Sáng 21-7, viện kiểm sát đã đưa ra quan điểm đối đáp với phần bào chữa của bị cáo Phạm Trung Kiên và luật sư. Trong vụ án chuyến bay giải cứu, ông Kiên là người duy nhất bị đề nghị mức án tử hình.
Viện kiểm sát "thật sự phẫn nộ"
Viện kiểm sát nhắc lại quan điểm của luật sư cho rằng viện kiểm sát căn cứ "hoàn cảnh người khác" để quy kết số tiền 42,6 tỉ đồng là lớn, trong khi theo luật sư, đánh giá này chưa chính xác bởi phải xem xét qua hai góc độ: doanh thu các doanh nghiệp qua các chuyến bay là bao nhiêu, từ đó biết lợi nhuận thế nào.
42,6 tỉ đồng là số tiền hối lộ của 18 doanh nghiệp, cần chia trung bình để xác định số tiền của mỗi doanh nghiệp để đánh giá khoản tiền đó chiếm bao nhiêu phần trăm lợi nhuận, từ đó xác định “số tiền Kiên nhận có thực sự lớn”. Theo luật, phép so sánh này khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn.
Theo luật sư, 42 tỉ ông Kiên nhận hối lộ là tổng tiền của 18 doanh nghiệp. 42 tỉ mà Kiên nhận là phép cộng của 30.000 công dân ở nước ngoài, chia bình quân công dân chỉ bỏ 500.000 - 2 triệu đồng một vé để về nước.
Luật sư đặt vấn đề số tiền mà thân chủ Phạm Trung Kiên nhận hối lộ, khi chia bình quân ra 30.000 người "có lớn không" khi đánh đổi để về nước trong dịch bệnh, "có lớn không" so với thu nhập trung bình của số đông và "chưa kể giá trị bằng vô giá của việc đoàn tụ với gia đình", viện kiểm sát dẫn lại lời bào chữa của luật sư.
Đối đáp lại, viện kiểm sát nói "thật sự phẫn nộ" sau khi nghe quan điểm bào chữa của luật sư. Đại diện cơ quan công tố nhận định quan điểm bào chữa trên thể hiện "sự thờ ơ trước nỗi đau, mất mát của đồng bào".
Hành vi của Phạm Trung Kiên phản bội lại sự cố gắng của hệ thống chính trị, phản bội lại nhân dân
Dẫn lại những con số cho thấy sự mất mát của người dân trong dịch bệnh, viện kiểm sát liệt kê hành vi của các bị cáo thực hiện khi dịch bùng phát với diễn biến phức tạp cướp đi sinh mạng hàng triệu người trên thế giới. Riêng tại Việt Nam hơn 43,2 ngàn người chết vị dịch COVID-19.
Trong bối cảnh dịch bệnh bao trùm toàn thế giới, số người nhiễm COVID-19 tăng lớn, cả hệ thống chính trị vào cuộc căng mình chống dịch. Công dân Việt Nam ở nước ngoài rơi vào tình cảnh cùng cực mong muốn về quê hương.
Trong bối cảnh đó, tình dân tộc, nghĩa đồng bào thể hiện sự thiêng liêng khi có nhiều lực lượng cùng vất vả, hy sinh chống dịch, sự sẻ chia từ những chuyến xe không đồng, chuyến hàng không đồng… "Kể cả có những doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản vẫn chung sức đồng lòng", viện kiểm sát dẫn chứng và cho biết bởi thế mới có chuyến bay combo, chuyến bay giải cứu.
Tuy nhiên, hành vi của ông Phạm Trung Kiên cũng như các bị cáo làm mất đi ý nghĩa của chuyến bay giải cứu, gây bất bình trong nhân dân và "phản bội lại sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, Đảng, Nhà nước, nhân dân".
Viện kiểm sát nhận định quan điểm bào chữa của luật sư là "xúc phạm đến những người dân đã trải qua dịch COVID-19 đầy đau thương khi coi đó là số tiền không lớn".
Về quan điểm bào chữa cho rằng ông Kiên không có chức vụ quyền hạn, viện kiểm sát dẫn chứng ngày 19-12-2019, Văn phòng Bộ Y tế đã có văn bản gửi Vụ Trang thiết bị công trình y tế giao Kiên đảm nhận công tác giúp việc, thư ký thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên.
Do chức danh giúp việc chưa được chính thức nên công việc của ông Kiên chủ yếu do lãnh đạo phân công trực tiếp.
Trong công tác phòng chống dịch, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên là phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong 5 bộ thì Bộ Y tế là đơn vị rất quan trọng trong việc cho ý kiến. Ông Kiên là một mắt xích trong vai trò, quy trình cấp phép chuyến bay, do đó là người có chức vụ, quyền hạn. Nếu ông Kiên chậm trình ký, đóng dấu thì sẽ gây khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình cấp phép, viện kiểm sát đưa ra phân tích.
"Chỉ chậm một ngày, hai ngày là không thực hiện được chuyến bay. Kiên không đóng dấu thì doanh nghiệp mỏi cổ chờ mong. Nên trong vụ án này nhiều bị cáo là doanh nghiệp sợ Kiên, nếu không đưa tiền thì bị Kiên gây khó khăn trong quá trình cấp phép. Thực tế Kiên đã gây sức ép", viện kiểm sát đối đáp.
Theo viện kiểm sát, ông Kiên không chỉ có hành vi yêu cầu đòi hỏi mà trước, sau khi khởi tố còn gọi điện nhờ một số doanh nghiệp khai báo gian dối số tiền đưa hối lộ là vay mượn dân sự, góp vốn để che giấu hành vi phạm tội.
Trong 19 doanh nghiệp đưa hối lộ cho ông Kiên, có tới 12 chủ doanh nghiệp khai ông Kiên là người trực tiếp ra giá 150-200 triệu đồng cho mỗi chuyến bay hoặc 1-2 triệu đồng mỗi hành khách. Sau khi họ đưa tiền cho ông Kiên thì không còn bị gây khó khăn. Nhiều lời khai của các bị cáo tại phiên tòa thể hiện việc này và đã được thẩm tra công khai.
Luật sư đặt vấn đề thủ đoạn của ông Kiên có phải "trắng trợn" gây khó khăn cho doanh nghiệp không, viện kiểm sát cho biết giữ nguyên đánh giá này.
Với quan điểm bào chữa cho rằng ông Kiên đã tự thú tại cơ quan điều tra và đề nghị được hưởng tình tiết tự thú, tích cực phối hợp điều tra, viện kiểm sát cho rằng trước khi ông Kiên khai nhận, cơ quan điều tra cũng đã tiến hành sao kê toàn bộ số tiền của ông Kiên và người liên quan do đó không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ là tự thú.
Trong quá trình điều tra, ông Kiên cũng không thừa nhận hành vi của minh, gây khó khăn trong quá trình điều tra vụ án, luôn cho rằng 12 tỉ là số tiền vay mượn cá nhân, đến khi cơ quan tố tụng đưa ra nhiều căn cứ mới thừa nhận, khai báo.
Viện kiểm sát khẳng định hành vi của Phạm Trung Kiên là nhận hối lộ, "nhận 253 lần thì không thể nói là vô ý được" để phản bác quan điểm bào chữa cho rằng "bị cáo vô ý nhận hối lộ, không nhận thức hết hành vi của mình".
Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát đánh giá cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ với "thủ đoạn trắng trợn nhất" nên đề nghị mức án tử hình.
Theo viện kiểm sát, ông Kiên được giao nhiệm vụ thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhưng đã lợi dụng chức vụ được giao gây khó khăn cho các đại diện tham gia chuyến bay combo và chuyến bay giải cứu. Kiên gây khó khăn để các doanh nghiệp phải đưa tiền theo yêu cầu.
Khi vụ án bị khởi tố, để che giấu hành vi phạm tội, ông Kiên đã chuyển trả lại tiền cho một số người và nhờ họ khai báo số tiền vay mượn cá nhân. Từ các nhận định trên, viện kiểm sát cho rằng cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với cựu thư ký thứ trưởng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận