Quần đảo Galapagos, có nguồn gốc từ núi lửa, là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất trên hành tinh - Ảnh: GETTY IMAGES
Theo National Geographic, Galapagos vừa là tên quần đảo, vừa là vườn quốc gia đầu tiên của Ecuador, được thành lập vào năm 1959 và bắt đầu hoạt động vào năm 1968.
Quần đảo này gồm 13 đảo chính, 6 đảo nhỏ và 107 khối đá nằm ở phía Tây Ecuador, Thái Bình Dương.
Sau này, chính phủ Ecuador đã đưa 97% quần đảo Galapagos để hình thành vườn quốc gia đầu tiên của đất nước, trong khi đó 3% còn lại là vùng dân cư của Santa Cruz.
Hệ sinh thái ở Galapagos phong phú cả trên cạn, trên không lẫn dưới nước - Ảnh: GETTY IMAGES
Vào thế kỷ 16, những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã phát hiện ra quần đảo này rồi đặt tên là Galapagos, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là "con rùa".
Vì vậy, quần đảo này còn được biết đến với tên quần đảo rùa, mô tả được loài động vật đặc trưng nhất ở đây.
Năm 1979, UNESCO công nhận quần đảo Galapagos là Di sản thiên nhiên của nhân loại, cũng là di sản đầu tiên của Ecuador nhận được vinh dự này.
Tượng Darwin được dựng trên đảo nhằm tri ân nhà sinh vật học tài ba với những lý thuyết tiến hóa - Ảnh: GETTY IMAGES
Vườn quốc gia Galapagos hiện là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất thế giới, với khoảng 600 loài thực vật, 400 loài cá, 58 loài chim, 22 loài bò sát và 6 loài động vật có vú, trong đó có nhiều loài động vật không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác và nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Thế kỷ 19, nhà sinh vật học Charles Darwin đã nghiên cứu thuyết tiến hóa trên hòn đảo này, và từng cho rằng hệ thống động, thực vật ở đây như từ một thế giới khác do quá đa dạng và lạ lẫm.
Một con rùa Galapagos - Ảnh: PINTEREST
Điển hình, rùa Galapagos (Chelonoidis nigra) là loài đặc trưng nhất trên đảo. Với trọng lượng khoảng 400kg và dài khoảng 1,8m, đây cũng là loài rùa cạn còn sống có kích thước lớn nhất, đồng thời là một trong 10 loài bò sát còn sống có cân nặng 'khủng' nhất.
Với tuổi thọ trong tự nhiên hơn 100 năm, nó là một trong các loài động vật có xương sống sống lâu nhất. Ước tính tại Galapagos hiện tại còn trên dưới 40 cá thể rùa độc đáo này.
Cự đà biển Galapagos - Ảnh: GETTY IMAGES
Kỳ nhông biển có tên thường gọi là cự đà biển Galapagos (Amblyrhynchus cristatus) là một loài thằn lằn trong họ Iguanidae, được biết đến lần đầu tiên năm 1825.
Đây là một loài bò sát biển chỉ tìm thấy ở quần đảo Galápagos. Trước đó, Charles Darwin trong chuyến viếng thăm quần đảo đã từng miêu tả loài cự đà biển như những "con quỷ bóng tối" trên các bãi biển.
Một hình ảnh dễ bắt gặp trên quần đảo: những con cự đà nằm phơi nắng trên những vách đá sát biển - Ảnh: NATURE
Chúng đồng thời là loài gần họ thằn lằn duy nhất sống và tìm kiếm thức ăn ở biển. Trong quá trình kiến tạo địa chất làm cho nước biển dâng cao, các núi lửa biến thành đảo, từ đó loài vật này phải tiến hóa thích nghi với cuộc sống khắc nghiệt mới.
Do là loài bò sát kiểm soát thân nhiệt kém, cự đà biển chỉ có khả năng lặn dưới nước trong một khoảng thời gian nhất định, thường tối đa 30 phút.
Một cá thể cánh cụt Galapagos - Ảnh: NATURE
Chim cánh cụt Galapagos là loài cánh cụt quý hiếm nhất và đang có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Hiện chỉ còn 2.000 cá thể tồn tại trong tự nhiên.
Không giống những "anh em" sống ở hai cực, cánh cụt Galapagos có ít mỡ và lông để thoát nhiệt dễ hơn có nhiều đặc điểm khác biệt để thích nghi với khí hậu ấm đại dương.
Ngoài ra, cơ thể nhỏ nên chúng không cần quá nhiều thức ăn để sinh tồn.
Chim sẻ Darwin - Ảnh: Galapagos.com
Chim sẻ Darwin là một nhóm gồm 15 loài sẻ đặc hữu sinh sống ở quần đảo Galápagos, được đặt tên để vinh danh Charles Darwin.
Nghiên cứu sự tiến hóa của loài sẻ này là một trong những nhân tố giúp Charles Darwin tiếp cận được lý thuyết "Chọn lọc tự nhiên" và hoàn thành tác phẩm "Nguồn gốc các loài" của mình.
Một số hình ảnh động vật ấn tượng khác trên đảo:
Loài cá dơi môi đỏ độc đáo ở Galapagos. Vây chúng có tác dụng như chân, còn đôi môi đỏ dùng để thu hút bạn tình hoặc thu hút con mồi. Thức ăn của chúng là cá, tôm, giáp xác - Ảnh: WIKIMEDIA
Những chú chim booby chân xanh là “đặc sản” của Galapagos. Màu sắc trên đôi chân càng sáng cho thấy con đực càng khỏe mạnh, chất lượng gen càng tốt và từ đó có thể cho con cái những đứa con đẹp đẽ hơn - Ảnh: NATURE
Một cá thể hải cẩu lông mao. Con đực trưởng thành dài trung bình 1,5m và cân nặng 64kg. Con cái dài trung bình 1,2m và cân nặng 28 kg - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Cá thia Galapagos là một loài đặc hữu trong quần đảo. Cá trưởng thành dài 15cm, có màu xám ôliu ánh màu xanh lam sáng, chuyển thành màu bạc ở bụng - Ảnh: Galapagos.com
Một cá thể chim Frigate (Cốc biển) trên quần đảo - Ảnh: NATURE
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận