Như Tuổi Trẻ Online thông tin: Mới đây một tài khoản trên mạng xã hội có bài viết đăng tin quán cơm Bắc Trung Nam (nằm trên quốc lộ 1, xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) "chặt chém" khách.
Tài khoản này cho biết vào ngày 23-7, đoàn khách 10 người lớn, 5 trẻ nhỏ vào quán cơm trên gọi đồ ăn trưa với tôm rim thịt, gà kho, canh cá, trứng rán, rau bình thường, nhưng khi thanh toán hóa đơn là 2.630.000 đồng.
Sau khi đăng lên mạng xã hội, nhiều người bức xúc cho biết từng lâm vào tình cảnh tương tự ở quán cơm này.
Về phía cơ quan chức năng, Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa) đã xử phạt hành chính quán cơm này số tiền 1,5 triệu đồng về hành vi không niêm yết giá bán hàng theo quy định.
Tuy nhiên, đa số bạn đọc cho rằng mức phạt như vậy quá thấp, người bị phạt sẽ không sợ, không đủ tính răn đe.
"Cần phải tăng mức phạt lên vài chục lần, tịch thu giấy phép kinh doanh thì mới mong giảm bớt tình trạng 'chặt chém' này" - bạn đọc Tùng kiến nghị.
Để ngăn ngừa tình trạng "chặt chém" du khách, hầu hết các ý kiến đều cho rằng chỉ có phạt thật nặng các quán làm ăn chụp giựt mới sợ. Nếu cần thiết không cho đăng ký kinh doanh.
"Có làm nghiêm như thế thì tình trạng này không còn nữa. Tôi không dám đi du lịch cũng vì sự tính giá quá cao của các quán ăn, các dịch vụ khác nữa" - bạn đọc Van Lam viết.
Chiều 27-7, lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 2 cho biết mức phạt trên căn cứ theo nghị định 87 của Chính phủ ban hành ngày 12-7-2024 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý giá.
Theo quy định trên, mức vi phạm quy định về niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ đối với hộ kinh doanh, cá thể là 750.000 đồng, còn quán cơm Bắc Trung Nam thuộc công ty nên mức phạt sẽ tăng thành 1,5 triệu đồng.
"Đây là vụ việc đột xuất, cơ quan chức năng và địa phương còn phải có thời gian xác định làm rõ việc có "chặt chém" du khách hay không.
Qua các buổi làm việc, lấy lời khai của quản lý quán ăn cũng như giám đốc công ty, đồng thời qua kiểm tra xác định quán không niêm yết giá. Việc không niêm yết giá là vi phạm cụ thể, từ đó mới có mức xử phạt như trên" - lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 2 thông tin.
Theo luật gia Đỗ Văn Nhân, mức phạt này là căn cứ theo quy định điểm a, khoản 1 và điểm a, khoản 4 điều 13 nghị định 87 của Chính phủ.
Do đó việc Đội quản lý thị trường số 2 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Khánh Hòa) xử phạt số tiền 1,5 triệu (mức phạt đối với tổ chức) là đúng theo quy định của pháp luật.
"Tuy nhiên, mức phạt nêu trên đối với tổ chức có thể nói là quá thấp, không tương xứng với hành vi vi phạm của tổ chức, cũng như những lợi nhuận mà tổ chức có được đối với hành vi "chặt chém" khách đến ăn cơm" - luật gia Đỗ Văn Nhân ý kiến.
Để ngăn chặn tình trạng "chặt chém" khách, theo luật gia Đỗ Văn Nhân, cần phải phát huy vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Cụ thể phải bắt buộc các cửa hàng cung cấp dịch vụ cho du khách phải có đăng ký kinh doanh, niêm yết công khai, đầy đủ giá cả của các loại hàng hóa, sản phẩm bằng tiếng Việt hoặc tiếng nước ngoài, tùy vào đối tượng du khách mà cửa hàng nhắm đến.
Ngoài ra còn phải yêu cầu niêm yết công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh về tình trạng "chặt chém" hoặc hỗ trợ, hướng dẫn, giúp đỡ… du khách.
Cũng theo luật gia Đỗ Văn Nhân, cần phải tăng mức chế tài xử phạt đối với hành vi "chặt chém" khách, đó có thể là: tạm đình chỉ có thời hạn việc kinh doanh, buôn bán đối với hành vi không niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng một trong các hình thức khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận