
Học sinh sau giờ học tại một trung tâm dạy thêm ở TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG
Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đang lấy ý kiến cho dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn. Thời gian lấy ý kiến đến hết ngày 17-2.
Theo dự thảo, hiệu trưởng các nhà trường có trách nhiệm tổ chức việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường theo quy định tại thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT.
Đồng thời quản lý giáo viên đang dạy học tại nhà trường khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường; phối hợp theo dõi, kiểm tra hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên.
Hiệu trưởng cũng chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý trực tiếp về chất lượng dạy thêm, học thêm trong nhà trường; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm…
Công khai số điện thoại để phụ huynh có thể phản ánh việc dạy thêm
Phản hồi về dự thảo quy định trên, bạn đọc COC lập luận: "Tại sao bắt hiệu trưởng phải quản lý luôn việc ở ngoài nhà trường? Cơ quan chức năng còn không quản lý được mà buộc một hiệu trưởng chỉ có quyền trong nhà trường phải quản lý giáo viên của mình ở ngoài nhà trường".
Tương tự, theo bạn đọc ledu****@gmail.com, hiệu trưởng làm công tác quản lý giáo viên trong nhà trường trong thời gian hoạt động tại trường, còn ngoài giờ làm cách nào để quản lý, theo dõi giáo viên?
Nếu bắt buộc quản lý thì hiệu trưởng có phụ cấp làm ngoài giờ hoặc tăng lương không?
Bạn đọc có tên tài khoản Luật nêu băn khoăn: Hiệu trưởng quản lý luôn cả việc dạy thêm của giáo viên là tạo gánh nặng cho hiệu trưởng, vì hiệu trưởng còn rất nhiều việc khác quan trọng hơn phải làm, dạy thêm là phụ, còn dạy chính khóa mới là mục tiêu chính.
Bạn đọc Khai Phong cho rằng đã công khai đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật rồi thì việc dạy thêm này được quản lý bởi luật pháp (đối tượng, thời gian, địa điểm, hình thức kinh doanh, thu nhập...) nên đâu cần hiệu trưởng phải quản lý việc dạy thêm ngoài trường chi nữa!
Bạn đọc tran****@gmail.com phân tích: Thầy cô dạy thêm có doanh thu nên được quản lý chặt chẽ như một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Do vậy, nên để địa phương, đơn vị có trách nhiệm liên quan quản lý và kiểm tra. Hiệu trưởng cần tập trung tạo môi trường giáo dục tốt trong nhà trường để chất lượng giáo dục dạy học tiến bộ lên.
Còn bạn đọc Việt Nhật cho rằng cách tốt nhất là công khai số điện thoại của Sở Giáo dục và Đào tạo để mọi người có thể phản ánh những thầy cô cố tình lách quy định để dạy thêm. Mỗi lớp đang dạy có khoảng 40 học sinh thì các thầy cô cũng đang có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/tháng nên họ sẽ tìm mọi cách để lách quy định.
"Hãy để cho các phụ huynh tham gia giám sát và phản ánh nếu các thầy cô này tiếp tục làm trái thông tư 29 vừa ban hành", bạn đọc Việt Nhật viết.
Trung tâm dạy thêm có trách nhiệm tìm hiểu về giáo viên
Ngoài những thắc mắc nêu ra liên quan nhiệm vụ quá lớn cho hiệu trưởng, một số ý kiến đưa ra những giải pháp, hiến kế để việc dạy thêm, học thêm đi vào quy củ.
Theo bạn đọc Bich, việc quan trọng là cần làm rõ trách nhiệm của các trung tâm dạy thêm. Các trung tâm này ngoài những điều kiện liên quan đến cơ sở vật chất thì trước khi ký hợp đồng với các giáo viên cần phải nắm được giáo viên đó là giáo viên công lập hay ngoài công lập.
"Đối với giáo viên công lập thì cần phải nắm rõ được các thông tin như trường học - nơi giáo viên đó đang giảng dạy, các lớp mà giáo viên đó được phân công giảng dạy, tổng thời gian làm việc mà giáo viên đó giảng dạy ở trường và cơ sở giáo dục khác, hiệu trưởng hoặc người có thẩm quyền chỉ định, phân công giáo viên đó giảng dạy", bạn đọc Bich gợi ý thêm.
Cũng theo bạn đọc Bich, trước khi ký hợp đồng, các trung tâm dạy thêm có trách nhiệm liên lạc với hiệu trưởng hoặc người có thẩm quyền của trường - nơi giáo viên mà trung tâm dự định ký hợp đồng đang làm việc để thông báo và tham vấn, tìm hiểu giáo viên đó giảng dạy tại trường ra sao trước khi đồng ý cho giáo viên tham gia giảng dạy tại trung tâm mình.
Sau khi ký hợp đồng, trung tâm có trách nhiệm thông báo bằng văn bản, trong đó bao gồm các thông tin về giáo viên, về thời gian làm việc, về môn học sẽ thực hiện giảng dạy, về mức phí được nhận... tới trường và các cơ quan quản lý.
"Trung tâm cũng có trách nhiệm trích nộp tiền thuế và báo cáo các cấp có thẩm quyền theo quy định", bạn đọc Bich viết thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận