Lực lượng vũ trang quận Bình Tân (TP.HCM) đưa tro cốt người mất vì COVID-19 về với gia đình - Ảnh: TỰ TRUNG
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về nghĩa cử này, thượng tá Nguyễn Thanh Phong - chủ nhiệm chính trị, Bộ tư lệnh TP.HCM - cho biết khi số ca tử vong do COVID-19 ở TP.HCM có dấu hiệu tăng, các nhà đòn dần quá tải, Bộ tư lệnh TP đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Thành ủy TP và xin ý kiến của Quân khu 7 để gánh vác thêm phần lo hậu sự cho người mất.
Đây là nghĩa cử thiêng liêng của người chiến sĩ với nhân dân, san sẻ phần nào nỗi đau người dân đang trải qua.
Thượng tá Nguyễn Thanh Phong
Quân đội lo hậu sự cho người dân như người ruột thịt
* Khi Bộ tư lệnh TP.HCM đảm nhận việc hậu sự cho người tử vong vì COVID-19 có gì khác khi bộ đội chưa tham gia?
- Quân khu 7 và TP đồng ý cho Bộ tư lệnh TP thực hiện nhiệm vụ này từ ngày 10-8 đến nay. Từ khi đảm nhận, chúng tôi mới biết rõ nhiều người mất vì COVID-19 có hoàn cảnh éo le. Có gia đình có người mất nhưng toàn bộ thành viên còn lại đi điều trị hoặc phải cách ly tập trung không thể lo hậu sự chu đáo.
Trước đây khi bộ đội chưa đảm nhận, các bệnh viện thường hợp đồng với các nhà đòn để lo hậu sự cho người mất. Nhưng do phải lo cho nhiều người mất nên việc hậu sự có lúc không được trang nghiêm, chu toàn. Chúng tôi thấy xót xa, đau lòng trước những gì mình chứng kiến nên xin tham gia và coi đây là nhiệm vụ thiêng liêng.
* Bộ đội sẽ tiếp nhận và lo hậu sự cho người mất vì COVID-19 như thế nào, thưa ông?
- Ngay từ khi Bộ tư lệnh nhận nhiệm vụ, khi có ca mất, y tế địa phương sẽ đến xét nghiệm nguyên nhân mất có phải do COVID-19 hay không. Nếu đúng mất vì mắc COVID-19, họ sẽ liên hệ quận huyện đội tiếp nhận và lo chu toàn mọi khâu cho người mất.
Quy trình lo hậu sự cho người mất cũng được làm cẩn thận, an toàn. Sau khi y tế phun khử khuẩn, anh em quân sự vào thực hiện các thao tác theo quy định, đưa thi thể của người mất về bàn giao cho tổ tiếp nhận của Bộ tư lệnh TP để lưu giữ, bảo quản và tổ chức hỏa táng.
Nếu chưa thể hỏa táng ngay thì sẽ lưu giữ, bảo quản lại đợi sắp xếp lịch hỏa táng. Việc này đã được lên kế hoạch cụ thể, quy trình xử lý bài bản và phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường TP thống nhất thực hiện.
Đây là việc xuất phát từ mệnh lệnh trái tim, không vì lợi danh, hay bất kỳ điều kiện kinh tế nào và không thu tiền gì từ người dân. Bất kỳ người nào mất cũng được bộ đội chăm lo hậu sự chu toàn như người thân của mình. Nơi lưu giữ cũng sẽ được lo hương khói đầy đủ, ấm áp cho người mất.
Bộ tư lệnh đã thành lập 7 đội công tác đặc biệt, 1 đội tiếp nhận vận chuyển bàn giao tro cốt, còn 6 đội tiếp nhận người mất từ các quận huyện và bệnh viện chuyển ra. Tại quận huyện cũng có các đội gồm 15 người từ ban chỉ huy quân sự quận huyện tiếp nhận các ca mất từ các bệnh viện tuyến quận huyện, bệnh viện tư nhân và cộng đồng.
Lực lượng vũ trang quận 3, TP.HCM đưa tro cốt người mất vì COVID-19 về với gia đình - Ảnh: TỰ TRUNG
Công bố đường dây nóng hỗ trợ dân
* Trước tình hình các ca tử vong tại TP.HCM đều trên 200 ca/ngày, Bộ tư lệnh có tham mưu TP.HCM về việc mở luồng nhờ các tỉnh hỗ trợ hay tự trang bị thêm các lò hỏa táng để giảm tải áp lực cho trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa nhằm giảm bớt việc phải chờ hỏa táng?
- Chúng tôi cũng có kế hoạch phối hợp với các tỉnh. Còn tại TP, chúng tôi đã bố trí sắp xếp phân luồng tại trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để việc hỏa táng tại đây trật tự trang nghiêm. Bộ tư lệnh cũng chỉ đạo Ban chỉ huy quân sự quận Bình Tân lo cơm ăn nước uống cho tài xế các nhà đòn đưa người mất tới hỏa táng trong thời gian chờ đợi.
Đối với trung tâm này, chúng tôi cũng sẵn sàng hỗ trợ họ đi mua trang thiết bị để sửa chữa khắc phục các sự cố khi cần. Ngoài ra Bộ Quốc phòng cũng đang nghiên cứu lắp thêm các lò hỏa táng ở các cơ sở hỏa táng trên địa bàn TP để giảm tải cho trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Việc này vẫn đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm.
Với trường hợp 46 thi thể được vận chuyển về Bến Tre trong đó có 41 ca dương tính COVID-19 vừa qua, Bộ tư lệnh vẫn đang phối hợp với công an xác minh và xử lý theo quy định pháp luật.
* Khi người dân có người mất vì COVID-19 cần sự hỗ trợ thì có thể gọi cho ai?
- Bộ tư lệnh TP.HCM sẽ công bố đường dây nóng hỗ trợ người dân. Đường dây nóng này không chỉ để tiếp nhận các ca mất vì COVID-19 mà còn để chăm lo cho dân, để dân yên tâm ở tại chỗ.
Vừa rồi có người dân cầu cứu trên mạng xã hội, bây giờ thông qua đường dây nóng này người dân cứ gọi, nhắn tin đến để bộ đội nắm bắt, xác minh hỗ trợ bà con kịp thời.
Đường dây nóng có 4 tổ, người dân có thể nhắn tin và gọi trực tiếp vì luôn luôn có lực lượng trực tiếp nhận, xử lý thông tin, bảo đảm xử lý kịp thời. Nếu chưa kịp tới, cũng sẽ hẹn người dân thời gian cụ thể để họ yên tâm.
Ở 22 quận huyện và TP Thủ Đức cũng có lực lượng sẵn sàng tiếp nhận thông tin để xử lý kịp thời.
Rớt nước mắt
* Khi tham gia tiếp nhận, lo hậu sự cho người mất vì COVID-19, quân đội có gặp khó khăn gì đặc biệt hay không?
- Khó khăn tất nhiên là có. Trước hết đây là nhiệm vụ mới, từ chỉ huy cho đến chiến sĩ đều lần đầu tiên tiếp xúc, anh em được tập huấn, bồi dưỡng nhanh rồi vào thực hiện nhiệm vụ. Khi làm thực tiễn dạy nhau, cấp trên bồi dưỡng cho cấp dưới.
Chúng tôi luôn theo dõi anh em khi thực hiện công việc, và kiểm tra, nhắc nhở, chấn chỉnh, chuẩn bị chu đáo trước khi làm nhiệm vụ, không để dịch bệnh lây lan.
Khi tiếp nhận người mất, để thực hiện chu toàn các bước làm rất khó, nhìn anh em lao vào công việc trong điều kiện khó khăn, nguy hiểm, môi trường khắc nghiệt mà rơi nước mắt. Do trang bị còn hạn chế, sơ sài nên có nguy cơ mắc bệnh.
Tuy nhiên anh em chiến sĩ vẫn làm quyết tâm, không quản khó khăn, sợ hy sinh, lo cho đồng bào mình chu đáo. Anh em cũng động viên gia đình mình yên tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận