Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: Reuters |
Cuộc họp báo có sự tham gia của Daniel Kritenbrink, Giám đốc cấp cao phụ trách các vấn đề Châu Á thuộc Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ và ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu mở đầu cuộc họp báo, ông Daniel Kritenbrink cho biết trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam các phương thức thúc đẩy mối quan hệ trên nhiều lĩnh vực bao gồm kinh tế, giao lưu nhân dân, an ninh, quyền con người, các vấn đề quốc tế và khu vực.
Trong các cuộc gặp chính thức và gặp gỡ công chúng Việt Nam, Tổng thống sẽ nhấn mạnh sự sâu sắc của mối quan hệ đối tác toàn diện Việt - Mỹ và những sự tiến bộ to lớn mà hai đất nước đã đạt được trong những năm gần đây.
Theo ông Daniel Kritenbrink, về hợp tác kinh tế, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ ra sự tiến bộ và tiềm năng hợp tác kinh tế với Việt Nam và Washington hi vọng sẽ có một số thỏa thuận thương mại với Việt Nam trong chuyến thăm, cho thấy những lợi ích to lớn trong hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Về lĩnh vực hợp tác an ninh, ông Daniel Kritenbrink cho biết Việt Nam và Mỹ cùng chia sẻ cam kết thúc đẩy một trật tự khu vực dựa trên luật pháp quốc tế ở Châu Á - Thái Bình Dương, nơi các quốc gia có thể theo đuổi các mục tiêu một cách hòa bình và theo luật pháp quốc tế.
Hợp tác giữa quân đội hai nước bao gồm nhiều lĩnh vực từ hỗ trợ nhận đạo, cứu trợ thảm họa đến gìn giữ hòa bình. Washington mong đợi tiếp tục thảo luận với các lãnh đạo Việt Nam nhằm thúc đẩy năng lực an ninh hàng hải.
Giao lưu nhân dân và hợp tác giáo dục giúp xây dựng niềm tin và hiểu biết lẫn nhau giữa hai đất nước và hai dân tộc.
Việt Nam có nhiều sinh viên học ở Mỹ hơn bất kỳ quốc gia Đông Nam Á nào khác và có gần 12.000 thành viên chương trình Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) là người Việt.
Con số này cho thấy giới trẻ Việt Nam ngày càng mong muốn cam kết với nước Mỹ và điều này tạo ra một nền tảng vững chắc cho mối quan hệ tiến triển trong nhiều thập kỷ sắp tới.
Washington mong muốn nhìn thấy một đất nước Việt Nam vững mạnh, thịnh vượng, độc lập, tôn trọng quyền con người và pháp quyền. Washington tin tưởng rằng những yếu tố trên sẽ giúp Việt Nam đóng góp tốt nhất cho hòa bình khu vực và giúp người dân phát huy hết khả năng của mình.
Về hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu, hiện Mỹ và Việt Nam đang hợp tác ở lĩnh vực y tế, không phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình và chống buôn lậu động vật hoang dã.
Trong khi đó, ông Daniel Russel cho rằng chuyến thăm Việt Nam và Nhật của Tổng thống Barack Obama mang tính lịch sử.
Theo ông Daniel Russel, Việt Nam là một đối tác của TPP đồng thời cũng là đối tác tuân theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982. Việt Nam cũng là một đối tác ở Mekong.
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel nhấn mạnh mối quan hệ song phương với Việt Nam sẽ mang lại lợi ích cho cả hai dân tộc.
Ông Russel cho biết Tổng thống Obama sẽ có đề cập đến quá khứ, hiện tại, tương lai trong chuyến thăm Việt Nam. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm Mỹ đang hỗ trợ Việt Nam giải quyết hậu quả chiến tranh, bao gồm bom mìn còn sót lại sau chiến tranh và chất độc dioxin.
Xem xét từng trường hợp về bỏ cấm vận vũ khí
Tại cuộc họp báo, nhiều phóng viên đặt câu hỏi về khả năng Washington sẽ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama ra sao.
Ông Kritenbrink nhắc lại việc Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam vào năm 2014 cho phép việc bán các loại vũ khí liên quan đến an ninh hàng hải cho Hà Nội.
“Chúng tôi đã nói rõ vào thời điểm đó là chúng tôi sẽ xem xét từng trường hợp một và quyền con người sẽ là một phần của tiến trình đàm phán”, ông Kritenbrink nói.
Trong khi đó, ông Daniel Russel thông tin thêm rằng theo luật pháp và quy định của Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ đánh giá các yêu cầu mua vũ khí theo từng trường hợp.
Tiến trình này sẽ bao gồm việc xem xét vấn đề nhân quyền và khả năng sử dụng các hệ thống vũ khí để phục vụ cho lực lượng cảnh sát trong nước và những mục đích phi quân sự khác.
Ông Russel nói thêm rằng Washington đang xem xét kỹ lưỡng dựa trên các yêu cầu sắp tới của Việt Nam.
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Russel lưu ý rằng không có nhiều đơn hàng của Việt Nam thời điểm đó bởi vì có những yêu cầu hạn chế từ phía Mỹ.
Trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Barack Obama có đề cập đến chiến tranh Việt Nam trong chuyến thăm sắp tới, ông Kritenbrink cho biết ông Obama không những nhắc lại quá khứ, mà còn công nhận hiện tại. Ông ấy vui khi hai nước có khả năng vượt qua “di sản” chiến tranh và đạt được những sự tiến bộ như hiện nay.
“Chúng tôi đã bình thường hóa quan hệ với Việt Nam được 21 năm. 21 năm là một khoảng thời gian ấn tượng để nghĩ về việc mối quan hệ chúng ta đã tiến xa như thế nào, những tiến bộ mà chúng ta đã được giữa hai dân tộc, giữa hai chính phủ ra sao”, ông Kritenbrink nhấn mạnh.
“Nhưng chúng ta phải nhận ra một thực tế là sự hi sinh to lớn của hai dân tộc giúp mang chúng ta lại với nhau ngày hôm nay”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận