Tác giả viết và ảnh trước quán Bà Sẩm |
Cũng cần nói thêm cho rõ, “rẻ và ngon” đi cùng với nhau. Nếu tách riêng từng phần lại là chuyện khác (vì có thể có quán ngon hơn nhưng đắt hơn hoặc rẻ hơn nhưng không ngon bằng).
Hủ tiếu là món ăn phổ biến dùng chế phẩm gạo dạng sợi, rất phổ biến ở Trung Quốc và ASEAN. Người Trung Quốc và người Campuchia gọi là “Kui tieu”.
Ở miền Nam, hủ tiếu tràn ngập đường phố và hang cùng ngõ hẻm Sài Gòn vào những năm thập niên 1950 của thế kỷ trước.
Từ quán to mặt tiền, quán nhỏ trong hẻm cho đến xe đẩy hủ tiếu di động, còn gọi là hủ tiếu gõ; cha truyền con nối đến cháu chắt. Ngày nay có thêm hủ tiếu gõ dùng xe gắn máy hoặc xe đạp. Hủ tiếu thường là món ăn sáng hoặc tối, khuya.
Nguyên liệu chính của món hủ tiếu là bánh hủ tiếu. Nước dùng chính là xương hầm thịt. Đáng buồn là hiện nay, những quán ăn bình dân hầu hết nấu nước dùng bằng bột nêm hương liệu. Sau đó trụng sơ bánh hủ tiếu với nước dùng rồi cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm. Hủ tiếu Nam Vang (tên gọi thủ đô Phnom Penh) phải có thêm nội tạng heo.
Có thể ăn với thịt bò viên, thậm chí biến tấu thêm với thịt gà, nai… Có hủ tiếu khô và hủ tiếu nước. Các thương hiệu hủ tiếu nổi tiếng tại miền Nam là Nam Vang (Campuchia), Mỹ Tho (Tiền Giang), Trung Hoa, Sa Đéc (Đồng Tháp)…
Cháu gái Đinh Xuân Linh đang thái thịt |
Tôi đã nếm thử “kính thưa các loại hủ tiếu”. Tùy theo khẩu vị, sở thích, mỗi người có nhận xét và cảm nhận riêng về độ ngon và rẻ.
Triết lý của quán hủ tiếu 6.000 đồng
Nhưng rẻ và ngon nhất, đích thị phải là hủ tiếu Bà Sẩm ở Sa Đéc. Đúng ra phải gọi là Bà Xẩm, cách gọi phụ nữ Hoa của người Việt. Do đặc trưng phát âm của Nam bộ thường lẫn lộn giữa chữ "X" và "S" nên bảng hiệu quán ghi là Bà Sẩm. Tên thật của bà là Quan Muội (1932 - 2001), gốc Quảng Đông.
Từ năm 1968, bà mở quán hủ tiếu tại gia, số 188 đường Trần Hưng Đạo, phường 1, thành phố Sa Đéc. Quán nhỏ, rất bình dân, giá rẻ nhưng chất lượng đảm bảo. Sau khi bà mất, con gái Tăng Tiến Hưng (1957) nối nghiệp mẹ với sự trợ giúp của cháu Đinh Xuân Linh (1990, tốt nghiệp cao đẳng kế toán).
Xưa nấu than, phải dậy từ 3g sáng. Giờ bếp gas, chỉ cần hơn một giờ chuẩn bị. Nước dùng là xương hầm với khô mực và thịt. Mọi thứ đều do các đầu mối cung cấp, uy tín cả mấy chục năm nay và nguyên liệu ngày nào dùng ngày đó.
Từ lúc mở quán, bà luôn dặn cháu con những triết lý kinh doanh gần gũi như “Lấy công làm lời”, “Phục vụ số đông người lao động”, “Thật thà niềm nở”, “Lời vừa đủ sống” (đạm bạc với xung quanh)...
Thời buổi “gạo châu, củi quế” mà gần chục năm nay giá vẫn không đổi - 6.000 đồng tô thường, tô đặc biệt 10.000 đồng.
Tô đặc biệt 10.000 đồng, thêm chén khô mực ngọt lự 5.000 đồng và chai sâm nha đam cũng 5.000 đồng - Ảnh : DƯƠNG MINH BÌNH |
Có tô 7.000 - 8.000 - 9.000 đồng, hơn nhau mỗi ngàn thì có thêm vài miếng thịt. Điều đáng nói là giá cực kỳ rẻ nhưng chất lượng bất ngờ. Dân tứ xứ, cả Sài Gòn, Hà Nội nghe danh; đến Sa Đéc, đi xe hơi bạc tỉ vẫn tìm đến thưởng thức bằng được hủ tiếu Bà Sẩm. Nước dùng ngọt tự nhiên của xương hầm và khô mực, thịt mềm thơm và sợi hủ tiếu thì rất Sa Đéc.
Quán mở cửa từ 6 giờ đến 22 giờ, chỉ 4 người trong nhà phục vụ. Căn nhà nhỏ chừng 20m2, khách thường phải ngồi ra vỉa hè (vẫn chừa lối cho khách bộ hành), suốt ngày nhộn nhịp. Tất bật nhưng chủ nhân lúc nào cũng tươi cười. Khách hàng cũng lịch sự, luôn nhường nhịn và chia sẻ chỗ ngồi, nét văn hóa rất Nam bộ.
Mấy lần đưa bạn bè đến ăn thử, ai cũng xuýt xoa. Tôi thường tự thưởng cho mình tô đặc biệt 10.000 đồng, thêm chén mực khô hầm ngọt lự 5.000 đồng và chai nước nha đam ướp lạnh 5.000 đồng là có bữa ăn sang trọng, thừa cả calori lẫn vitamin, chưa tới 1 USD.
Thử hỏi trên thế gian này có chỗ nào rẻ và ngon như vậy?
Tôi ghiền không khí chộn rộn mộc mạc, mê mùi lao động dân dã, thích hương vị Sa Đéc nghĩa tình của hủ tiếu Bà Sẩm. Vừa xì xụp thưởng thức món ngon, nhễ nhại mồ hôi, vừa nghiền ngẫm những triết lý kinh doanh độc đáo. Những bài học không thể có trong các trường đại học hay những dịp vi vu nước ngoài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận