Nhiều người bắt đầu về quê đón tết (ảnh chụp tại Bến xe Miền Đông chiều 18-1) |
Từ sáng sớm 18-1 (21 tháng chạp), cổng bến xe Miền Đông rất nhộn nhịp bởi nhiều người tay xách nách mang hành lý, quà tết... bước xuống từ xe ôm, taxi hoặc do người thân chở đến.
Đến 7g30, các hàng ghế ở bến xe có khá nhiều hành khách ngồi chờ đến giờ xe chạy...
Tranh thủ về sớm
Chị Lê Nguyễn Thanh Tuyền, công nhân đang ngồi chờ xe ở bến xe Miền Đông để về Thanh Hóa, chia sẻ: “Lương công nhân mỗi tháng chỉ có vài triệu đồng nên không đủ để trang trải cuộc sống. Vì vậy suốt ba năm qua tôi không được đón tết cùng gia đình mình. Năm nay, nhờ dành dụm được ít tiền nên tôi quyết định xin nghỉ làm sớm về phụ giúp gia đình dọn dẹp nhà cửa đón tết”.
Chị Tuyền cầm giỏ bánh kẹo lên khoe mới mua trong siêu thị với giá 800.000 đồng để gia đình đãi khách trong dịp tết. Chị kể có mua cả sữa canxi cho mẹ uống và quần áo ấm làm quà cho mấy em nhỏ ở nhà...
Một số bạn sinh viên quê Phú Yên cũng hào hứng cho biết những ngày trước tết là dịp hiếm hoi để cả gia đình sum họp, cùng nhau trang trí nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống như củ kiệu, thịt ngâm nước mắm...
Do vậy dù bận rộn đến mấy, các bạn cũng sắp xếp về trước tết nhiều ngày. Còn bạn Nguyễn Việt Tâm, sinh viên năm 3 Trường đại học Tôn Đức Thắng (quê ở Phú Yên), vừa loay hoay xếp vali, quà bánh lên thùng xe khách vừa cho biết:
“Năm nào mình cũng cố gắng hoàn thành việc học trước ngày 20 tháng chạp để về đón tết sớm, vừa tiết kiệm được chi phí vừa phụ giúp ba mẹ nhiều hơn”.
Càng về trưa, bến xe Miền Đông càng đông đúc khách. Nhân viên nhiều quầy bán vé xe đi các tỉnh miền Trung phải hướng dẫn hành khách ra đúng xe, đúng tuyến. Bên ngoài bãi đậu xe, các nhà xe cũng tất bật hỗ trợ hành khách chuyển hành lý lên xe để rời bến.
Theo ông Nguyễn Hoàng Huy - phó giám đốc bến xe Miền Đông, ngày 18-1 có khoảng 28.000 khách về quê ở miền Trung, Tây nguyên, tương đương 1.200-1.300 chuyến xe xuất bến.
Dự kiến lượng khách tăng cao từng ngày và vào những ngày cao điểm 25, 26 tháng chạp sẽ tăng lên 40.000 khách/ngày.
Ông Nguyễn Minh Tiến, trưởng phòng điều hành bến xe Miền Tây, cho biết ngày 18-1 số lượng hành khách từ bến xe Miền Tây về quê là 29.000 người.
Theo ông Tiến, do tuyến đường từ TP.HCM về những tỉnh xa như Cà Mau, Kiên Giang đi xe đò chỉ mất 6-7 tiếng nên nhiều người còn bận việc làm ăn sẽ về quê vào những ngày cận tết.
Do đó, bến xe đã có kế hoạch bố trí xe phục vụ 54.000 - 58.000 khách/ngày trong những ngày cao điểm 27 và 28 tháng chạp.
Còn tại bến xe Ngã Tư Ga (Q.12), số lượng khách về các tỉnh Tây nguyên và miền Trung trong ngày 18-1 là 5.000 khách, tăng hơn trước đó 1.000 người.
Kiểm soát chặt giá vé
Theo nhiều bạn sinh viên, giá vé xe đò tết tăng 40-60% là “gánh nặng” với họ. Và điều các sinh viên lo sợ nhất là nhiều đơn vị vận tải còn lợi dụng lúc đông khách để tăng giá vé 100-200%.
Theo Sở Giao thông vận tải TP, việc cho các đơn vị vận tải được tăng giá vé 20-60% là để bù đắp chiều xe chạy rỗng từ các tỉnh về TP.HCM đón khách và để tạo điều kiện cho các đơn vị vận tải huy động thêm xe vào bến chở khách.
Lãnh đạo các bến xe Miền Đông, Miền Tây đề nghị bà con nên vào bến xe mua vé đúng giá quy định.
Đến nay, các bến xe An Sương, Miền Đông, Ngã Tư Ga đều đã áp dụng tăng giá vé tuyến xe đò đi các tỉnh miền Trung, miền Bắc và Tây nguyên. Còn lãnh đạo bến xe Miền Tây cho biết trước tết bốn ngày và sau tết hai ngày, bến xe này áp dụng tăng giá vé xe đò tết 20-60% tùy theo tuyến.
Giải thích lý do tuyến xe đò từ bến xe An Sương (Hóc Môn) về Tây Ninh không tăng giá vé, ông Trần Hiếu, giám đốc bến xe An Sương, cho biết do có sự cạnh tranh của các đơn vị vận tải xe chất lượng cao.
Hơn nữa, chiều xe từ Tây Ninh về TP.HCM vẫn có khách, xe không chạy rỗng nhiều như các tuyến xe đò khác.
Việc kiểm tra giá vé xe đò dịp tết thế nào? Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Nguyễn Hoàng Huy cho biết sẽ thường xuyên kiểm tra để đảm bảo các doanh nghiệp bán vé đúng giá niêm yết.
“Bất kỳ doanh nghiệp vận tải nào bán sai giá vé đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật” - ông Huy khẳng định.
Ngoài ra, ông Huy còn cho biết các trường hợp hành khách đến bến xe trễ giờ, bến xe cùng các nhà xe sẽ cố gắng hỗ trợ khách đổi, trả hoặc mua lại vé.
Trường hợp hành khách mua vé ủy thác (doanh nghiệp vận tải giao cho bến xe bán vé) mà bị mất vé thì bến xe sẽ kiểm tra, nếu đúng có mua vé thì bến xe sẽ làm lại giấy chứng nhận để hành khách tiếp tục đi xe.
Ông Lê Hồng Việt, phó chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải TP, cho biết đơn vị sẽ phối hợp với thanh tra Sở Tài chính TP kiểm tra giá vé, nếu đơn vị vận tải bán quá giá niêm yết sẽ bị lập biên bản, xử phạt.
Ông Việt cho rằng các đơn vị vận tải kê khai giá vé xe đò với Sở Tài chính TP, Sở Giao thông vận tải TP thì phải bán đúng giá vé và phải niêm yết giá vé rõ ràng để hành khách mua đúng giá.
Khách về quê gửi lại xe, bãi giữ quá tải Theo bến xe Miền Đông, vào các ngày cận tết do nhiều người về quê ăn tết gửi lại xe máy ở bến xe nên các bãi giữ xe quá tải. Năm nay, bến xe liên hệ với UBND Q.Bình Thạnh lập bãi giữ xe tạm thời trong dịp tết để người dân gửi xe máy trước khi về quê. Nhiều hành khách cho biết gửi xe máy ở bến xe (với giá 10.000 đồng/ngày) đỡ tốn so với gửi xe theo xe khách về quê là 500.000 - 600.000 đồng/xe, tùy tuyến đường về các tỉnh miền Trung. Lãnh đạo các bến xe Miền Tây, An Sương cũng cho biết các bãi giữ xe trong dịp tết thường quá tải. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận