Thứ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nakayama Yasuhide - Ảnh: REUTERS
Phát biểu tại một hội thảo của Viện Hudson (Mỹ) ngày 27-6, ông Nakayama đã đặt câu hỏi về tính đúng sai của việc các nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, công nhận CHND Trung Hoa thay vì Đài Loan.
Bài phát biểu đánh dấu một trong những lần hiếm hoi một quan chức đương nhiệm của Tokyo công khai chất vấn nguyên tắc "Một Trung Quốc". Chính quyền Bắc Kinh đã luôn đề cao nguyên tắc này và xem đây là điều kiện tiên quyết nếu các nước muốn thiết lập quan hệ với Trung Quốc.
Công khai thách thức
Theo ông Nakayama, Đài Loan gần gũi về mặt địa lý với Nhật Bản nên nếu điều gì đó xảy ra ở Đài Loan cũng sẽ ảnh hưởng đến tỉnh Okinawa, nơi đóng quân của Mỹ và gia đình của họ. Cũng theo quan chức này, Trung Quốc hiện nay đang đạt được những tiến bộ lớn về quân sự và "có những suy nghĩ, ý định hiếu chiến" hơn trước.
"Chúng ta phải thức tỉnh, phải bảo vệ Đài Loan như một quốc gia dân chủ", Thứ trưởng Nakayama kêu gọi. Đây là lần thứ hai trong cùng một tháng, giới lãnh đạo Nhật Bản gọi Đài Loan là "quốc gia".
Trong một cuộc tranh luận được phát trực tiếp vào đầu tháng 6, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide gọi Đài Loan cùng với Úc và New Zealand là "3 quốc gia" có các biện pháp chống dịch COVID-19 tốt.
Chính quyền Tokyo sau đó phải lên tiếng đính chính sau khi Bắc Kinh cáo buộc Nhật Bản "phá vỡ lời hứa đã có từ lâu với Trung Quốc về việc không coi Đài Loan là một nước".
Một số người theo chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh phản ứng mạnh mẽ hơn sau phát ngôn của thủ tướng Nhật. Chính quyền Trung Quốc dường như đã phớt lờ cho đến khi Thứ trưởng Quốc phòng Nakayama lên tiếng.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân đã dùng những từ như "nham hiểm", "vô trách nhiệm" và "nguy hiểm" khi nhắc đến phát ngôn của ông Nakayama.
"Đây là những phát ngôn sai lầm khủng khiếp. Chính trị gia kia đã công khai gọi Đài Loan là một quốc gia, vi phạm nghiêm trọng tuyên bố chung Trung - Nhật", ông Uông nêu quan điểm trong họp báo ngày 29-6.
Việc Bắc Kinh lên tiếng trong các vấn đề liên quan Đài Loan được xem là điều hiển nhiên vì nước này xem hòn đảo này là một phần lãnh thổ chưa thể thu hồi. Theo giới phân tích, Trung Quốc đang ngày càng lo lắng trước các nỗ lực nâng vị thế Đài Loan mà Mỹ và đồng minh đang thực hiện.
"Trước đây, các chính trị gia Nhật Bản, dù có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc đến mấy cũng đều thận trọng khi nói đến vị thế của Đài Loan. Giờ đây, họ nói về việc ủng hộ Đài Loan một cách công khai dù nó có thể khiến Trung Quốc khó chịu", chuyên gia George Yin thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Harvard nhận định với báo The Guardian.
Tàu khu trục Kogo của Nhật Bản diễn tập trên biển với tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ - Ảnh: REUTERS
Sự trỗi dậy của phe cứng rắn
Theo chuyên gia Yin, dường như đang có sự trỗi dậy của các quan chức cứng rắn với Trung Quốc trong chính quyền Nhật Bản. Nhiều chỉ dấu cho thấy phe chủ trương cứng rắn với Bắc Kinh đã chiếm ưu thế trong Đảng Dân chủ tự do (LDP) đang cầm quyền tại Nhật.
Dấu hiệu rõ nhất bắt đầu từ năm ngoái khi một nhóm nghị sĩ LDP trình nghị quyết kêu gọi Chính phủ Nhật Bản hủy lời mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước.
Chuyến thăm sau đó đã không diễn ra theo kế hoạch, nhưng là do dịch COVID-19 và tiếp tục bị trì hoãn vô thời hạn khi bước qua năm 2021.
Liên tục trong tháng 2 và tháng 6, một nhóm nghị sĩ LDP đã trình các dự luật hoặc nghị quyết, trong đó kêu gọi Tokyo chuẩn bị cho các kịch bản xung đột với Bắc Kinh tại Đài Loan, Biển Đông.
Theo tạp chí Nikkei Asia, đại diện tiêu biểu cho nhóm này là đại tá Masahisa Sato, cựu sư đoàn trưởng Lực lượng phòng vệ Nhật Bản. Nhóm này cho rằng đã tới lúc Nhật Bản nên có một đạo luật tương tự "Đạo luật quan hệ Đài Loan" của Mỹ, lấy đó làm cơ sở pháp lý để hỗ trợ Đài Bắc tự vệ trước đại lục.
Giới lãnh đạo quốc phòng của Nhật Bản cũng cho thấy sự thay đổi đáng chú ý. Gần đây nhất, trong cuộc phỏng vấn với Hãng tin Bloomberg ngày 25-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Kishi Nobuo đã khẳng định an ninh của Đài Loan có mối liên hệ trực tiếp với Nhật Bản.
"Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ mối quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan cũng như các hoạt động quân sự của Trung Quốc. Cán cân đang nghiêng về phía Bắc Kinh khi họ tăng cường sức mạnh quân sự", ông Kishi nêu quan điểm.
Hồi tháng 4 rồi, Bộ trưởng Quốc phòng Kishi được cho là đã cảnh báo với LDP về kịch bản Đài Loan "chuyển sang đỏ", ám chỉ vùng lãnh thổ này nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc.
Lời cảnh báo được đưa ra sau khi ông Kishi tới thăm Yonaguni, hòn đảo Nhật Bản nằm gần với Đài Loan nhất. Bắc Kinh đã ngay lập tức gọi các phát ngôn này là "liều lĩnh" và "vô trách nhiệm".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận