Cảnh sát giao thông TP Vinh xuất trình thẻ ngành đề nghị kiểm tra người vi phạm giao thông - Ảnh: P.THẢO
Ngày 30-7, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, cho rằng việc Công an TP Vinh lập tổ tuần tra cải trang, cho phép cảnh sát giao thông mặc thường phục kết hợp lực lượng tuần tra công khai mặc sắc phục đi kiểm tra, xử lý vi phạm là phù hợp theo thông tư 01/2016 của Bộ Công an.
Đại diện Cục CSGT: phù hợp thông tư 01/2016
"Tuy nhiên việc cảnh sát giao thông cải trang mặc thường phục tuần tra kiểm soát phải được thực hiện theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cụ thể trong trường hợp ở TP Vinh, kế hoạch phải được công an tỉnh Nghệ An phê duyệt. Nội dung kế hoạch phải nêu rõ phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát", đại diện Cục Cảnh sát giao thông nói.
Đại diện Cục Cảnh sát giao thông phân tích thêm, trong thông tư 01 đã quy định rất rõ điều kiện để thực hiện tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với cải trang.
Cảnh sát giao thông các địa phương khi thực hiện cần tránh lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với cải trang để sách nhiễu, gây phiền hà…
Thượng tá Hoàng Duy Hà, phó trưởng Công an TP Vinh, trả lời việc CSGT hóa trang bắt người vi phạm - Video: DOÃN HÒA
Luật sư: Chưa đúng với thông tư 01/2016
Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng việc này chưa đúng với thông tư 01/2016.
Luật sư Chánh cho rằng căn cứ theo Điều 9 Thông tư 01/2016 của Bộ Công an, việc cải trang được kết hợp với tuần tra, kiểm soát công khai. Cải trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Đồng thời, theo điểm b khoản 3 Điều 9 của Thông tư 01/2016 thì: "Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí một bộ phận cán bộ trong tổ để cải trang (mặc thường phục) thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát để xử lý theo quy định của pháp luật; Bộ phận cải trang và bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong một tổ tuần tra phải giữ một khoảng cách thích hợp bảo đảm việc xử lý vi phạm kịp thời, đúng pháp luật.
Theo tôi thì việc cảnh sát giao thông mặc thường phục dừng xe, xử lý vi phạm là chưa đúng với quy định tại Thông tư 01/2016"
Luật sư Nguyễn Đức Chánh
Trong khi đó, luật sư Hoàng Văn Hướng, trưởng Văn phòng luật sư Hoàng Hưng (Hà Nội) cho rằng việc cánh sát giao thông cải trang để "bắt" người vi phạm là không nên.
Theo luật sư Hướng, một số vi phạm của người dân là những vi phạm trật tự giao thông mang tính hành chính thông thường chứ "không phải những vi phạm đặc biệt phức tạp".
"Đối với việc duy trì trật tự giao thông và xử lý phải hợp lý hợp tình đúng luật và mang tính quyền uy của nhà nước qua bộ quân phục.
Nếu là những dạng tội phạm hình sự, xâm phạm an ninh quốc gia thì việc lực lượng chức năng cải trang để bắt tội phạm là hoàn toàn phù hợp.
Vi phạm giao thông với những dạng hình chính thông thường nhưng cảnh sát giao thông mặc thường phục bắt người vi phạm sẽ gây nên rất nhiều hệ lụy và bản chất không thực hiện được mục đích quản lý nhà nước để cao tính giáo dục", luật sư Hướng nói.
Đề phòng việc giả danh
Còn theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, Đoàn luật sư Hà Nội, việc lập các tổ công tác tuần tra kiểm soát công khai kết hợp cải trang là cần thiết trong việc đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình diễn biến trật tự an toàn giao thông hết sức phức tạp hiện nay.
Tuy nhiên, để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc xử lý, trước hết lực lượng cảnh sát giao thông cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ theo Thông tư 01/2016.
Việc này sẽ tránh được những hiện tượng giả danh. Quan trọng hơn là để bản thân các chiến sĩ khi làm nhiệm vụ cũng sẽ không được lạm quyền dễ gây ra tiêu cực.
Việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp cải trang phải được phê duyệt kế hoạch, trong đó cụ thể phương pháp thực hiện.
Các cán bộ trong tổ tuần tra, kiểm soát được phân công cải trang thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật.
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
Vấn đề đặt ra là việc cảnh sát giao thông mặc thường phục thì người dân làm cách nào biết đó là cảnh sát đang thực thi công vụ? Việc xuất trình thẻ sau đó làm sao người dân biết được đó là thẻ thật hay thẻ giả? Nếu có kẻ xấu lợi dụng việc giả danh cảnh sát cải trang để thực hiện hành vi như cưỡng đoạt tài sản, cướp tài sản khi yêu cầu người đi xe dừng lại…hoặc người dân khi thấy cảnh sát mặc thường phục yêu cầu dừng xe nhưng hiểu nhầm là đang bị dàn cảnh nên chống trả thì hậu quả giải quyết như thế nào?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận