Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vi hành kiểm tra tại khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) sáng 6-12 - Ảnh: Lâm Hoài |
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã chia sẻ với Tuổi Trẻ xung quanh việc phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đã đến cơ sở cai nghiện chưa?
Bà Khuất Thu Hồng nói:
- Tôi thấy ý kiến của Thủ tướng đang nói đúng vấn đề trầm kha của xã hội ta hiện nay. Tình trạng quan chức các cấp quan liêu chỉ ngồi trong phòng chờ cấp dưới báo cáo là nguyên nhân dẫn tới việc nhiều vấn đề được phản ánh sai lệch nghiêm trọng, bệnh chạy theo thành tích ảo gia tăng.
Vì quan chức cấp trên quan liêu nên cán bộ cấp dưới cũng ngày càng nhiều người thiếu trung thực. Chỉ khi có hậu quả xảy ra, dân bức xúc thì quan chức đứng đầu mới biết. Có những chuyện khi biết thì nó đã xảy ra lâu rồi.
Năm 2010, khi chúng tôi thực hiện một nghiên cứu về chính sách cho người khuyết tật ở một số tỉnh.
Chúng tôi xuống các địa phương xin danh sách người khuyết tật trên địa bàn thì được cung cấp sanh sách với số lượng rất nhiều. Nhưng khi trực tiếp đến tận nơi thì mới biết số người khuyết tật thật ít hơn nhiều con số trên giấy.
Việc này những người có trách nhiệm trong cơ quan Nhà nước có biết không khi hàng năm có hàng tỷ đồng từ ngân sách được chi cho những con số ảo này?
Chuyện quan chức quan liêu, cấp dưới báo cáo láo với cấp trên thể hiện sự thiếu chuyên nghiệp, nó như bệnh mãn tính khó trị.
* Theo bà nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do người đứng đầu thiếu trách nhiệm?
- Có nhiều phức tạp đằng sau câu chuyện này lắm. Chưa làm hết trách nhiệm, nể nang, xuê xoa cho nhau rồi tình trạng đưa con ông cháu cha vào các vị trí lãnh đạo là có nhưng nghiêm trọng hơn tôi nghĩ đứng sau nhiều việc bất cập có những nhóm lợi ích cố tình làm sai lạc sự việc.
* Vậy theo bà, việc quan chức đứng đầu đi thị sát trực tiếp, gặp dân nắm tình hình nhưng từng đã có thời gian qua có phải một chuyển biến tốt không?
- Tôi nghĩ quan chức chịu đi để trực tiếp nắm tình hình là tốt. Nhưng đây chỉ là một cách trong nhiều cách cần làm để khắc phục thôi. Ngay cả việc quan chức đi thị sát, tôi cũng thấy có nhiều điều đáng nói.
Có người đi để nắm tình hình thật, nghe báo cáo thật, để có những dữ liệu phân tích vấn đề, điều chỉnh việc điều hành, chỉ đạo. Nhưng tôi cũng được biết có nhiều quan chức đi thị sát nhưng không đến tận nơi cần đến mà chỉ đến trung tâm, lại ngồi ở trụ sở Ủy ban các cấp để nghe báo cáo.
Nhiều quan chức đến các địa phương gây phiền hà vì đòi hỏi phục dịch, nhận quà biếu rồi đi về. Vì thế quan chức đi thị sát là cần nhưng phải thị sát thật, làm thật, chứ nếu không thì cũng không giải quyết được bức xúc này.
* Có ý kiến cho rằng thay vì đi thị sát nhiều, lãnh đạo đứng đầu ngành, địa phương nếu muốn biết sự thật thì cần tạo nên những kênh giám sát khác, bà có ý kiến gì về điều này?
- Tôi nghĩ sẽ phải như thế. Vì lãnh đạo đầu tỉnh, đầu ngành rất nhiều vấn đề phải bao quát xử lý không thể trực tiếp giám sát một việc cụ thể mà cần phải có các kênh giám sát khác, cần có hệ thống đánh giá tin cậy.
Bên cạnh đó, rất cần các kênh giám sát độc lập như các tổ chức đánh giá độc lập không ăn lương Nhà nước, kênh báo chí và cả các hình thức để người dân, xã hội cùng biết và tham gia giám sát.
* Trong bối cảnh này, bà có nhận xét gì về yêu cầu của Thủ tướng trong việc xem lại trách nhiệm người đứng đầu khi không sát sao tình hình của địa bàn, lĩnh vực mình phụ trách?
- Cảnh báo là điều rất tốt lúc này, tôi ủng hộ ý kiến của Thủ tướng.
Nhưng tôi nghĩ đây là việc phải thường xuyên được nhắc nhở và cần được thể chế hóa thành các quy định có tính chất thường xuyên hẳn hoi để các bộ, ngành, địa phương đưa vào nhiệm vụ thường niên.
Ví dụ trong một lĩnh vực phụ trách, người đứng đầu đi thị sát bao lần trong năm, trong quý, phát hiện những bất cập nào, đã điều chỉnh, xử lý ra sao. Ngoài ra có các kênh giám sát, phản biện như thế nào, việc triển khai thu thập thông tin, phân tích tình hình tác động đến việc điều hành ra sao…
* Xin cảm ơn bà.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận