TTCT - Cuộc gặp thượng đỉnh Ấn Độ - Nhật Bản thường niên lần thứ 12 tuần qua diễn ra trong bối cảnh Ấn Độ vừa căng thẳng ở biên giới, còn Nhật Bản loay hoay trong cuộc khủng hoảng Triều Tiên đang lên tới tột độ. Ông Abe (trái) rạng rỡ trong bộ quốc phục Ấn Độ bên cạnh chủ nhà Modi trước bức tranh nhà tranh đấu vĩ đại cho độc lập của Ấn Độ Mohandas Gandhi ở thành phố Ahmedabad, quê nhà của ông Modi. -Ảnh: Kyodo News Vì vậy, hai bên đều đã tỏ ra rất thận trọng, dẫu bên cạnh vẫn là những nồng nàn quan hệ cá nhân. Trước cuộc gặp thượng đỉnh này với Nhật, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (hôm 5-9) bên lề hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc của các nền kinh tế mới nổi (BRICS) tại thành phố Hạ Môn, đông nam Trung Quốc, vào thời điểm ngay sau vụ tranh chấp biên giới căng thẳng tại Bhutan, một đồng minh lâu đời của Ấn Độ. Hai bên chỉ lùi bước một tuần trước thượng đỉnh BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, và Nam Phi) để tránh nguy cơ đổ vỡ hội nghị. Về phần mình, Tokyo đang ở trong cao điểm cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa Triều Tiên (xem thêm hồ sơ trang 28-29 trong số này). Từ quan hệ cá nhân đến quan hệ quốc gia Việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và phu nhân lần này đến và rời Ấn Độ từ thành phố Ahmedabad, bang Gujarat, quê nhà của Thủ tướng Modi, chứ không phải thủ đô New Delhi, được xem là dấu hiệu cho tình bạn thân thiết gắn bó giữa hai nhà lãnh đạo được vun đắp từ thời ông Modi còn là thủ hiến bang này. Việc ông Modi mời ông Abe ghé thăm quê nhà ngay trước sinh nhật thứ 67 của ông Modi được AFP gọi là sách lược “ngoại giao sinh nhật” (birthday diplomacy) của nhà lãnh đạo cánh hữu này. Bộ quốc phục Ấn Độ mà ông Abe và phu nhân mặc được may bởi tiệm may quen thuộc của ông Modi, cũng ở Ahmedabad. Trong cuộc đón tiếp, Thủ tướng Modi gọi Thủ tướng Abe là “param, ananyay mitra” (bạn thân) và nói rằng “Một người bạn tốt thì vượt qua những ranh giới của thời gian và không gian, và nước Nhật hôm nay đã cho thấy điều đó”. Ông Modi còn cho biết Thủ tướng Abe đã đồng ý cho vay 880.000 triệu rupee (13,7 tỉ USD) để Ấn Độ làm đường sắt cao tốc. Khoản vay này có thời hạn tới 50 năm với lãi suất cơ bản chỉ là 0,1%, theo First Post ngày 15-9. Nhưng còn có thể nhìn lại chuyến thăm Ahmedabad của ông Abe từ một góc khác. Đây không phải là lần đầu ông Abe đến thăm đất nước đông 1,3 tỉ dân sát cạnh Trung Quốc này, mà đã là lần thứ tư. Năm 2006, ông Abe, trong nhiệm kỳ thủ tướng đầu tiên, thăm Ấn Độ và thỏa thuận nâng quan hệ hai nước thành “Quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược”, cùng tổ chức hội nghị thượng đỉnh hằng năm. Lần đó, ông Abe cũng nhất trí cộng tác với Ấn trong dự án “Hành lang công nghiệp Delhi - Mumbai” trị giá 90 tỉ USD. Năm 2014, ông Abe, trong nhiệm kỳ thủ tướng thứ hai, được mời dự lễ duyệt binh nhân ngày lễ Cộng hòa với tư cách thượng khách đệ nhất. Cũng năm đó, tân Thủ tướng Modi sang thăm Nhật Bản, ký kết nâng quan hệ hai nước lên tầm “Quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện đặc biệt”, Thủ tướng Abe công bố gói đầu tư của chính phủ và tư nhân Nhật trị giá 33 tỉ USD và hứa sẽ tăng gấp đôi số công ty Nhật Bản tại Ấn Độ trong vòng 5 năm. Năm 2015, ông Abe sang dự thượng đỉnh lần thứ 10 và loan báo một hỗ trợ tài chính đặc biệt lên đến 12 tỉ USD. Năm 2016, đến lượt ông Modi sang Nhật họp thượng đỉnh, hai bên ký hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự, mới vừa đi vào hiệu lực. Năm nay, ông Abe sang Ấn Độ với một gói viện trợ và tín dụng ưu đãi khổng lồ nữa, mà “cái đinh” là việc khởi công tuyến đường sắt tốc độ 350 km/h nối Ahmedabad với Mumbai, dài 508km. Hạt nhân: Từ trừng phạt đến hợp tác Nếu nhớ lại rằng năm 1998, Nhật Bản, nước duy nhất từng chịu đựng thảm họa vũ khí hạt nhân, đã giận dữ trừng phạt Ấn Độ sau khi nước này thử hạt nhân, thì sẽ thấy ý nghĩa của quan hệ hữu nghị Nhật - Ấn đã thay đổi nhiều đến đâu. Hai năm sau đấy, Tokyo và Delhi ký kết khởi động “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21” nhân chuyến thăm Ấn Độ của thủ tướng Nhật Bản lúc bấy giờ là Yoshiro Mori. Quá khứ chưa xa đó càng cho thấy ý nghĩa quan trọng của hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự vừa đi vào hiệu lực. Năm 1998 đó, Ấn Độ đã tiến hành thử vũ khí hạt nhân bất chấp những cảnh báo và lệnh trừng phạt từ Mỹ và các đồng minh, bao gồm Nhật Bản. Tokyo đã đóng băng các khoản viện trợ không hoàn lại cho Ấn Độ và cắt các chương trình cho vay. Đáp lại, thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee tuyên bố các lệnh trừng phạt là một phần của cái giá mà Ấn Độ phải trả để đảm bảo an ninh quốc gia. Ấn Độ bắt đầu chương trình hạt nhân vũ trang vào năm 1967 (sau các vụ thử của Trung Quốc vào năm 1964) và thử hạt nhân lần đầu vào năm 1974, trở thành nước thứ sáu có vũ khí hạt nhân. Hai năm sau, quá trình hàn gắn quan hệ Ấn - Nhật khởi phát với việc thủ tướng Mori sang thăm Ấn Độ. Trong khi đó, Ấn Độ, sau khi đã hoàn tất kế hoạch làm chủ kỹ thuật vũ khí hạt nhân qua loạt thử năm 1998, tập trung vào lĩnh vực hạt nhân dân sự, để rồi được Mỹ tin tưởng ký kết thỏa thuận hợp tác hạt nhân vào tháng 3-2006, khi tổng thống George W. Bush ký với thủ tướng Manmohan Singh thỏa thuận chia sẻ công nghệ và nhiên liệu hạt nhân. Đổi lại, Ấn Độ, tuy vẫn không tham gia Hiệp ước chống phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), phải cho thanh sát các cơ sở hạt nhân của mình. Ấn Độ trở thành một “điển hình tiên tiến” cho việc biến một nước sở hữu vũ khí hạt nhân hay có năng lực sở hữu thành một nước “kiểm soát” được. Thỏa thuận này sẽ làm khuôn mẫu cho thỏa thuận Mỹ - Iran năm 2015 dưới trào tổng thống Barack Obama. Thỏa thuận với Mỹ còn mở đường cho việc Nhật Bản hợp tác với Ấn Độ trong lĩnh vực hạt nhân dân sự. Tháng 12-2015, trong chuyến thăm New Delhi, Thủ tướng Abe đã thỏa thuận trên nguyên tắc một hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự. Về phía Nhật Bản, đây sẽ là “giấy phép” cho việc xuất khẩu kỹ thuật nhà máy điện hạt nhân sang Ấn Độ, đặc biệt trong điều kiện Ấn Độ không tham gia NPT. Đây là một vấn đề khiến dư luận Nhật Bản rất quan ngại. Tờ The Japan Times 16-12-2015 đăng bài xã luận đặt câu hỏi: “Nhật Bản từng từ chối ký kết hiệp ước hợp tác hạt nhân dân sự với các nước nằm ngoài NPT. Thỏa thuận với Ấn Độ, một cường quốc vũ khí hạt nhân trên thực tế, đồng nghĩa Tokyo chấp nhận việc một quốc gia không tham gia NPT sở hữu vũ khí hạt nhân, thể hiện một sự thay đổi lớn trong chính sách hạt nhân của Nhật Bản. Điều này có thể ảnh hưởng đến vị thế của Nhật Bản khi kêu gọi Bắc Triều Tiên, một nước đã ra khỏi NPT, chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của họ. Hiệp ước có thể khiến Ấn Độ giảm động lực tham gia NPT... Trong khi nghiên cứu thêm chi tiết thỏa thuận, chính phủ cần đảm bảo một cơ chế rõ ràng nhằm ngăn chặn việc Ấn Độ sử dụng công nghệ do Nhật Bản cung cấp để tăng cường năng lực vũ khí hạt nhân. Đây là nghĩa vụ của Nhật Bản, nước duy nhất trong lịch sử bị tấn công hạt nhân”. Tuy nhiên trong thỏa thuận đó, nếu như Ấn Độ với Nhật Bản là ngoại lệ, thì Nhật Bản với Ấn Độ lại không phải. Đã có một loạt nước ký hợp tác hạt nhân với Ấn Độ trước đấy: Pháp, Nga, Mông Cổ, Namibia, Argentina, Anh, Canada, Kazakhstan và Hàn Quốc. Đơn giản Ấn Độ là một thị trường năng lượng hạt nhân khổng lồ và có mức độ đáng tin nhất định, đủ để Nhóm các nước cung cấp hạt nhân (NSG) gồm Mỹ, Nga, Đức, Pháp, Anh, Canada và Nhật Bản, tháo gỡ lệnh cấm hợp tác hạt nhân với Ấn Độ vào năm 2008. Hiện giờ, trong khi Ấn Độ đã có 21 nhà máy điện hạt nhân, họ vẫn còn 30 cái khác trong quy hoạch, một thị trường quá lớn, không thể phớt lờ với bất cứ nhà cung cấp nào. Nga thậm chí còn giúp Ấn Độ thiết kế một nhà máy hạt nhân dành riêng cho chế tạo tàu ngầm hạt nhân! Cân bằng quan hệ Bài xã luận của The Japan Times nói trên còn khuyến cáo Chính phủ Nhật Bản về quan hệ với Ấn Độ: “New Delhi linh động hơn (Tokyo) trong cách tiếp cận với Bắc Kinh. Ấn Độ là một thành viên sáng lập của Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc chủ xướng, mà Nhật Bản và Mỹ đã chọn đứng ngoài. Ông Abe nên ý thức rằng việc xây dựng các quan hệ hữu nghị với cả Trung Quốc và Ấn Độ là một cách cân bằng đóng góp vào việc tăng cường lợi ích của Nhật Bản”. Tất nhiên, bài báo trên là vào tháng 12-2015, khi tình hình ít nhiều khác với lúc này. Sự thay đổi có thể thấy qua các thông cáo chung của những thượng đỉnh từng năm, nhất là khi đề cập tới an ninh hàng hải ở khu vực và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) (dù năm nay do tình hình Triều Tiên đang nóng, thông cáo chung đã không đề cập vấn đề này). Trong tất cả các năm 2013 tới 2016, cả hai nước đều nhắc đi nhắc lại nhu cầu “tôn trọng tự do đi lại trên biển và trên không, thương mại hợp pháp không bị cản trở, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế”, với lời lẽ ngày càng khẩn thiết. Năm nay, dù thông cáo chung không nhắc chuyện này nữa, báo chí cả hai nước vẫn không quên. Về phía Nhật Bản, tờ Yomiuri Shimbun 17-9 nhắc nhở: “Hợp tác an ninh hàng hải có thể làm sâu sắc thêm mối quan hệ chiến lược Nhật Bản - Ấn Độ”. Về phía Ấn Độ, cựu đại sứ Ấn Độ tại Nhật Bản Hemant Krishan Singh nhận xét qua một bài báo trên tờ The Economic Times 15-8 rằng “Nhật Bản và Ấn Độ đã bỏ lỡ cơ hội “nắm” được Trung Quốc như thế nào?”. Theo tác giả, “hội nghị thượng đỉnh đã được tổ chức chống lại các yêu sách “lịch sử” của Trung Quốc, những khẳng định đơn phương cùng sự bành trướng quân sự đã gây bất ổn cho châu Á. Không ai biết điều này rõ hơn Ấn Độ và Nhật Bản. Trong bối cảnh không chắc chắn về cam kết của Mỹ với châu Á như là một cường quốc tại chỗ từ lâu đời, cả Modi lẫn Abe đều đầu tư vào mối quan hệ của riêng mình với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump... Tuy nhiên, rõ ràng là hướng về phía trước, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ cần đóng góp nhiều hơn cho sự cân bằng và tính đa cực ổn định ở châu Á. Chỉ có sự kết hợp sức nặng chiến lược, tăng trưởng kinh tế và sức mạnh quân sự đáng tin cậy của hai nước mới có thể giúp kiểm soát hành vi của Trung Quốc và thúc đẩy một trật tự dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong bối cảnh đó, đáng thất vọng là hội nghị thượng đỉnh đã không đạt được tiến bộ đáng kể nào”. Sự thận trọng là cần thiết ngay trước thềm khóa họp cấp cao thường niên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong bối cảnh nhiễu nhương của tình hình thế giới: tên lửa và bom hạt nhân Triều Tiên giờ đã là một đe dọa hiển hiện, “chiến tranh lạnh tập 2” giữa Nga và Mỹ..., nhưng nhất thiết không được quên những gì đang diễn ra trên biển.■ Tags: Ấn ĐộNhật BảnQuan hệ Ấn Nhật
Bầu cử Mỹ: Hòa ở điểm bỏ phiếu đầu tiên, ông Trump tiếp tục vận động xuyên đêm NGỌC ĐỨC 05/11/2024 Đúng 0h ngày 5-11 (giờ địa phương), người dân Dixville Notch (bang New Hampshire) bỏ những lá phiếu đầu tiên trong ngày bầu cử Mỹ năm 2024.
TP.HCM đề xuất giữ lại ít nhất 21% ngân sách sau 2025 THẢO LÊ 05/11/2024 Việc giữ lại 21% ngân sách để TP.HCM có nguồn lực bổ sung cho các nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược, đầu tư hạ tầng trọng điểm và nâng cao phúc lợi của người dân, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức.
Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy 'giải oan' cho bệnh nhân mắc Wilson bị chẩn đoán nhầm tâm thần nhiều năm THU HIẾN 05/11/2024 Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy vừa 'giải oan' cho một bệnh nhân nữ mắc bệnh Wilson hiếm gặp nhưng bị chẩn đoán nhầm thành tâm thần phân liệt nhiều năm.
Cha mẹ giao xe máy cho con đừng vì 'con người ta có thì con mình cũng có' LÊ TẤN THỜI 05/11/2024 Phụ huynh nên cân nhắc khi giao xe máy cho con vì đó là sự an toàn, là tính mạng của con em mình.