỉ đạo các liên đoàn, và trong thực tế lịch sử đã từng có những vị làm rất tốt vai trò của mình. Tuy nhiên, số làm tốt thì ít mà đại bộ phận quan chức nhà nước nắm giữ vị trí chủ chốt tại các liên đoàn vì quá bận rộn, không đủ thời gian tìm hiểu môn đó, không có khả năng kiếm tiền, tập hợp nguồn lực xã hội, thiếu hiểu biết về chuyên môn để nghe tham mưu. Vì thế có nhiều vị làm chủ tịch liên đoàn đến hai nhiệm kỳ nhưng không đóng góp được gì về chuyên môn cũng chẳng giúp ích gì cho môn thể thao đó.

* Cách làm này vi phạm Luật TDTT?

- Từ cuối những năm 1990, Chính phủ đã có nghị định về xã hội hóa trong công tác thể thao, y tế, giáo dục. Tháng 12-2006 Quốc hội thông qua Luật TDTT, tại khoản 2 điều 71 quy định rõ: “Liên đoàn thể thao quốc gia hoạt động tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện quyền, nghĩa vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng từ năm 2006 đến nay những nhà quản lý thể thao đã không thi hành luật này. Quản lý không phải là cử người của bộ ra nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các liên đoàn, như vậy là không dân chủ, không chấp hành luật, cản trở nhu cầu và xu hướng xã hội hóa các tổ chức xã hội nghề nghiệp thể thao.

Việc Bộ VH-TT&DL cử người tham gia ứng cử các vị trí chủ chốt ở VFF đại hội VII tới là biểu hiện của nếp cũ, đưa người của mình để nắm giữ, kiểm soát, bao cấp bóng đá. Bộ không nhìn thấy thực tiễn trong thời gian qua cách làm đó không đem lại hiệu quả cho bóng đá từ công tác quản lý nhà nước đến kiếm tiền cho bóng đá. Bóng đá là môn thể thao có ảnh hưởng xã hội lớn, đã đến lúc phải thay đổi cách làm này. Nếu tiếp tục cách làm này thì ngành thể thao sẽ tiếp tục vi phạm luật thể thao, không thúc đẩy bóng đá phát triển. Hãy để xã hội lựa chọn những người am hiểu bóng đá, có tài quản lý, có khả năng kiếm tiền tham gia bộ máy VFF bằng cuộc bầu cử dân chủ, công khai.

Ông Trần Thanh Ngữ, nguyên giám đốc Trung tâm TDTT quận 1, TP.HCM, người có vai trò rất lớn để phát triển môn xe đạp, thể hình, bóng đá nữ của TP.HCM, từng nói: “Ở liên đoàn chỉ nên có hai đối tượng tham gia, nếu không có cái ví (ý là tiền - PV)thì nên hiểu chuyên môn, nếu không hiểu chuyên môn thì phải có cái ví”.

* Dù Bộ VH-TT&DL đã giới thiệu người tranh cử ở VFF nhưng đại hội cũng yêu cầu các ứng viên chủ tịch, phó chủ tịch phải có đề án tranh cử để lấy được phiếu từ các đại biểu. Liệu cách này có giúp tìm được người tài cho đại hội sắp tới?

- Các ứng viên tham gia tranh cử các vị trí chủ chốt phải có đề án tranh cử để thuyết phục đại biểu bầu cho mình. Nên để đại hội giới thiệu thêm vài người cho mỗi vị trí chứ không thể mỗi vị trí chỉ có một người.

* Trong lịch sử, người nhà nước luôn chiến thắng trong các cuộc bầu cử ở VFF các đại hội trước?

- Việc này đã trở thành nếp, luật bất thành văn. Muốn thay đổi cái đó phải thay đổi nhận thức, cách làm và thực hiện đúng Luật TDTT thì mới đảm bảo sự công bằng, dân chủ trong các sự kiện này.

* Ông có nghĩ các ứng viên nên rút lui nếu trong nhiệm kỳ thấy mình không thực hiện được mục tiêu đề ra lúc tranh cử?

- Hiện nay Quốc hội, Chính phủ đang triển khai lấy phiếu tín nhiệm các vị trí chủ chốt. Vì vậy, sau khi các ứng viên được giới thiệu tham gia các vị trí chủ chốt ở VFF cũng nên được lấy phiếu tín nhiệm để đánh giá trước bầu cử. Còn việc có thực hiện được hay không chiến lược tranh cử ban đầu phụ thuộc vào các biện pháp thực hiện công việc của vị chủ tịch và lòng tự trọng của mỗi người.

K.XUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên