Dự án khu đô thị Đa Phước, thành phố Đà Nẵng có liên quan đến Vũ “nhôm” đang bị bỏ hoang - Ảnh: NGUYÊN ĐOÀN
Về những vấn đề nổi bật từ việc giám sát trên, ông Nguyễn Đức Kiên - phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (thành viên đoàn giám sát) - chia sẻ: "Kết quả giám sát của Quốc hội sẽ cung cấp những số liệu xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030, định hướng đến năm 2045 một cách rất cởi mở, năng động, mở ra cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào.
Đồng thời nâng cao tính minh bạch, năng lực quản lý của chính quyền trong quản lý việc quy hoạch, sử dụng đất đai".
Ông Nguyễn Đức Kiên
Có lợi ích nhóm hay không?
* Ông có thể thông tin sơ bộ về kết quả giám sát vừa qua?
- Báo cáo giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai. Tồn tại lớn nhất là không có sự liên thông, chồng chéo, tạo ra một đống "bùi nhùi" quấn vào "chân vịt" hạn chế sự phát triển kinh tế.
Ví dụ như việc chuyển từ đất công cộng sang đất ở thì phù hợp với quy hoạch điều chỉnh đô thị, nhưng lại không phù hợp với quy hoạch mạng lưới hạ tầng khác làm nảy sinh bài toán ách tắc, quá tải hạ tầng.
Hay việc chuyển mục đích sử dụng đất ồ ạt, không giữ được diện tích cho giao thông tĩnh nên nhiều khu đô thị thiếu chỗ giữ xe; khu đô thị mới hình thành nhưng không kết nối với các quy hoạch điện lực, cấp nước, giao thông hiện hữu.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu có cần chuyển đổi mục đích tràn lan như thế hay không? Và có lợi ích nhóm trong đó?
Người dân đã hi sinh đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị chứ không phải bị đẩy ra ngoài lề sự phát triển.
Ông Nguyễn Đức Kiên
* Tức là đang có sự tùy tiện trong quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai ở các địa phương?
- Hạn chế lớn nhất ở các đô thị đang phát triển là mâu thuẫn giữa phát triển với bền vững, giữa cải thiện đời sống người dân với lợi ích kinh tế của bộ phận nào đấy. Lãnh đạo địa phương đó nhiều khi tư duy nhiệm kỳ, muốn tạo dấu ấn nên ồ ạt cho chuyển đổi mục đích, chấp thuận dự án. Đô thị phát triển một cách không chủ đích.
Quan điểm đặt ra hiện nay là có nên phát triển đô thị bằng mọi giá hay không, hay phải chấp nhận khống chế sự phát triển đô thị ở một mức nào đấy?
Ví dụ như TP.HCM hiện hơn 13 triệu dân khiến năng lực hạ tầng, quản lý của TP đã quá tải. Như vậy TP.HCM có chấp nhận dừng tất cả dự án phát triển hay không?
Có đẩy dần các nhà máy về các tỉnh lân cận, tạo làn sóng lan tỏa giúp các TP đô thị vệ tinh phát triển, kết nối bằng các trục đường xương sống đi vào TP.HCM? Và có chuyển dịch tăng trưởng nhờ vào dịch vụ tài chính, công nghệ cao và những dịch vụ vui chơi giải trí...?
Khu đô thị Thủ Thiêm, Q.2, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Một địa phương dựa quá nhiều vào nguồn thu từ đất đai thì liệu sự phát triển đó có bền vững?
- Đà Nẵng là ví dụ điển hình về việc sử dụng nguồn thu từ đất để phát triển TP. Từ nguồn lực này đã tạo ra diện mạo TP rất khác so với 15 năm trước.
Tuy nhiên, đoàn giám sát đặt câu hỏi rằng khi bán hết đất lấy cái gì để phát triển thì Đà Nẵng không trả lời được. Sau khi giá đất chững lại, TP rất khó khăn xác định nguồn thu từ đâu.
Không để người dân bị đẩy ra ngoài lề phát triển
* Nhiều sai phạm liên quan đến đất đai đã được chỉ ra, thậm chí tới mức xử lý hình sự. Vấn đề này có được báo cáo ở nghị trường?
- Cần nói rõ những vụ việc sai phạm bị xử lý thời gian qua là sai phạm xảy ra trước khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực, không phải vấn đề phát sinh mới. Bởi vậy chúng ta không ngại.
Tuy nhiên qua việc nhìn những kẽ hở, bất cập tạo ra sai phạm đó, đoàn cũng sẽ kiến nghị những giải pháp tiếp thu tinh thần Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói là phải đề ra những quy định, chính sách buộc người quản lý muốn làm sai cũng không dám làm. Và có sai phạm sẽ chỉ ra cá nhân chịu trách nhiệm.
* Vấn đề thu hồi đất đang có những điểm nóng về khiếu nại, khiếu kiện. Đoàn giám sát đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Thủ Thiêm là ví dụ cho việc không tuân thủ quyết định thu hồi đất, thu hồi quá diện tích được phê duyệt. Hiện các cơ quan liên quan đang làm rõ việc sai lệch do lợi ích nhóm hay năng lực quản lý yếu.
Tuy nhiên, trước những vấn đề thực tế như thế cần phải có cách tiếp cận công tác giải phóng mặt bằng theo hướng Nhà nước tôn trọng quyền sở hữu cá nhân về đất ở, nhà ở. Không thể giải tỏa trắng mà phải dành phần đất cho dân tái định cư tại chỗ.
Người dân đã hi sinh đóng góp vào sự phát triển chung thì phải được hưởng lợi từ sự đầu tư, phát triển đô thị chứ không phải bị đẩy ra ngoài lề sự phát triển.
Lâu nay nhiều dự án, chúng ta không chủ động công khai minh bạch những lợi ích người dân được hưởng từ quá trình phát triển đô thị. Rõ ràng người dân bị thiệt khi phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn, mồ mả ông bà bị dời chỗ khác để dành đất cho sự phát triển chung.
Cho nên chính quyền khi thu hồi đất phải có những ứng xử, chính sách tái định cư tốt hơn chỗ cũ và tạo mọi điều kiện nâng cao đời sống người dân.
* Đoàn giám sát có kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật đất đai?
- Đến năm 2020, việc sửa đổi Luật đất đai chưa nằm trong chương trình. Thường sau khi Luật đất đai mới có hiệu lực phải sau 5 năm sơ kết, 10 năm tổng kết rồi mới đề xuất sửa đổi, bổ sung.
Đến thời điểm hiện nay có thể nói một cách tự tin những vấn đề bất cập của quản lý, sử dụng đất trước năm 2013 đang được điều chỉnh theo tinh thần rất tiến bộ của Luật đất đai 2013 và Luật quy hoạch. Nhưng phải 5-10 năm nữa để người dân cảm nhận được sự phát triển đô thị đó.
GS Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) - thành viên đoàn giám sát:
Có tình trạng mua chuộc bằng mọi giá
Nhờ công tác giám sát mà từ năm 2013 đến nay công tác quản lý đất đai đã đi vào một quỹ đạo. Tuy nhiên thời gian qua xuất hiện nhiều sai phạm quá lớn. Các quy hoạch vừa thiếu thống nhất, thiếu tầm nhìn lại thường bị xâm phạm, xé lẻ, trì trệ. Đã có bàn tay của những lợi ích nhóm nhúng vào.
Vừa qua một số thành phố đã xuất hiện những chuỗi móc nối giữa quan chức mang tính tiếp nối từ nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác nhằm mục đích trục lợi, đẩy những doanh nghiệp không nằm trong hệ thống đen đó ra ngoài cuộc.
Lợi ích quá lớn nên doanh nghiệp mua chuộc người có chức trách, quyền lực bằng mọi giá để đưa ra những quyết định có lợi cho họ. Đoàn giám sát đã thấy điều này và có lẽ sẽ phải đề xuất Quốc hội ra nghị quyết cho vấn đề này.
Tuy nhiên, một điều rất mừng là hiện nay chính quyền nhiệm kỳ hiện tại như TP Đà Nẵng, TP.HCM đã nhìn nhận ra hậu quả, đã biết sợ và thể hiện quyết tâm để xử lý - dù việc xử lý đó không đơn giản.
Nếu chính quyền các thành phố không làm thì trung ương phải vào cuộc bởi chúng ta không thể để một cái sai quá lộ liễu, lớn như thế tồn tại được.
Dự án 15 Thi Sách, Q.1, TP.HCM (ảnh chụp chiều 26-5) - Ảnh: D.PHAN
Những vụ sai phạm đất đai nghiêm trọng thời gian qua
* Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ "nhôm", chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần xây dựng Bắc Nam 79) và nhiều quan chức, cựu quan chức Đà Nẵng trong vụ án mua bán, chuyển nhượng nhà, đất công sản tại Đà Nẵng, tiếp tục khởi tố hàng loạt cựu quan chức TP Đà Nẵng.
* Mở rộng vụ án Vũ "nhôm", cơ quan điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam nguyên phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và một số quan chức TP.HCM để điều tra về những sai phạm tại dự án Thi Sách (Q.1).
* Từ năm 2016 đến nay, hàng loạt cán bộ huyện Sóc Sơn đã bị kiểm điểm do liên quan đến sai phạm đất đai tại rừng Sóc Sơn (Hà Nội).
* Thanh tra Chính phủ đã công bố kết quả kiểm tra một số nội dung liên quan khiếu nại của người dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, TP.HCM). UBND TP.HCM sau đó đã tổ chức họp báo, nhận trách nhiệm và xin lỗi người dân về những sai phạm ở khu đô thị này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận