Theo báo Guardian (Anh), người phát ngôn FIFA Walter de Gregorio cho biết phiên họp Đại hội đồng FIFA và cuộc bỏ phiếu bầu cử chủ tịch FIFA vẫn sẽ diễn ra như kế hoạch. Ông Gregorio cũng quả quyết World Cup 2018 và 2022 vẫn sẽ được tổ chức tại Nga và Qatar. Ông Gregorio cho rằng “không thể đổ lỗi cho chủ tịch Blatter vì hành vi sai trái của một số quan chức”. Chủ tịch FIFA Sepp Blatter sau quãng thời gian im lặng đã lên tiếng khẳng định “sẽ trục xuất mọi quan chức tham nhũng”.
Ông Blatter thừa nhận đây là “thời điểm khó khăn đối với FIFA” và mô tả các vụ bắt giữ quan chức FIFA là “không may mắn”. Nhưng ông cho rằng điều đó “sẽ giúp tăng cường các biện pháp mà FIFA đã thực hiện để xóa bỏ mọi hành vi sai trái trong bóng đá”. Chủ tịch FIFA thậm chí còn “kể công” nhà chức trách Thụy Sĩ mở chiến dịch bắt giữ các quan chức FIFA tham nhũng sau khi FIFA nộp một hồ sơ cho Văn phòng Công tố Thụy Sĩ hồi tháng 1-2014.
Đòi ông Blatter từ chức
Tuyên bố có phần “tỉnh bơ” của FIFA và ông Blatter khiến thế giới bóng đá nổi giận. Theo Hãng tin AFP, UEFA kêu gọi hoãn cuộc họp Đại hội đồng FIFA và cuộc bầu cử chủ tịch FIFA khoảng sáu tháng. Tổng thư ký UEFA Gianni Infantino nhấn mạnh xìcăngđan tham nhũng đã làm nhơ bẩn hình ảnh bóng đá và cho thấy nạn tham nhũng ăn sâu vào gốc rễ của FIFA, do đó tổ chức này cần một đội ngũ lãnh đạo mới trong sạch. “Đại hội đồng FIFA có thể trở thành một trò hề” - ông Infantino cảnh báo.
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh Greg Dyke thẳng thừng: “Ông Sepp Blatter phải ra đi. Sẽ không thể khôi phục uy tín của FIFA khi ông Blatter còn tại vị”. Cựu ngôi sao bóng đá Brazil Romario, hiện là một nghị sĩ, cho biết ông hi vọng cuộc điều tra tham nhũng sẽ dập tắt khả năng ông Blatter tái đắc cử. “Tôi mong là ông Blatter sẽ bị bắt” - Romario thẳng thắn nói. Các chính trị gia quốc tế cũng lên tiếng gây sức ép đối với FIFA.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng cần phải hoãn cuộc bầu cử chủ tịch mà ông Blatter chắc thắng. Ngoại trưởng Anh Philip Hammond mô tả FIFA có quá nhiều vấn đề và bóng đá quốc tế cần một sự cải tổ mạnh mẽ. Tổng thống Bolivia Evo Morales khẳng định lẽ ra các nhà lãnh đạo FIFA cần phải sống vì bóng đá chứ không phải vì mục tiêu làm đầy túi riêng. Tổng thống Brazil Dilma Rousseff cho rằng cần phải điều tra toàn bộ các World Cup.
Các hãng tài trợ hàng đầu của FIFA như Coca-Cola, Adidas, McDonald’s, Visa... đều lên tiếng yêu cầu FIFA phải trong sạch hóa đội ngũ. Visa đe dọa sẽ xem xét khả năng rút tài trợ. Tuy nhiên, ông Blatter vẫn còn không ít đồng minh. Hôm qua Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) khẳng định sự ủng hộ đối với ông Blatter và cho rằng cuộc bầu cử chủ tịch FIFA vẫn cần phải diễn ra. Giới phân tích cho rằng ông Blatter vẫn nhận được sự hậu thuẫn lớn từ các liên đoàn bóng đá bên ngoài châu Âu.
Cuộc điều tra mới bắt đầu
Theo báo New York Times, Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố cuộc điều tra án tham nhũng ở FIFA “mới chỉ bắt đầu”. Bộ trưởng tư pháp Loretta Lynch chỉ trích: “Họ (FIFA) bôi đen hoạt động kinh doanh bóng đá toàn cầu để làm giàu cho bản thân”. Trong số 14 nhân vật bị Chính phủ Mỹ truy tố vì tội tống tiền, lừa đảo và rửa tiền từ năm 1991 đến nay có chín quan chức FIFA và năm doanh nhân thể thao. Chính phủ Mỹ đã đề nghị Thụy Sĩ dẫn độ các nhân vật bị bắt giữ sang Mỹ và tiến trình này có thể kéo dài nhiều tháng.
Nhân vật cao cấp nhất xộ khám là Jeffrey Webb, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF), phó chủ tịch FIFA. Tội tống tiền có mức án tối đa lên đến 20 năm tại Mỹ. Các cáo trạng còn lại có mức án 5 - 10 năm tù. Cuộc điều tra của Mỹ tách biệt nhưng diễn ra song song với cuộc điều tra của Chính phủ Thụy Sĩ về nghi án các quan chức FIFA nhận hối lộ để trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022 cho Nga và Qatar. Mới đây cảnh sát Thụy Sĩ đã khám xét trụ sở FIFA ở Zurich.
Cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, Cục Điều tra liên bang (FBI) và Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) khẳng định các quan chức FIFA đã ăn hối lộ hơn 150 triệu USD từ năm 1991 đến nay. Điều tra cho thấy Nam Phi đã đút lót cho một số quan chức FIFA 10 triệu USD để giành quyền đăng cai World Cup 2010. Một thành viên Liên đoàn Bóng đá Nam Phi đã đưa chiếc vali chứa đầy các xấp tiền, mỗi xấp 10.000 USD, cho một quan chức FIFA trong một khách sạn tại Paris (Pháp). Kẻ nhận tiền là một nhân vật thân tín của cựu phó chủ tịch FIFA Jack Warner, thành viên ủy ban quản trị FIFA.
Một quan chức cấp cao của FIFA và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã sắp xếp để đưa các phong bì chứa 40.000 USD tiền mặt cho một số quan chức Liên đoàn Bóng đá Caribbean ở Trinidad & Tobago trước cuộc bầu cử chủ tịch FIFA năm 2011. Sau cuộc bầu cử, chủ tịch AFC Mohamed Bin Hamman bị FIFA đình chỉ vì có tin ông ta dùng tiền để mua phiếu bầu. Bộ Tư pháp Mỹ cũng xác định khoản tiền hối lộ 110 triệu USD đã được chi để chuẩn bị cho Copa America 2016 sẽ diễn ra ở Mỹ.
[box]Ông Sepp Blatter cương quyết không từ chức
Đêm 28-5, chủ tịch LĐBĐ châu Âu (UEFA) Michel Platini đã có màn đối đầu căng thẳng với chủ tịch FIFA Sepp Blatter trong cuộc họp khẩn của các lãnh đạo bóng đá tại Zurich (Thụy Sĩ). Theo Hãng tin AFP, ông Platini đã công khai yêu cầu ông Blatter từ chức vì xìcăngđan tham nhũng làm chấn động thế giới bóng đá. Ông Blatter từ chối và trong cuộc họp báo sau đó, ông Platini đã kêu gọi các nước thành viên FIFA bỏ phiếu loại bỏ ông Blatter.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng bênh vực ông Blatter và chỉ trích Mỹ lạm quyền khi bắt giữ các quan chức FIFA. Theo Reuters, ông Putin cho rằng Mỹ muốn ngăn chặn ông Blatter tái đắc cử chủ tịch FIFA vì ông Blatter không cản trở việc FIFA trao quyền đăng cai World Cup cho Nga như ý muốn của Washington.[/box]
[box]
"Không thể giám sát mọi người, mọi lúc, mọi nơi"
Trong diễn văn phát biểu ở lễ khai mạc cuộc họp Hội đồng FIFA đêm 28-5, chủ tịch FIFA, Sepp Blatter nhấn mạnh "không thể giám sát mọi người, mọi lúc, mọi nơi" và "hành vi của một vài thiểu số đã làm ô nhục nền bóng đá".
Trong bài diễn văn, ông Blatter nói: "Chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà chức trách để chắc chắn rằng tất cả những ai sai phạm sẽ bị bắt và trừng phạt. Nhiều người nói rằng tôi phải chịu trách nhiệm... Tôi không thể giám sát mọi người ở mọi lúc, mọi nơi. Nhưng tôi phải chịu trách nhiệm về danh tiếng của FIFA cũng như sự mạnh khỏe của tổ chức và tìm ra giải pháp cho những vấn đề hiện tại".
Ông Blatter nói: "Đây là thời điểm khó khăn và chưa từng xảy ra đối với FIFA. Những sự kiện vừa qua đã phủ một bóng đen lên nền bóng đá cũng như cuộc họp hội đồng. Hành động của vài cá nhân, nếu đúng là vi phạm, làm ô nhục nền bóng đá và buộc chúng ta phải có hành động, thay đổi ngay tức khắc. Chúng ta không thể để cho danh tiếng của FIFA bị dìm xuống bùn lâu hơn nữa".
Đ.K.L
[/box]
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận