Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc gặp với ông Joe Biden (trái) lúc này vẫn đang còn là phó tổng thống Mỹ - Ảnh: Reuters
Dù được xem là một động thái tích cực, giới phân tích nhận định quan hệ hai nước sẽ không được cải thiện trong thời gian ngắn.
"Không nghi ngờ gì, đó là một bước đi đúng hướng
Tổng thống Vladimir Putin ngày 27-1 ca ngợi việc Quốc hội Nga thông qua New START với Mỹ, nhấn mạnh rằng hiệp ước này sẽ là diễn biến tích cực trong việc giảm bớt những căng thẳng toàn cầu.
Theo thông cáo được cả Nga và Mỹ cùng công bố ngày 27-1, mỗi bên sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục còn lại để gia hạn New START thêm 5 năm nữa. Cam kết được đưa ra trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Biden và ông Putin.
Mỹ muốn có thành lũy chặn đứng Nga?
Việc hiệp ước New START được gia hạn có thể giúp thế giới tránh khỏi một cuộc đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới. Kết quả điện đàm được đánh giá là không bất ngờ và hầu như không giải quyết được bất kỳ vấn đề tồn đọng nào trong quan hệ Nga - Mỹ.
Nội dung thông cáo của Điện Kremlin (Nga) và Nhà Trắng (Mỹ) cho thấy sự khác biệt rõ rệt trong cách tiếp cận. Chính quyền Biden đối với Nga có phần tương tự với Trung Quốc: Matxcơva vừa là "đối tác" nhưng cũng là "đối tượng" của Washington.
Trong khi phía Nga hoan nghênh việc gia hạn New START, bày tỏ mong muốn về hợp tác trong nhiều lĩnh vực như đại dịch COVID-19, kinh tế và thương mại, phía Mỹ lại thể hiện sự cảnh giác. "Tổng thống đã nói rõ trong điện đàm rằng nước Mỹ sẽ cương quyết hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia, đáp trả lại các hành động của Nga làm tổn hại Mỹ và các đồng minh của Mỹ", thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ.
Theo một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên vì không có thẩm quyền phát ngôn với truyền thông, phía Nga đã chủ động đề xuất cuộc điện đàm từ tuần trước, ngay sau khi ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, tân tổng thống Mỹ đã dành các cuộc gọi đầu tiên cho những đồng minh châu Âu như Anh, Pháp và Đức.
Tổng thống Biden cũng gọi cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, tái khẳng định các cam kết của Mỹ trong việc duy trì NATO như một "thành lũy chặn đứng Nga", theo Hãng thông tấn AP.
Chi tiết này, cộng với cuộc điện đàm vừa diễn ra, cho thấy chính quyền Biden không xem việc cải thiện quan hệ với Nga là ưu tiên hàng đầu, theo AP. Tuy nhiên, hãng thông tấn của Mỹ cũng nhận định ông Biden sẽ tránh leo thang căng thẳng với Nga mà nghiêng về việc giữ nguyên hiện trạng.
"Trong bối cảnh có quá nhiều việc phải làm trong nước và các vấn đề liên quan đến Iran, Trung Quốc có thể phải đối mặt, Tổng thống Biden không muốn chọn đối đầu trực tiếp với Nga", AP viết.
Nhân tố châu Âu, Trung Quốc
Mối quan hệ giữa châu Âu với Nga và Nga - Trung Quốc có thể tác động tới tốc độ cải thiện quan hệ Nga - Mỹ. Trong một bài bình luận trên Đài Russia Today của Nga, cây bút Tom Fowdy nhận định việc chính quyền Biden tiếp tục gây sức ép với Matxcơva chỉ đẩy Nga - Trung xích lại gần nhau.
Thật vậy, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đã tiến lên nhiều tầng cao mới trong 4 năm qua, khi cả hai nước cùng đối mặt với sức ép từ Mỹ. "Quan hệ ngoại giao, kinh tế, chính trị sẽ tiếp tục được cải thiện bởi tâm lý "kẻ thù của kẻ thù chính là bạn của ta"" - ông Fowdy nêu quan điểm.
Cách châu Âu nhìn về Mỹ và chính quyền Biden cũng đã khác so với cách đây 4 năm. "Trong khi phần lớn người châu Âu chúc mừng chiến thắng của ông Biden, họ không nghĩ ông có thể đưa nước Mỹ trở thành một quốc gia lãnh đạo toàn cầu thêm một lần nữa", hai học giả Ivan Krastev và Mark Leonard viết trên trang web của Hội đồng Đối ngoại châu Âu.
Thái độ của chính quyền Biden đối với dự án đường ống dẫn dầu Nord Stream 2 nối Nga và các nước châu Âu có thể ảnh hưởng đến thái độ của châu Âu với nước Mỹ.
Dưới thời cựu tổng thống Donald Trump, Mỹ đã liên tục phản đối và đe dọa trừng phạt những nước tham gia xây dựng Nord Stream 2, cảnh báo châu Âu rằng sự phụ thuộc năng lượng vào Nga có thể dẫn tới những hệ quả nghiêm trọng. Tuy nhiên, châu Âu, mà trực tiếp là Đức, đã phản đối "sự can thiệp" của Mỹ, dẫn tới căng thẳng giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Tổng thống Biden cam kết sẽ tái thiết các mối quan hệ đồng minh, bao gồm cả quan hệ với châu Âu. Nhưng mới đây, tân tổng thống Mỹ đã gọi đây là "dự án tồi" cho châu Âu và xem xét các biện pháp trừng phạt từ thời Trump.
New START được ký năm 2010 và có hiệu lực năm 2011. Trong đó quy định Mỹ và Nga không được duy trì quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM và SLBM) và máy bay ném bom chiến lược. Hiệp ước cũng giới hạn số đầu đạn hạt nhân mỗi bên không quá 1.550, số lượng các bệ phóng ICBM và SLBM dưới 800.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận