Chiều 20-6, tại cuộc hội đàm với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Nga Vladimir Putin chia sẻ Việt Nam và Nga có lập trường gần gũi về nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, nhắc lại việc Nga trân trọng sự trung lập của Việt Nam trong những vấn đề toàn cầu.
Cũng tại hội đàm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại truyền thống quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga, đồng thời nhấn mạnh tình cảm của người dân Việt Nam đối với nước Nga.
"Nhân dân Việt Nam và bản thân tôi, với tư cách là người đã sống và học tập ở Nga, luôn ghi nhớ những năm tháng đó. Chúng tôi luôn nghĩ về mối quan hệ ấm áp với những người bạn Nga. Tôi luôn nhớ về đất nước Nga vĩ đại và xinh đẹp với tình cảm nồng hậu", Tổng bí thư nói.
Việt Nam là ưu tiên của Nga
Bày tỏ niềm vui trong chuyến thăm này, Tổng thống Putin khẳng định Việt Nam là một người bạn và đối tác đáng tin cậy của Nga, và quan hệ hai nước đã vượt qua thử thách của thời gian.
Theo ông Putin, quan hệ Việt - Nga được soi sáng bằng sự giúp đỡ, tin cậy lẫn nhau, và cho phép hai bên giải quyết những nhiệm vụ khó khăn. "Chuyến thăm lần này của chúng tôi sẽ là động lực thúc đẩy hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực song phương", Tổng thống Nga nói.
Trước đó tại cuộc gặp Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Putin cho biết hai bên đã thảo luận chi tiết về các lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng, trao đổi về những vấn đề khu vực và toàn cầu, chú trọng nhiều đến hợp tác kinh tế - thương mại.
Ông cũng khẳng định Nga rất xem trọng việc phát triển đối thoại với Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là thành viên hàng đầu. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh: "Việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam là một trong những ưu tiên của chúng tôi".
Trước đó, Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Putin đã chứng kiến lễ trao nhiều văn kiện hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm lần này. Hai bên nhất trí các định hướng, biện pháp lớn nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga.
Đường lối đối ngoại nhất quán của Việt Nam
Giới quan sát khu vực nhận định Việt Nam có vị trí địa chính trị quan trọng, có thể là "cầu nối" cho các chính sách "hướng đông" và "hướng nam" của nhiều nước.
Trên thực tế, chỉ trong một năm trở lại đây, Việt Nam đã chào đón nhiều lãnh đạo quốc tế như Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, và gần nhất là Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.
Đây đều là những quốc gia đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong chính sách khu vực. Nếu Trung Quốc là thị trường gần gũi, quan trọng và giàu truyền thống với ASEAN, Đức xem khu vực này là trọng tâm trong chính sách ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Hàn Quốc đã phát triển chính sách hướng nam mới từ thời tổng thống Moon Jae In, trước khi Tổng thống Yoon Suk Yeol công bố Sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc - ASEAN (KASI).
Về phần Mỹ, nước này cũng có nhiều chương trình trong khu vực, và thời gian qua nổi bật với "Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng" (IPEF) của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Khi Đông Nam Á trở thành thị trường sôi động, giàu tiềm năng, Việt Nam trở thành cửa ngõ cho những chính sách "hướng ASEAN" như vậy. Đây cũng là xu hướng phù hợp với chính sách hội nhập quốc tế mạnh mẽ của Việt Nam.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, giáo sư John Blaxland (Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc phòng, Đại học Quốc gia Úc) nhận định chuyến thăm của Tổng thống Putin cũng là tín hiệu cho thấy Nga vẫn duy trì tầm ảnh hưởng tại Đông Nam Á, và có thể cạnh tranh với các nước khác trong những ưu tiên chính sách đối ngoại và kinh tế.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế, Việt Nam nhất quán xem Nga là một trong các đối tác quan trọng hàng đầu.
Ông khẳng định mong muốn cùng Nga phát triển mối quan hệ hữu nghị, truyền thống lâu đời và hợp tác tốt đẹp được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp.
Trụ cột hợp tác kinh tế
Chủ tịch nước Tô Lâm cho biết hợp tác kinh tế là lĩnh vực trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai bên. Việt Nam và Nga nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả và sớm đàm phán, nâng cao Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu.
Hiện nay, khoảng cách và đặc điểm địa lý khiến một số thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam chưa tìm đến thị trường Nga như mong đợi. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế hai nước vẫn nhiều tiềm năng ở hai lĩnh vực gồm quân sự và năng lượng. Vừa qua, hai bên cũng thống nhất sớm nghiên cứu mở rộng hợp tác ở lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch, thúc đẩy hợp tác quốc phòng - an ninh...
Theo giáo sư John Blaxland, Việt Nam vẫn coi trọng những kết nối về công nghệ và quân sự với Nga, và việc duy trì mối quan hệ này sẽ giúp các kho dự trữ của Việt Nam có thể hoạt động tốt, sẵn sàng ứng phó với những hiểm họa an ninh truyền thống và phi truyền thống.
Thêm xung lực mới cho quan hệ Việt - Nga
Chuyến thăm thứ năm của Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khép lại vào tối 20-6, song lại mở ra những triển vọng hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn giữa hai Đối tác chiến lược toàn diện.
Trong khoảng thời gian chưa đầy 24 tiếng ở Hà Nội, Tổng thống Putin đã có một loạt cuộc gặp quan trọng và hiệu quả với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tại mỗi cuộc gặp, thông điệp chung được cả hai phía đưa ra là sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị, truyền thống từ lịch sử và tầm quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ hai nước. Đồng thời, lãnh đạo hai bên cũng đã trao đổi ý kiến sâu rộng, nhất trí về các phương hướng và biện pháp lớn nhằm tạo xung lực thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.
Tại cuộc hội đàm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Putin, hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau. Theo đó sẽ thúc đẩy các chuyến thăm, trao đổi ở các cấp trên các kênh đảng, nhà nước, quốc hội, tích cực phát triển hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư, khoa học, kỹ thuật và củng cố hợp tác quốc phòng - an ninh.
Còn tại cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng thống Putin nhất trí với đề nghị của Chủ tịch nước về việc Nga tăng cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam sang học tập, nghiên cứu. Hai bên thống nhất sẽ tạo điều kiện cho du lịch thông qua đàm phán, ký kết hiệp định về đơn giản hóa thủ tục thị thực cho công dân Việt Nam, cũng như thúc đẩy hợp tác lao động thông qua đàm phán, ký kết hiệp định về đào tạo nghề và lao động.
Tại cuộc hội kiến với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng thống Putin ủng hộ đề nghị của phía Việt Nam về việc sớm triển khai một số dự án quy mô lớn của Nga về hạ tầng cơ sở, đường sắt, đường tàu nội đô, tàu điện ngầm, năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của liên doanh Vietsovpetro cũng như các doanh nghiệp dầu khí Nga mở rộng vùng hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Cuộc hội kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Tổng thống Putin thì tập trung nhiều hơn vào hợp tác liên nghị viện giữa hai nước. Trong đó có việc Quốc hội Việt Nam ký lại thỏa thuận với Hội đồng liên bang và Duma quốc gia Nga trong năm nay, bổ sung thêm các hoạt động mới giữa cơ quan lập pháp hai nước.
Chuyến thăm khép lại bằng Tuyên bố chung Việt - Nga về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong đó khẳng định việc phát triển quan hệ Việt - Nga "không nhằm chống lại bất kỳ bên thứ ba nào khác", đồng thời đề cập đến những hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Tuyên bố chung cũng dành một trong bốn phần nội dung để nêu rõ quan điểm của hai bên trước một số vấn đề quốc tế và khu vực, các cơ chế hợp tác đa phương.
"Tổng thống Vladimir Putin mời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lãnh đạo cấp cao Việt Nam sang thăm Nga vào thời điểm thích hợp. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã vui vẻ nhận lời", tuyên bố kết thúc.
PGS.TS Hoàng Văn Việt: Việt - Nga, mối quan hệ kiểu mẫu hiếm có
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Văn Việt, nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á, cho rằng quan hệ song phương Việt - Nga là mối quan hệ kiểu mẫu hiếm có trong thế giới đầy biến động.
Nhận định về chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Việt cho rằng đây là chuyến thăm đánh dấu kỷ niệm 30 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ hữu nghị Việt - Nga (16-6-1994 - 16-6-2024).
"Sự kiện Tổng thống Putin đến Việt Nam có thể được xem là chuyến thăm mang tính biểu tượng, nhằm điểm lại những thành tựu mà hai nước đã làm được trong ba thập niên qua, đồng thời "hâm nóng" mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc", ông Việt nói.
Ông Việt nhấn mạnh Việt Nam luôn nhất quán với phương châm đối ngoại toàn diện, hiện đại, mang bản sắc dân tộc. Đây là tiêu chí ngoại giao được đặt lên hàng đầu và càng thể hiện rõ nét hơn qua chuyến thăm mới nhất của Tổng thống Putin. Việt Nam đã tiếp đón hàng loạt lãnh đạo thế giới đến với dải đất hình chữ S chỉ trong chưa đầy một năm qua.
Với 14 năm học tập và sinh sống tại xứ sở bạch dương, ông Việt đánh giá quan hệ Việt - Nga là mối quan hệ kiểu mẫu tương đối ổn định cho dù tình hình thế giới đã thay đổi nhiều theo thời gian. "Quan hệ song phương Việt - Nga và giữa nhân dân hai nước là mối quan hệ truyền thống tốt đẹp. Cả Nga và Việt Nam đều hướng đến sự đồng cảm và chia sẻ để cùng phát triển", ông Việt nói.
Tuy nhiên Việt Nam sẽ phải đối mặt với một trong những thách thức lớn là làm sao giữ vững lập trường trung lập và tự chủ trong một thế giới luôn biến đổi không ngừng.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Hoàng Văn Việt đề xuất Việt Nam cần điều chỉnh chính sách ngoại giao sao cho phù hợp với trật tự thế giới ngày nay, cụ thể hơn là đảm bảo cân bằng và dung hòa lợi ích giữa các chủ thể trong cấu trúc quan hệ quốc tế, nhằm đem lại ổn định, hòa bình và thịnh vượng cho khu vực và thế giới.
Việt Nam cũng cần củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nói cách khác, ông Việt nhấn mạnh nếu muốn bảo vệ các nguyên tắc ngoại giao cốt lõi, Việt Nam phải có chỗ đứng và tiềm lực của riêng mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận