21/03/2021 06:26 GMT+7

Quân đội Thái Lan bị tố tuồn gạo cho quân đội Myanmar

NGUYÊN HẠNH
NGUYÊN HẠNH

TTO - Quân đội Thái Lan đã bác bỏ thông tin cung cấp gạo cho một số đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Myanmar, đồng thời cho biết bất cứ việc buôn bán lương thực nào giữa hai nước đều là hoạt động thương mại bình thường.

Quân đội Thái Lan bị tố tuồn gạo cho quân đội Myanmar - Ảnh 1.

Lính đặc nhiệm Thái Lan tuần tra khu vực dọc biên giới với Myanmar - Ảnh: REUTERS

Trước đó, truyền thông Thái Lan đã dẫn lời nguồn tin quan chức không nêu tên, cho biết quân đội nước này đã cung cấp 700 bao gạo cho các đơn vị thuộc quân đội Myanmar theo lệnh của Bangkok.

“Quân đội Thái Lan không cung cấp cho quân đội Myanmar. Quân đội Myanmar cũng chưa liên hệ yêu cầu chúng tôi giúp đỡ hay hỗ trợ vì họ có tự trọng của mình” - thiếu tướng Amnat Srimak, chỉ huy Lực lượng vũ trang Hoàng gia Thái Lan, tuyên bố.

Cũng theo ông Amnat, nếu thật sự có giao thương diễn ra, điều đó chỉ là “hoạt động thương mại bình thường xuyên biên giới”.

“Chúng tôi không chặn việc buôn bán nếu hoạt động đó không vi phạm luật và tuân thủ quy trình hải quan”, ông Amnat nói thêm.

Theo Hãng tin Reuters, truyền thông Thái Lan đưa tin tổ chức vũ trang chống chính phủ của người dân tộc thiểu số Karen ở Myanmar, Karen National Union (KNU), đã chặn đứng hỗ trợ lương thực dành cho các đơn vị quân sự Myanmar tại biên giới.

KNU đã đứng về phía phong trào biểu tình và chỉ trích quân đội Myanmar sau những diễn biến trong thời gian qua.

Quân đội Thái Lan bị tố tuồn gạo cho quân đội Myanmar - Ảnh 2.

Một trong những hình ảnh được cho là ghi lại việc quân đội Thái Lan cung cấp gạo cho quân đội Myanmar do truyền thông Thái đăng tải - Ảnh: THE REPORTER

Hình ảnh về những bao gạo được chất lên xe hàng tại biên giới hai nước cũng được tung ra. Trong đó, các tấm hình ghi lại nhiều người đàn ông, một số mặc đồng phục rằn ri, vượt biên giới qua Thái Lan và được đo thân nhiệt.

Các hoạt động giữa Thái Lan và Myanmar đã bị giới hạn nghiêm ngặt kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát và giao thương cũng bị giới hạn.

Theo Hãng tin Reuters, người dân cho biết hoạt động được ghi lại trong các tấm hình không phải là một tuyến giao thương thông thường.

Quân đội Myanmar đang hứng chịu sự chỉ trích của các quốc gia phương Tây sau chính biến ngày 1-2 và các động thái trấn áp biểu tình của lực lượng an ninh nước này.

Gần 250 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình tại Myanmar. Thái Lan từng bày tỏ quan ngại về điều này.

Reuters nhận định việc Thái Lan hỗ trợ trực tiếp quân đội Myanmar có thể khơi dậy làn sóng chỉ trích từ người ủng hộ chính quyền dân sự Myanmar.

Các lãnh đạo chính quyền dân sự Myanmar, bao gồm nữ lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đã bị bắt giữ kể từ sau khi quân đội giành lại quyền lực. Chính quyền quân sự Myanmar cho biết việc làm này của họ là phản ứng đối với các nghi vấn về gian lận bầu cử tại quốc gia này hồi năm 2020.

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật lên án cuộc đảo chính ở Myanmar Hạ viện Mỹ thông qua dự luật lên án cuộc đảo chính ở Myanmar

TTO - Dự luật được thông qua với tỉ lệ ủng hộ áp đảo 398 phiếu thuận, với số phiếu của tất cả nghị sĩ Dân chủ nhưng có đến 14 phiếu chống từ các nghị sĩ Cộng hòa.

NGUYÊN HẠNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên