24/12/2011 08:24 GMT+7

Quân đội Pakistan sẽ đảo chính?

VIỆT PHƯƠNG
VIỆT PHƯƠNG

TT - Bất đồng giữa chính phủ dân sự và quân đội Pakistan đang trở nên căng thẳng đến mức thủ tướng nước này phải lên tiếng cảnh báo về một âm mưu đảo chính.

V50yhY8h.jpgPhóng to

Quân đội Pakistan sẽ lại đảo chính? - Ảnh: AFP

Thủ tướng Pakistan Yousuf Raza Gilani ngày 22-12 đã tố cáo đang có “những âm mưu” lật đổ chính phủ của ông. “Không thể có một quốc gia trong một quốc gia. Người dân sẽ quyết định việc họ sẽ bầu ra một người hay chọn chế độ độc tài” - ông tuyên bố. Dù ông Gilani không nói trực tiếp nhưng người ta đều hiểu ông ám chỉ quân đội. Tại Pakistan, quân đội và cơ quan tình báo được coi là lực lượng chi phối quyền lực, điều mà người ta gọi là “một quốc gia trong một quốc gia”.

Ông Gilani, một người được mô tả thường ăn nói mềm mỏng, giờ công khai tuyên bố có âm mưu chống lại chính phủ dân sự đủ cho thấy sự căng thẳng. Ông nói chính phủ đã nhiều lần kề vai sát cánh với quân đội trong những cuộc khủng hoảng, kể cả trong vụ Osama Bin Laden bị Mỹ tiêu diệt ngay trong lòng nước này, vậy mà giờ đây các tướng lĩnh lại trở mặt.

Tuyên bố của ông Gilani như càng củng cố thêm các tin đồn rộ lên gần đây về việc quân đội đang âm mưu đảo chính. Giới truyền thông mô tả những lời chỉ trích của ông Gilani là một sự tấn công chưa từng có tiền lệ của một lãnh đạo dân cử đối với giới quân sự và thẳng thừng đem vấn đề ra bàn luận công khai. Tuy nhiên, quân đội đã lên tiếng bác bỏ âm mưu đảo chính này khi nhấn mạnh đó chỉ là thông tin sai lệch và cam kết ủng hộ nền dân chủ. Ngày 23-12, Tòa án tối cao Pakistan đã lên tiếng bác bỏ khả năng đảo chính của quân đội.

Quân đội bị bẽ mặt

Căng thẳng chính trị lần này được cho là xuất phát từ một bức thư ngoại giao bị rò rỉ. Trong thư, Chính phủ Pakistan nhờ Mỹ can thiệp để ngăn chặn một cuộc đảo chính có thể xảy ra. Tổng tư lệnh lục quân Ashfaq Kayani đã yêu cầu chính phủ mở cuộc điều tra xem ai đứng sau vụ thư tín ngoại giao này. Một bài báo trên tờ Financial Times vào tháng 10 đã tiết lộ đại sứ Pakistan tại Mỹ Husain Haqqani là người viết bức thư này cho Lầu Năm Góc, chỉ vài ngày sau khi quân Mỹ tiêu diệt được trùm khủng bố Osama Bin Laden hồi tháng 5. Chính phủ Pakistan và ông Haqqani bác bỏ họ có liên quan vụ việc này nhưng sau đó trước nhiều sức ép, đại sứ Haqqani đã phải từ chức. Trong khi đó, tòa án tối cao đã mở phiên điều trần về vụ việc và yêu cầu tổng thống trả lời.

Vụ việc được coi là “sự xâm phạm chủ quyền” này khiến quân đội và tình báo Pakistan, xưa nay vốn bị nghi ngờ có mối liên hệ với các nhóm phiến quân, bị một phen bẽ mặt bởi Bin Laden bị phát hiện ở một thị trấn ngay gần thủ đô Islamabad. Thủ tướng Gilani đặt câu hỏi Bin Laden đã có được loại visa đặc biệt nào để có thể sống tại Pakistan trong vòng sáu năm mà lực lượng an ninh không hề hay biết. Theo New York Times, động thái của ông Gilani được xem là nhằm trực tiếp vào người đứng đầu Cơ quan Tình báo Pakistan (ISI) - tướng Ahmad Shuja Pasha. Đầu tuần này, một lá đơn đã được đệ lên tòa án tối cao yêu cầu cách chức tướng Pasha.

Nhiều cách hạ bệ một tổng thống

Tuy nhiên, kể từ sau vụ NATO tấn công nhầm làm 24 binh sĩ Pakistan thiệt mạng, quân đội có thêm sự ủng hộ trong khi Chính phủ Pakistan càng gặp khó trong việc bảo vệ chính sách hợp tác với Mỹ. Vụ bê bối thư tín ngoại giao giúp củng cố hình ảnh của quân đội trong khi khiến Tổng thống Asif Ali Zardari bị mất uy tín hơn bao giờ hết kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2008. Đây có thể là điểm yếu khiến ông Zardari bị ép từ chức. Tổng thống Zardari, vốn có mối quan hệ thân thiết với ông Haqqani, đang phải đối mặt với nhiều vấn đề trong nước như tình trạng cúp điện, đánh bom liều chết và nền kinh tế yếu kém. Chính phủ Pakistan phải dựa nhiều vào nguồn tài chính nước ngoài.

Reuters dẫn các nguồn tin quân sự nói quân đội nước này muốn hất cẳng Tổng thống Zardari nhưng thông qua con đường pháp lý, không muốn lặp lại một cuộc đảo chính. Các nhà phân tích cho rằng phe quân sự vẫn còn vô vàn cách hạ bệ ông Zardari. Từ năm 1947 đến nay, Pakistan đã trải qua ba cuộc đảo chính. “Mối bất hòa giữa quân đội và chính phủ đã căng thẳng đến mức độ nguy hiểm” - Dawn, một trong những tờ báo uy tín hàng đầu của Pakistan, nhận định.

Dù vị trí của ông Zardari chỉ mang tính hình thức nhưng ông có ảnh hưởng trong đảng cầm quyền, nên việc ép ông rời ghế có thể sẽ là một sự xúc phạm đối với giới lãnh đạo dân sự. Điều này có thể kéo đất nước Pakistan vào bất ổn.

Cuộc bầu cử quốc hội tiếp theo ở Pakistan sẽ diễn ra vào năm 2013 và một số đảng đối lập đang đòi bầu cử sớm. Tổng thống sẽ do các nhà lập pháp bầu ra. Ông Zardari chính là chồng của cố thủ tướng Benazir Bhutto, người bị ám sát năm 2007. Đến nay, chưa có lãnh đạo dân sự nào của Pakistan hoàn thành trọn vẹn nhiệm kỳ của mình.

VIỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên