24/08/2017 20:23 GMT+7

Quản cho vay sân sau, sửa mức cho vay trung dài hạn

A.H.
A.H.

TTO - Ngân hàng Nhà nước dự kiến điều chỉnh tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các ngân hàng ở mức 45% từ 1-1-2018 thay vì 40% đồng thời và chống việc cho vay sân sau.

Thông tin này được đưa ra trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014 và mức 40% dự kiến sẽ được áp dụng từ 1-1-2019.

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc điều chỉnh này dựa trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của NHNN và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm.

Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2017, Thủ tướng cũng đã ra Nghị quyết giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, điều chỉnh mở rộng hạn mức tín dụng cho vay trung dài hạn của các tổ chức tín dụng.

Ngoài ra, với các ngân hàng tham gia các chương trình, dự án theo chỉ đạo của Chính phủ, việc xác định các giới hạn, tỉ lệ bảo đảm an toàn cũng có đặc thù riêng.

Như chương trình tín dụng khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước được giao thẩm quyền xem xét đề nghị của các ngân hàng thương mại, quyết định việc cho phép loại trừ dư nợ cho vay trung, dài hạn đối với lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong việc đáp ứng tỉ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn.

Ở lần chỉnh sửa này, Ngân hàng Nhà nước cũng tăng cường cơ chế giám sát để hạn chế tình trạng cho vay sân sau.

Cụ thể Ngân hàng Nhà nước bổ sung quy định về việc các khoản cấp tín dụng được bảo đảm bằng tài sản của người có liên quan của các đối tượng nói trên phải được hội đồng quản trị hoặc hội đồng thành viên, tổng giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua.

Các khoản cho vay đó đồng thời phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước cụ thể.

Lý do đưa ra quy định này, theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua một số ngân hàng trong nước cấp tín dụng trên cơ sở bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp do các đối tượng có liên quan đến chính ngân hàng như chủ tịch, thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, thành viên ban điều hành....

Những thành viên đó cũng chính là chủ sở hữu hoặc là cổ đông lớn, người quản lý, nắm quyền kiểm soát của doanh nghiệp vay vốn.

Điều này có thể dẫn đến xung đột lợi ích, cho vay lòng vòng hoặc cho vay đối với công ty sân sau của các đối tượng này.

Đây cũng là lần thứ hai Thông tư 36 được sửa đổi.

A.H.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên