16/03/2014 02:15 GMT+7

Quan hệ Việt - Nhật đang tốt đẹp nhất

VÕ VĂN THÀNH thực hiện
VÕ VĂN THÀNH thực hiện

TT - Hôm nay 16-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản theo lời mời của nhà vua Nhật Bản Akihito và hoàng hậu.

H2qR1CZ0.jpgPhóng to
Ông Nghiêm Vũ Khải - Ảnh: V.V.Thành

Là thành viên trong đoàn đại biểu cấp cao tháp tùng, TSKH Nghiêm Vũ Khải, chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nhật, cho biết:

- Chủ tịch nước ta thăm Nhật Bản lần này với tư cách quốc khách theo lời mời của nhà vua Akihito. Mỗi năm nhà vua Nhật Bản chỉ mời một đến hai vị khách như vậy. Nghi lễ được tiến hành ở mức cao nhất, ví dụ như khi Chủ tịch nước và phu nhân bước xuống cầu thang máy bay sẽ có 21 loạt đại bác chào mừng. Có thể khẳng định đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong quan hệ hai nước.

Củng cố niềm tin chiến lược và hợp tác toàn diện

* Là người đã có hơn 20 năm đảm nhiệm những vị trí công tác khác nhau liên quan đến quan hệ Việt - Nhật, ông có thể phân tích cụ thể hơn về ý nghĩa chuyến thăm Nhật Bản của Chủ tịch nước?

- Trong nhiều năm qua, Nhật Bản là đối tác phát triển quan trọng nhất của VN. Chúng ta thử thống kê những sự kiện kèm với cụm từ “đầu tiên”: Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón tổng bí thư nước ta (năm 1995), nước G7 đầu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với VN (năm 2009), nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của VN (năm 2011), Thủ tướng Shinzo Abe sau khi nhậm chức là nhà lãnh đạo của nước G7 đầu tiên gọi điện cho Thủ tướng VN và chọn VN là điểm đến đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài. Có thể kể thêm, đến nay Nhật Bản là nước tài trợ vốn ODA lớn nhất cho VN, nhà đầu tư nước ngoài số 1 tại VN (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân, trong đó tổng vốn đăng ký đạt hơn 34,5 tỉ USD). Hiện nay Nhật Bản trong nhóm đối tác thương mại dẫn đầu của VN với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2013 đạt 25,163 tỉ USD. Từ những con số thống kê biết nói nêu trên, chúng ta có thể thấy được ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm trong việc tiếp tục củng cố niềm tin chiến lược và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Hiện nay, quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á giữa VN và Nhật Bản đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất. Gần đây, tôi có dịp trao đổi với một số nhà hoạt động chính trị, xã hội của Nhật Bản, qua đó nhiều người bày tỏ mong muốn rằng lãnh đạo hai nước sẽ có những quyết định quan trọng, đưa quan hệ song phương trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Tôi nghĩ rằng việc định danh cho mối quan hệ là rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thực chất của mối quan hệ đó.

Gửi thông điệp tại Quốc hội Nhật Bản

* Dự kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ có bài phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản. Từng là phó chủ tịch Hội Hữu nghị nghị sĩ Việt - Nhật, theo ông, tầm quan trọng của sự kiện này ra sao?

- Phát biểu trước quốc hội của một quốc gia luôn là một vinh dự và thể hiện sự trọng thị đặc biệt. Đối với Quốc hội Nhật Bản lại càng như vậy, vì những sự kiện như vậy chỉ dành cho nguyên thủ các nước lớn, các nước đồng minh hoặc đối tác hữu nghị và hợp tác chiến lược quan trọng. Thông điệp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trước Quốc hội Nhật Bản sẽ lan tỏa rất mạnh mẽ đến giới chính khách, các nhà đầu tư và toàn thể dư luận Nhật Bản.

* Theo kết quả điều tra của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), có tới hơn 70% doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào VN trả lời rằng muốn mở rộng kinh doanh tại VN trong một hay hai năm tới. Có phải đang có làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào VN?

- Theo nhận định của tôi thì hiện nay làn sóng đó đang diễn ra. Tính đến cuối năm 2013, Nhật Bản có hơn 2.166 dự án còn hiệu lực tại VN với tổng vốn đầu tư đăng ký như đã nói ở trên. Nhật Bản đứng số 1 trong 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào VN. Nhiều nhà đầu tư Nhật Bản nói rằng việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) mở ra nhiều cơ hội hợp tác cùng có lợi. Vấn đề hiện nay là ta tổ chức làm sao để đón nhận cơ hội từ làn sóng đầu tư này. Về mặt chính sách, Nhà nước ta đang không ngừng cải thiện, tuy nhiên bạn cho rằng môi trường kinh doanh cần phải được cải thiện tốt hơn, nhất là thủ tục hành chính và năng lực của bộ máy quản lý, nhân sự còn nhiều phiền phức, bất cập. Nguồn nhân lực trẻ dồi dào có thể trở thành lợi thế cạnh tranh và sức hấp dẫn của VN, nếu như chúng ta tập trung đào tạo tốt hơn. Đây cũng là một nội dung trọng điểm của các cuộc hội đàm, ký kết được đề ra trong chuyến thăm cấp cao này.

* Lĩnh vực nông nghiệp là điểm mới trong chuyến thăm này?

- Tôi đã được tham dự một số cuộc trao đổi của Chủ tịch nước cũng như lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta với lãnh đạo, đối tác Nhật Bản về hợp tác nông nghiệp. Điều đó cho thấy các nhà lãnh đạo hai bên quan tâm đến vấn đề này. Hoạt động đầu tiên trong chuyến thăm của Chủ tịch nước là thăm và làm việc tại một số trung tâm nghiên cứu, sản xuất, chế biến nông sản, tiếp xúc, trao đổi với nông dân, các nhà khoa học, doanh nhân trong lĩnh vực nông nghiệp.

Ngay sau khi đến Nhật Bản, trong ngày làm việc đầu tiên, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ đến thăm các cơ sở nông nghiệp hiện đại ở Ibaraki (một trung tâm lớn gần Tokyo). Chiều cùng ngày, thống đốc tỉnh Ibaraki hội kiến Chủ tịch nước, tiếp đó Chủ tịch nước sẽ chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ NN&PTNT VN với tỉnh Ibaraki. Ngày 17-3, lễ đón chính thức Chủ tịch nước và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao VN sẽ diễn ra tại hoàng cung Nhật Bản.
VÕ VĂN THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên