Người tình nguyện nhập ngũ giúp quân đội Iraq đẩy lùi phiến quân Ảnh: Reuters |
AFP dẫn lời một đại tá quân đội phụ trách Samarra, một thành phố cách thủ đô 110km về phía bắc, cho biết lực lượng cảnh sát và quân đội tăng viện đã đến đây từ hôm 13-6. Việc tăng viện được biết nhằm giành lại các khu vực phía bắc thành phố, bao gồm cả Dur và Tikrit mà lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) chiếm giữ tuần qua. Vị đại tá này nói các lực lượng đang đợi lệnh để bắt đầu hành động.
Quyền lực không hạn chế
Nhóm khủng bố giàu nhất thế giới? Lực lượng phiến quân Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) sau khi chiếm phần lớn khu vực miền bắc Iraq đã lấy đi khoảng 450 triệu USD trong một vụ cướp ngân hàng. NBC News dẫn lời thị trưởng thành phố Mosul, ông Athier Nujaifi, cho biết tin này. Nếu tin này được xác nhận thì ISIL là nhóm khủng bố giàu nhất thế giới. |
Từ hôm 13-6, ông Maliki đã đến Samarra để họp về vấn đề an ninh, đồng thời thăm một ngôi đền Shiite tại đây, nơi từng bị phiến quân đánh bom vào năm 2006 làm nổ ra xung đột giữa người Shiite và Sunni khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng.
Ông Maliki, một người Hồi giáo Shiite, nói trong một tuyên bố được đăng tải trên trang web của ông đêm 13-6 rằng “nội các đã trao cho thủ tướng, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, các quyền lực không giới hạn” để chiến đấu chống lại lực lượng phiến quân. Ông cũng kêu gọi toàn dân Iraq chiến đấu chống lại ISIL và nói các tình nguyện viên đang được điều động để hỗ trợ.
“Samarra sẽ không phải là tuyến phòng thủ cuối cùng mà là điểm tập trung và bàn đạp - ông Maliki phát biểu trước các sĩ quan quân đội - Trong vòng vài giờ tới, các tình nguyện viên sẽ đến để hỗ trợ lực lượng an ninh chống lại bè lũ ISIL. Đây sẽ là thời điểm bắt đầu cho sự kết thúc của chúng”.
Các cuộc tấn công lớn do ISIL lãnh đạo bắt đầu từ hôm 9-6 nhưng giờ đây đã có thêm sự tham gia của những người ủng hộ cựu lãnh đạo Iraq Saddam Hussein. Lực lượng an ninh tỏ ra yếu kém, nhiều binh sĩ rời bỏ vị trí và cởi bỏ quân phục. AFP dẫn lời các quan chức nói hôm 13-6 rằng các phiến quân đã tập trung ở khu vực Samarra để chuẩn bị cho một cuộc tấn công khác vào thành phố này sau khi bị đẩy lùi hồi đầu tuần.
Tại khu vực Dhuluiyah cách Baghdad 90km về phía bắc, cảnh sát và dân địa phương đã đẩy lùi được phiến quân nơi lực lượng này lập các chốt kiểm soát những ngày trước. Dân địa phương sau đó bắn chỉ thiên để ăn mừng chiến thắng.
Iran không loại trừ hợp tác với Mỹ
Trong khi đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu hôm 14-6 rằng nước này sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ Iraq chiến đấu chống lại các phiến quân Hồi giáo Sunni trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, mặc dù đến nay Baghdad chưa đưa ra yêu cầu hỗ trợ.
Ông Rouhani cũng nói có thể tính đến việc hợp tác với Mỹ trong việc lập lại an ninh ở Iraq mặc dù Tehran và Washington không có quan hệ ngoại giao trong suốt hơn ba thập kỷ qua. Ông Rouhani nói: “Nếu chúng tôi nhận thấy Mỹ có hành động chống lại các nhóm khủng bố đó, chúng tôi sẽ cân nhắc việc hợp tác”.
Ông Rouhani nói nhiều nhóm khủng bố nhận được sự hậu thuẫn tài chính và chính trị từ một số nước trong khu vực và một số cường quốc phương Tây. “ISIL từ đâu đến? Ai tài trợ cho nhóm khủng bố này? Chúng tôi đã cảnh báo các nước, trong đó có cả phương Tây, về sự nguy hiểm của việc hậu thuẫn một nhóm khủng bố như vậy” - ông Rouhani nói. Theo Reuters, các nước vùng Vịnh đều bác bỏ vai trò của mình trong việc hậu thuẫn ISIL. Saudi Arabia hồi tháng trước đã đưa ISIL vào danh sách khủng bố.
Theo Reuters, các nhà lãnh đạo của cả Iran và Mỹ đều có sự ủng hộ riêng biệt đối với chính phủ của ông Maliki trong việc chống lại lực lượng của ISIL. “Chúng tôi đã nói rằng tất cả các nước phải đoàn kết để đấu tranh chống khủng bố. Nhưng hiện nay, liên quan đến tình hình Iraq, chúng tôi chưa thấy người Mỹ có quyết định gì hết” - ông Rouhani nói và nhắc lại các vấn đề xảy ra đối với nước láng giềng Syria đã bị làm cho tồi tệ hơn bởi sự ủng hộ của phương Tây đối với quân nổi dậy tại đó. Giới chức Mỹ cũng nói chưa có liên lạc gì với Iran về vấn đề Iraq.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 13-6 (giờ Mỹ) nói Washington đang xem xét các phương án đối với tình hình Iraq nhưng loại trừ khả năng triển khai quân. Reuters dẫn lời một quan chức Iran (nơi người Hồi giáo Shiite nắm ưu thế) hồi đầu tuần này nói việc hợp tác với Mỹ đã được thảo luận trong giới lãnh đạo Tehran. Cho đến nay, mặc dù bác bỏ khả năng Iran can thiệp quân sự vào Iraq nhưng ông Rouhani cũng mở ra khả năng trợ giúp bằng cách gửi cố vấn quân sự đến Baghdad.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận