Ông Seagrave trao đổi trong buổi giao lưu. Ảnh: H.Đ |
Học viện thể thao IMG không phải là một cái tên xa lạ với làng điền kinh VN khi từng đón anh em Quách Công Lịch, Quách Thị Lan sang đây tập huấn từ hồi năm 2015. Tuy nhiên, chuyến tập huấn của anh em nhà họ Quách không thực sự thành công khi cả hai đều không cải thiện được thành tích.
Lần này đến phiên Liên đoàn Điền kinh TP.HCM đưa ra kế hoạch tập huấn 3 năm (2018 - 2020) tại đây dành cho Lê Tú Chinh và một số VĐV khác của đội tuyển điền kinh TP. Ông Seagrave đã đến TP.HCM từ hôm 25-10 để gặp gỡ các VĐV và HLV.
* Xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến đợt tập huấn không thành công của Quách Công Lịch và Quách Thị Lan trước đây?
- Ông Seagrave: Có khá nhiều lý do. Chuyến tập huấn của Lan và Lịch có thể chia làm hai giai đoạn: đầu tiên là giai đoạn cuối năm 2015 đến đầu 2016 - thời điểm diễn ra Giải vô địch điền kinh trong nhà châu Á và giai đoạn sau đó.
Trong giai đoạn đầu tiên, mọi thứ đều theo đúng kế hoạch của chúng tôi và Lan thực sự có thành tích khá tốt tại giải này khi đoạt HCĐ ở nội dung 400m. Điền kinh trong nhà không phải là đấu trường quen thuộc với VN, chúng tôi đã có những trải nghiệm khó khăn ở đó.
Nhưng rồi sau đó, mọi thứ không còn nằm trong kế hoạch của tôi nữa. Lan gặp trục trặc trong việc xin visa đi tham dự các giải ở châu Âu và phải về VN một thời gian dài để xử lý, đây cũng không phải trách nhiệm của IMG. Các VĐV không tham dự đầy đủ những giải đấu mà chúng tôi đề ra trong kế hoạch, việc tập luyện cũng bị gián đoạn. Nói một cách chính xác, chương trình tập huấn lần đó của Lan và Lịch không hề đúng như kế hoạch của IMG.
Ông Seagrave và các VĐV điền kinh TP.HCM sẽ được đưa sang Mỹ tập huấn. Ảnh: H.Đ |
* Ông sẽ rút kinh nghiệm như thế nào trong lần tái hợp này với điền kinh VN?
- Tôi nghĩ lần này IMG và phía VN có một kế hoạch hoàn chỉnh hơn nhiều. Đó là kế hoạch kéo dài 3 năm chứ không phải chỉ vài tháng, thậm chí bị ngắt quãng như trường hợp của Lan và Lịch trước đây. Hệ thống các giải đấu mà VĐV được cử đi tham dự rất phong phú với khoảng 15 giải mỗi năm bao gồm cả các giải ở châu Âu.
Chúng tôi cũng lên kế hoạch kỹ lưỡng với ông Nguyễn Trung Hinh (tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh TP.HCM), người bạn lâu năm của tôi, về vấn đề dinh dưỡng trong chuyến tập huấn lần này. Rút kinh nghiệm từ lần trước, chúng tôi sẽ không để các VĐV ăn uống bên ngoài nữa. Theo đó, toàn bộ chuyện ăn uống sẽ diễn ra trong IMG.
Ăn uống luôn là vấn đề với các VĐV phải xa nhà, họ thường tìm những món ăn có mùi vị quê hương, tôi thông cảm cho điều đó. Nhưng tất cả phải chuyên nghiệp, dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng với thể thao và các VĐV phải tuân thủ nguyên tắc của chúng tôi.
* IMG có nhiều kinh nghiệm làm việc với các VĐV châu Á trước đây không, thưa ông?
- Chúng tôi từng làm việc với nhiều VĐV Trung Quốc, tôi nghĩ họ khá tương đồng với các VĐV VN. Có thể kể ra một tên tuổi lớn của làng điền kinh Trung Quốc từng trưởng thành từ IMG là Su BingTian (từng giành 2 HCV và 1 HCB ở Asiad). Cậu ta có thể hình không quá cao to (cao 1,72m) và từng đạt thành tích đáng nể: 9,99 giây ở đường đua 100m. Từng có kinh nghiệm làm việc 2 năm ở Thái Lan, tôi khá hiểu các thói quen sinh hoạt ăn uống của các VĐV Đông Nam Á.
* Sau 2 ngày quan sát, ông đánh giá như thế nào về Tú Chinh?
- Tôi rất ấn tượng với Tú Chinh, cô ấy đã đạt thành tích rất tốt tại 2 giải đấu vừa qua là SEA Games và Asian Indoor Games 2017. Điều đó thật khó tin. Tôi không nghĩ Tú Chinh gặp vấn đề nào về thể chất để có thể tự tin trước những đối thủ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. Tú Chinh chỉ mắc một số sai sót kỹ thuật. Nếu chỉnh được những lỗi đó, tôi nghĩ Tú Chinh hoàn toàn có thể đặt mục tiêu giành huy chương ở cự ly 100m và 200m tại Asiad 2018.
Do đây là lần đầu tôi đến VN và thời gian lại quá ngắn nên tôi chưa dám khẳng định điều gì. Tôi cần nhiều thời gian hơn nữa để làm việc với các HLV cũng như VĐV rồi mới có thể đưa ra nhận xét đầy đủ được.
Chưa rõ kinh phí tập huấn
Sáng 27-10, Liên đoàn Điền kinh TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu, trả lời một số thắc mắc về kế hoạch tập huấn lần này với báo chí. Trong đợt sang tập huấn tại Mỹ lần này, ngoài Tú Chinh còn có các VĐV Trần Huệ Hoa (nhảy 3 bước), Nguyễn Đăng Khoa và Hà Thị Thu (cùng chạy cự ly ngắn). Về vấn đề kinh phí, Liên đoàn Điền kinh TP.HCM lại cho biết đến nay vẫn chưa thống nhất về kinh phí. Dù vậy, ông Nguyễn Đăng Khánh - phó giám đốc Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM - cho biết mức chi phí sinh hoạt, tập luyện, sử dụng các thiết bị ở IMG vào khoảng 5.000 USD cho mỗi VĐV trong một tháng và kinh phí sẽ do UBND TP.HCM cấp. IMG là một học viện thể thao có tên tuổi ở Mỹ khi từng đào tạo ra nhiều VĐV nổi tiếng. Trong đó ở môn điền kinh có các VĐV chạy 400m người Mỹ La Shawn Merritt (từng giành 3 HCV Olympic), VĐV chạy tiếp sức và nhảy xa người Mỹ Tianna Bartoletta (3 HCV Olympic), VĐV nhảy xa người Nga Darya Klishina (HCB Giải vô địch thế giới)... Tuy nhiên, sở trường của IMG là quần vợt với tay vợt lừng danh Maria Sharapova và Sloane Stephens. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận