15/11/2011 07:14 GMT+7

Quần áo Trung Quốc giá cao tràn chợ

NHƯ BÌNH - THÙY DUNG
NHƯ BÌNH - THÙY DUNG

TT - Giá cao hơn từ vài chục đến cả trăm nghìn đồng một sản phẩm, nhưng nhiều loại quần áo Trung Quốc gần đây không những sống khỏe mà còn khiến hàng may mặc trong nước lao đao vì không thể cạnh tranh lại.

T8DvA8mQ.jpgPhóng to
Quần áo có xuất xứ từ Trung Quốc tại chợ Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng

Nhiều tiểu thương cho biết các sản phẩm của Trung Quốc (TQ) có mẫu mã đa dạng và chất lượng hơn hẳn trước đây nên rất được ưa chuộng.

Mắc vẫn tiêu thụ tốt

Chị Hường (Q.4, TP.HCM) mua quần jean ở chợ Bến Thành với giá 480.000 đồng đã rất bất ngờ khi nghe người bán nói đó là hàng TQ. Thế nhưng, theo các tiểu thương, hàng TQ giá cao đã âm thầm chiếm lĩnh từ hơn một năm qua. Anh V., chủ sạp quần jean chợ Tân Bình (Q.Tân Bình), nói cả năm nay hàng của các cơ sở trong nước gần như không bán được hoặc bán rất chậm. Quần jean VN chỉ 160.000-170.000 đồng/cái nhưng ế ẩm trong khi hàng TQ giá 250.000-300.000 đồng bán rất chạy.

Ở chợ An Đông (Q.5) có những sạp chuyển hẳn sang kinh doanh hàng giá cao, phục vụ đối tượng trung niên. Cầm chiếc áo do cơ sở sản xuất trong nước giá 170.000 đồng/cái, bà Lình, kinh doanh thời trang thun tại chợ An Đông, nói: “Hàng của cơ sở trong nước gần đây có cải tiến nhiều vậy mà không cạnh tranh nổi với hàng TQ giá từ 250.000-400.000 đồng/cái”.

Một tiểu thương cho biết kinh doanh hàng TQ lúc nào cũng lo nơm nớp vì không có chứng từ, sợ quản lý thị trường bắt, nhưng thị trường lại chuộng nên phải theo.

Trội về màu sắc

Theo anh V., nếu xét về chất lượng hàng VN không thua hàng TQ nhiều, nhưng thực tế hàng VN chỉ cạnh tranh được ở những mẫu hàng căn bản trơn và ít họa tiết như áo sơmi, đầm ở nhà..., còn lại các kiểu áo thun dành cho đối tượng từ 35 tuổi trở lên hàng VN gần như thua trắng.

Theo các tiểu thương, áo thun TQ không đơn giản như các loại thường thấy mà có nhiều cách điệu lạ mắt ở cổ hay tay áo, thân áo cũng có nhiều điểm nhấn. Quần jean tuy kiểu dáng tương đối giống nhau, nhưng mỗi kiểu lại có những điểm khác biệt ở màu chỉ may, cách may hoa văn trên túi hay các hạt đính kèm. Chị Giang (một tiểu thương thường mua sỉ quần áo ở chợ An Đông về bán tại nhà ở Q.Gò Vấp) cho biết: “Quần áo TQ luôn có rất nhiều kiểu dáng nên người mua dễ lựa chọn”.

Một trong những điểm mạnh của hàng TQ là tốc độ cập nhật kiểu dáng khá nhanh chóng, thường xuyên bắt kịp xu hướng thời trang - theo mùa hoặc theo phong cách của các ngôi sao trên phim ảnh. Các phụ kiện đính kèm theo quần áo như nơ, hoa, vòng cổ, thắt lưng... được phối hợp rất khéo léo. Anh Tùng, một thương lái ở miền Tây Nam bộ lên nhập hàng chợ An Đông, cho biết do tỉ giá đồng nhân dân tệ tăng nên giá quần áo TQ chất lượng trung bình nay cũng chẳng còn rẻ, do đó các tiểu thương đã nhập hàng chất lượng cao về bán.

HmSPUAqH.jpgPhóng to
Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: V.Cường

Hàng Việt quên kênh chợ

Từ trước đến nay hàng chợ của các thương hiệu VN chủ yếu là của những tổ hợp may mặc nhỏ, kỹ thuật may khá hạn chế và chỉ tập trung vào những kiểu sản phẩm đơn giản, ít họa tiết như hàng trẻ em, đồ bộ ở nhà, sơmi... Các thương hiệu Việt có tiếng gần như bỏ rơi khoảng trống chợ nên hàng TQ giá cao không vấp phải rào cản nào.

Đại diện Công ty thời trang Sơn Kim, chủ các thương hiệu cao cấp như Wow, Jockey, cho biết các thương hiệu Việt đều dành 60-70% lượng hàng tiêu thụ qua các kênh siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng độc lập, còn lại thông qua nhà phân phối, chợ chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Đây chính là lỗ hổng để hàng TQ một mình một chợ ở phân khúc giá cao.

Bà Ngô Thị Báu, chủ chuỗi cửa hàng Foci, nói 70% nguyên phụ liệu hàng VN là nhập, trong đó 50% nhập từ Trung Quốc, dù nỗ lực thế nào thì ngành công nghiệp may còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu của nước ngoài nên để thống lĩnh thị trường trong nước là không dễ.

Nhập hàng may mặc từ Trung Quốc tăng mạnh

Theo Tổng cục Hải quan, trong chín tháng đầu năm 2011, hàng Trung Quốc đã chiếm tới 2,08 tỉ USD trong tổng số 4,98 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu vải may mặc. So với cùng kỳ năm ngoái, nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc đã tăng 30,8%. Còn nếu so với cùng kỳ năm 2009, kim ngạch nhập khẩu hiện đã tăng đến 87%.

Cũng theo Tổng cục Hải quan, nguyên phụ liệu sử dụng trong ngành dệt may, da giày nhập khẩu từ Trung Quốc cũng tăng với tốc độ khá nhanh. So với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch nhập khẩu nhóm mặt hàng này từ Trung Quốc trong chín tháng vừa qua đã tăng thêm gần 129 triệu USD.

NHƯ BÌNH - THÙY DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên