Một chú đặc khuyển thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ - Ảnh: US Marine Corps
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tường thuật lại chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi cách đây mấy ngày, một chi tiết được nhiều người quan tâm là chuyện gì xảy ra với chú chó truy đuổi lúc tên trùm này kích nổ tự sát trong đường hầm?
May mắn là chú khuyển biệt danh Conan (do ông Trump đặt) dường như chỉ bị thương sau vụ nổ, và nó đã trở lại phục vụ trong lực lượng đặc nhiệm Delta Force. Mọi thông tin về Conan là bí mật quân sự.
Nhân câu chuyện của Conan, bà Sara Ohlms, cựu thủy quân lục chiến Mỹ phục vụ từ năm 2012-2017, tiết lộ trên báo Insider cách thức lực lượng "đặc khuyển" này được tuyển chọn và huấn luyện.
1. Đây là "Chó đa nhiệm" (Multi-Purpose Canine - MPC)
"Đặc khuyển" tên Argo di chuyển trên thuyền cao su cùng lính thủy đánh bộ Mỹ trong một nhiệm vụ ở Red Beach - Ảnh: US Marine Corps
Có thể gọi chúng là chó đặc nhiệm để phân biệt với chó nghiệp vụ phổ biến trong quân đội Mỹ. Chúng được biên chế trong các lực lượng đặc biệt như Navy SEAL, Army Rangers, Delta Forces...
Ngoài khả năng ngửi tìm chất nổ, truy đuổi mục tiêu, phát hiện cạm bẫy... chó đặc nhiệm còn được huấn luyện kỹ năng đổ bộ từ trực thăng, nhảy dù khỏi máy bay, ngồi thuyền cao tốc...
Những chú khuyển này đạt đến trình độ có thể giữ bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, chúng không bao giờ sủa nếu không cần thiết. "Thần tốc, im ru và chết chóc" là những từ chính xác để mô tả lực lượng 4 chân này.
Do bản chất bí mật của các nhiệm vụ trinh sát và truy lùng mục tiêu, phần lớn thông tin về chương trình huấn luyện chó của quân đội Mỹ không được tiết lộ.
2. Được tuyển chọn bởi một đội ngũ chuyên gia
Chó nghiệp vụ trổ tài truy đuổi mục tiêu trong một màn trình diễn - Ảnh: US Air Force
4 lần mỗi năm, một nhóm các chuyên gia về chó gồm huấn luyện viên, bác sĩ thú y... thuộc phi đội huấn luyện 341 đóng ở căn cứ không quân Lackland (San Antonio, Texas) sẽ tỏa đi khắp thế giới để mua chó.
Họ tiến hành đánh giá các "ứng viên" tiềm năng, đảm bảo chúng không bị bệnh tật và đủ sức phục vụ trong quân ngũ ít nhất 10 năm. Họ cẩn thận chụp X quang để kiểm tra xương, gặp phải những bệnh về da, tai, mắt... là bị loại ngay.
Nếu vượt qua vòng khám sức khỏe, các chú khuyển sẽ được đánh giá về tính tình. Trong 10 ngày, các chuyên gia kiểm tra khả năng tìm kiếm, tính hung dữ và tiềm năng huấn luyện của chúng.
Quy trình này nhìn chung giống với chương trình huấn luyện chó của các lực lượng đặc nhiệm khác, chỉ có điều tiêu chuẩn của đặc nhiệm cao hơn. Chi phí đào tạo mỗi chú khuyển có thể hơn 40.000 USD, chưa tính đến trang thiết bị cho chúng.
3. Conan thuộc giống Malinois của Bỉ
Đặc nhiệm Ranger đổ bộ từ trực thăng Seahawk cùng các đặc khuyển MPC - Ảnh: US Marine Corps
Đây là một trong những giống chó phổ biến phục vụ trong quân đội.
Nếu như Labrador, Golden Retriever, Jack Russell và một số giống khác có thể dùng để phát hiện vật thể, chó chiến đấu nổi tiếng nhất vẫn là Malinois của Bỉ, chó Berger Hà Lan và chó Berger Đức.
Chúng được đánh giá cao bởi các phẩm chất thông minh, dễ huấn luyện, khả năng thích nghi...
Giống Malinois thì giỏi truy lùng mục tiêu, nhanh nhẹn và có thể sống sót trong môi trường cực nóng. Lính Mỹ gọi chúng là "quả tên lửa lông lá".
4. Những chiến công thầm lặng
Một đặc khuyển thuộc lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ chuẩn bị cho một cú nhảy dù từ máy bay - Ảnh: US Marine Corps
Chó đặc nhiệm thường được trang bị áo chống đạn có gắn đèn, camera, thiết bị liện lạc, cảm ứng... Chúng có thể tự hoạt động một mình, cung cấp hình ảnh thực tế cho chủ qua camera và nhận mệnh lệnh qua bộ đàm.
Trong những năm tại ngũ, một chú khuyển MPC thực hiện hàng chục nhiệm vụ chiến đấu khác nhau, phần lớn trong đó công chúng chẳng hề hay biết gì.
Hồi tháng 11-2018, chú khuyển tên Maiko thuộc trung đoàn Ranger 75 đã hi sinh trong một chiến dịch ở Afghanistan.
Maiko đã mở đường xông vào một khu phức hợp khiến các tay súng Al Qaeda phải khai hỏa, tự làm lộ vị trí phòng thủ. Nhóm đặc nhiệm Ranger đã bắn hạ thành công các mục tiêu mà không bị thương vong, chỉ trừ Maiko xấu số.
5. Chinh chiến, thương vong và giải ngũ
Chú chó Nero nhận huân chương về hưu sau 5 năm cống hiến trong quân đội. Buổi lễ diễn ra ở căn cứ Pendleton, California ngày 21-5-2018 - Ảnh: US Marine Corps
Để sát cánh cùng các đồng đội 4 chân, lính Mỹ được huấn luyện cẩn thận các kỹ năng sơ cứu cho động vật, chẳng hạn trị vết thương chảy máu, xử lý cách nào nếu phổi bị thủng, tứ chi bị cụt...
Họ thao tác trên những hình nộm chó được thiết kế đặc biệt cho khóa huấn luyện. Nhiều hình nộm được chế tạo bởi các chuyên gia kỹ xảo của Hollywood và có giá hơn 20.000 USD.
Nếu một chú khuyển bị thương trong lúc huấn luyện, chiến đấu, hoặc cho thấy dấu hiệu trầm cảm, nó sẽ được chuyển đến bệnh viện thú y thuộc căn cứ Lackland để điều trị hồi phục.
Caro, chú chó 5 tuổi giống Malinois của Bỉ, phục vụ trong lực lượng Không quân Mỹ - Ảnh: US Air Force
Theo các chuyên gia, chó cũng bị chấn thương tinh thần như người sau khi trải qua chiến trường. Chúng có thể trở nên sợ tiếng ồn, hung dữ hơn, quên nhiệm vụ được giao hoặc cố tình không muốn làm việc nữa.
Nếu không thể giúp chúng hồi phục, các chuyên gia có thể chuyển chúng sang làm các công việc dân sự hoặc cho về hưu sớm. Trước đó, chúng sẽ được đánh giá thêm lần nữa để bảo đảm không gây nguy cơ cho cộng đồng.
Nếu không có biến cố gì, sau một thập niên trong quân ngũ, các chú chó sẽ được một hưởng cuộc sống bình yên, thường là với một trong những người chủ từng chiến đấu với nó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận