Những bạn trẻ kém may mắn - nhân viên đặc biệt ở quán cà phê đặc biệt này - luôn nỗ lực cùng nhau vượt qua mặc cảm của bản thân.
Nơi "giao tiếp" bằng tâm hồn
Những đôi tay linh hoạt, những đôi chân nhanh nhảu mang đến cho khách hàng những món đồ uống thơm ngon. Những kỹ năng này được các em tiếp nhận từ lớp học "Kỹ năng phục vụ nhà hàng khách sạn" của Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin.
Nhanh chân mang đồ uống đến cho khách, em Võ Tấn Thiện, thực hiện công việc phục vụ, kể rằng mỗi ngày đến đây là một ngày vui đối với em.
"Từ khi được trực tiếp trải nghiệm làm phục vụ, em cảm thấy dần tự tin hơn, giao tiếp ngày càng tốt hơn, khách hàng khi đến đây đều là những người dễ thương, họ đều yêu quý em và hay kể cho em những câu chuyện vui" - Thiện chia sẻ.
Là trẻ khuyết tật trí tuệ, tuy nhiên mỗi ngày ở Thương Coffee, Thiện đều cố gắng giao tiếp, học hỏi thêm nhiều kiến thức để cải thiện bản thân. Điều thích thú nhất, Thiện còn học thêm những câu giao tiếp tiếng Anh đơn giản để có thể nói chuyện khi có khách nước ngoài, dù những câu nói ấy có phần bập bẹ, không hoàn chỉnh.
Trước đây, Thiện đã học đến lớp 6, tuy nhiên vì chậm phát triển hơn bạn bè đồng trang lứa, Thiện đã được Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa tiếp nhận học tập. Hiện tại Thiện đang theo học chương trình lớp 4 tại trung tâm.
Ngoài một số bạn có thể giao tiếp như Thiện, hầu hết những bạn còn lại là trẻ khiếm thính và thực hiện công việc pha chế.
Thiện hay nói vui rằng tuy các bạn ấy không nghe nói được, nhưng mọi người đều hiểu nhau, giống như một kiểu giao tiếp bằng ánh mắt, bằng tâm hồn.
Khi mục đích không phải là lợi nhuận
Cô Trần Thị Mỹ Ái - người trực tiếp hướng dẫn cho các bạn nhỏ tại đây - cho rằng việc nhìn thấy sự phát triển của các bạn mỗi ngày chính là điều lớn lao nhất mà mình mong muốn.
"Các bạn ở đây có lẽ cũng sẽ không quan tâm đến việc mình sẽ làm được bao nhiêu tiền, hay được trả lương bao nhiêu, điều các bạn ao ước nhất có lẽ chính là sẽ thực hiện được công việc mình yêu thích" - cô Ái chia sẻ.
Tuy tên gọi là quán cà phê, nhưng Thương Coffee là một góc thực hành cho các bạn nhỏ kém may mắn muốn áp dụng những gì đã học vào một môi trường thực tế để phát triển đam mê, phát triển nghề nghiệp.
Nhiều năm làm việc ở Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa, cô Ái coi các em ở đây cũng như con của mình. Theo cô Ái, điều các em ở đây hướng đến là niềm vui, là nụ cười, vì vốn dĩ cuộc đời các em đã đầy ắp những nghiệt ngã.
"Thương Coffee muốn là nơi thể hiện được những giá trị mà người khuyết tật có thể mang đến cho xã hội, và như cái tên của quán, tình thương là điều luôn tồn tại, cũng là điều chúng ta cần mang đến cho xã hội" - cô Ái chia sẻ.
Mở hướng tương lai cho trẻ khuyết tật
Trước khi Thương Coffee được thành lập, các bạn trẻ ở Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa đã tham gia lớp học "Kỹ năng phục vụ nhà hàng khách sạn" của Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin.
Lớp học được tổ chức từ tháng 2 đến tháng 5-2022, tiếp nhận 14 em và được các thầy cô từ một số trung tâm dạy nghề trên địa bàn TP Nha Trang trực tiếp chỉ dạy.
Theo ông Đống Lương Sơn - chủ tịch Hội Những người ái mộ bác sĩ A. Yersin, hiện tại hội vẫn đang có những kế hoạch để có thể tiếp nhận thêm nhiều em khuyết tật, thực hiện và mở rộng những chương trình hỗ trợ các em những vấn đề liên quan đến thực hành kỹ năng, phục vụ cho nghề nghiệp tương lai sau này.
Bà Phan Thị Ngọc Sinh, phó giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng - Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa, mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều hơn những chương trình nhằm giúp đỡ các em nhỏ khuyết tật vươn lên hòa nhập với cộng đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận