Theo báo South China Morning Post, ông Yang Wen Zhuang, người đứng đầu Cục Giám sát dân số và Phát triển gia đình thuộc Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), đã kêu gọi chính quyền cần phải nỗ lực tiếp thu kinh nghiệm từ các nước khác trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với mức giảm tỉ lệ sinh cũng như những thay đổi cực đoan về nhân khẩu học.
Cụ thể, các nghiên cứu đã cho thấy thời điểm các nước châu Âu bắt đầu triển khai những biện pháp hỗ trợ sinh sản, tỉ lệ sinh được ghi nhận ở mức 1,5 con/phụ nữ và tỉ lệ này dần phục hồi sau khoảng 10 năm.
Theo quan điểm của ông Yang, nguyên nhân khiến tỉ lệ sinh ở Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn còn ở mức thấp là do sự can thiệp chậm trễ và hành động yếu ớt, thiếu quyết liệt trong việc giải quyết vấn đề của chính phủ.
Ngoài ra, ông cũng kêu gọi chính quyền các cấp ở Trung Quốc phải nhanh chóng nắm bắt kịp thời cơ hội trong "giai đoạn vàng" tính từ năm 2021 đến 2025 để đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu và khởi xướng các biện pháp cần thiết.
“Các chính quyền địa phương cần được khuyến khích tích cực khám phá, tìm tòi các phương án cũng như mạnh dạn đổi mới các chính sách hiện có góp phần giảm chi phí sinh con, nuôi dạy và giáo dục con cái”, ông Yang nói.
Vì sao tỉ lệ sinh giảm tại Trung Quốc?
Theo ông Yang, chi phí sinh con và nuôi dạy con cao vẫn là yếu tố cơ bản khiến nhiều gia đình Trung Quốc ngần ngại có con.
Hơn nữa, những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự nghiệp của phụ nữ sau khi sinh con cũng khiến nhiều người ngần ngại.
Nhà kinh tế học Trung Quốc Ren Ze Ping cũng đã đề xuất rằng độ tuổi kết hôn hợp pháp ở Trung Quốc hiện đang ở mức cao nhất thế giới và nên được hạ xuống 18 tuổi, thay vì 22 tuổi như hiện tại đối với nam và 20 tuổi đối với nữ.
Nhiều trường mầm non tư thục có nguy cơ đóng cửa
Tại đất nước tỉ dân, số trường mầm non tư thục chiếm hơn một nửa tổng số trường mầm non và thường có học phí đắt hơn so với các trường công lập.
Nhưng hiện nay rất nhiều trường mầm non tư thục tại Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng vì quá ít học sinh.
Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí nhà nước và sự giám sát ngày càng chặt chẽ từ chính phủ càng khiến các trường mầm non tư thục lao đao.
Theo một báo cáo được công bố năm 2022 của Viện Nghiên cứu giáo dục Sunglory có trụ sở tại Bắc Kinh, ước tính khoảng 30% đến 50% trường mẫu giáo tư thục đã ngừng hoạt động vào năm 2030 vì số học sinh giảm sút và khó khăn về tài chính.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận