Tại hội nghị 'Sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững' diễn ra mới đây, nhiều biện pháp phát triển ngành hàng sầu riêng được các diễn giả, chuyên gia, lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước thảo luận.
Bà Ngô Tường Vy, CEO Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, chia sẻ ngoài mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, Thái Lan chú trọng tới độ già của trái sầu riêng xuất khẩu.
Thái Lan đã quy định độ khô tối thiểu với trái sầu riêng xuất khẩu là 32%. Tuy nhiên năm 2023, sau khi sầu riêng Việt Nam xuất khẩu mạnh sang Trung Quốc, Thái Lan đã nâng tiêu chuẩn về độ khô lên 35% và đang hướng tới mục tiêu 37%.
"Chúng ta nên học họ cách kiểm soát tiêu chuẩn này. Bởi vì khi trái sầu riêng đạt được độ khô tối thiểu quả mới đạt được độ chín, độ ngọt, sầu mới ăn được", bà Vy nhấn mạnh và kiến nghị cần phải có chế tài để nông dân, thương lái luôn phải thu hoạch sầu riêng đủ già, ai thu hoạch sầu riêng non cần bị xử phạt.
Bà dẫn chứng tại Thái Lan, luật rất răn đe tất cả những bên tham gia vào chuỗi liên kết đều sợ. Ví dụ chỉ cần một nông dân cắt sầu non có thể bị bắt, nếu mã số vùng trồng vi phạm nhiều lần người chịu trách nhiệm có thể phải ngồi tù.
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, công việc thu hoạch sầu riêng hiện phụ thuộc chủ yếu vào thương lái và những người làm nghề thu hoạch sầu. Cần có giải pháp nâng cao sự hiểu biết, trình độ, ý thức nghề nghiệp của những đối tượng này.
Theo ông Hoàng Trung - thứ trưởng Bộ NN&PTNT, so với Thái Lan, sầu riêng Việt còn thua về kỹ thuật, chất lượng. Về chủng loại, sầu riêng Việt chỉ có hai giống chủ lực là Ri6 và Monthon, ít hơn nhiều so với Thái Lan. Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu phát triển thêm một bộ giống đáp ứng đa dạng hơn nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bên cạnh đó bộ cũng đang đàm phán ký kết xuất khẩu thêm mặt hàng sầu riêng đông lạnh, tìm kiếm, xúc tiến thêm nhiều thị trường mới ngoài Trung Quốc.
Về vấn đề giám sát, quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Trung cho hay bộ đang lên kế hoạch đào tạo, tập huấn cho cán bộ địa phương, chủ mã số vùng trồng, quy cách đóng gói theo nhu cầu từng thị trường.
Sầu riêng tăng trưởng nóng, vi phạm cũng liên tục
Ông Nguyễn Quốc Mạnh, phó cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết năm 2020 tổng diện tích sầu riêng cả nước chỉ hơn 71.000ha song đến cuối năm 2023, con số này đã tăng chạm mức 151.000ha.
Không chỉ tăng nóng về diện tích, tình trạng vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng xảy ra liên tục. Công tác cấp và giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói của địa phương không theo kịp với thực tế tăng diện tích, sản lượng sầu riêng tại tỉnh.
Về vấn đề tăng trưởng nóng, vi phạm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ông Huỳnh Tấn Đạt - cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - đánh giá đây là vấn đề "nhức nhối" nhất ngành hàng sầu riêng và cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng sầu riêng bị cảnh báo vi phạm về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực phẩm trong thời gian qua.
"Dù Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai nhiều hoạt động để hỗ trợ, hướng dẫn cùng cảnh báo tuy nhiên nhiều tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn vẫn vi phạm", ông Đạt nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận