Dù còn nhiều khó khăn nhưng người kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn mong sớm được bán phục vụ tại chỗ - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Giữ được tới lúc này thì chúng ta hãy cố gắng thêm, nếu dịch ổn thì sẽ tạo điều kiện ngay, còn không thì phải siết lại. Làm vì cộng đồng chứ không thể làm chuyện mình thích được.
Bà PHẠM KHÁNH PHONG LAN
Còn ý kiến khác nhau giữa bộ tiêu chí mới nhưng theo cơ quan chức năng, nội dung bộ tiêu chí này đã thoáng hơn nhiều, mọi vấn đề đã được xem xét kỹ lưỡng, có sự thông qua của cơ quan y tế nên vẫn sẽ giữ nguyên quan điểm.
Không cần giữ khoảng cách 2m
Ông Huỳnh Văn Anh - chủ nhà hàng Huỳnh Văn (Tân Bình) - băn khoăn trong bộ tiêu chí vừa được trình UBND TP có nhắc nhiều tới cụm từ "thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành y tế trong công tác phòng chống dịch COVID-19" nhưng không nói cụ thể.
Trong khi đó, chủ một nhà hàng tại TP Thủ Đức cho rằng trong bộ tiêu chí dự thảo có yêu cầu "áp dụng 5K khi mở bán tại chỗ", mà nếu theo quy định ngành y tế thì trong 5K có giữ khoảng cách, vậy có phải giữ khoảng cách 2m không?
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-10, bà Phạm Khánh Phong Lan - trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM - cho biết 5K nhưng sẽ không bắt buộc nhất thiết giữ khoảng cách 2m, hay phải có rào chắn, hay quy định số người trong cùng thời điểm. Theo đó, tùy cấp độ dịch, môi trường hàng quán ở mỗi thời điểm mà người bán phải điều tiết, xử lý phù hợp.
"Theo 5K thì khách hàng phải đeo khẩu trang nhưng khi ăn uống thì không thể đeo khẩu trang. Hay dự thảo có cụm từ "xét nghiệm COVID-19" theo quy định ngành y tế nhưng điều đó không có nghĩa là bắt buộc. Do đó, cái này linh động, hàng quán và người dân phải có ý thức, chủ động" - bà Lan nói.
Theo bà Lan, để đảm bảo thực hiện đúng với cơ chế mở của bộ tiêu chí nếu được TP thông qua, đơn vị sẽ thông báo cho phường xã, cơ quan chức năng để thực hiện đúng, không làm khó doanh nghiệp.
Theo bà Lan, bộ quy chế tại tờ trình của đơn vị trình lên UBND TP đã có sự góp ý và thông qua của cơ quan y tế, công thương nên tạm thời sẽ không có hướng dẫn thêm nhiều hướng dẫn khác, nếu UBND thông qua thì các quận huyện cứ dựa theo quyết định để triển khai.
Tuy vậy, theo bà Lan, không loại trừ sau này có thêm chỉ đạo riêng của ngành y tế nếu dịch bệnh có những biến động, người dân cập nhật và chấp hành quy định của ngành y tế.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - giám đốc Sở Công thương TP.HCM, dù dự thảo đã trình lên UBND TP ngày 24-10 nhưng hiện TP vẫn còn họp bàn thêm về các nội dung, quy định trong việc tổ chức bán tại chỗ và sẽ sớm ban hành. Quan điểm là phải tạo điều kiện cho hàng quán hoạt động nhưng vẫn kiểm soát được dịch bệnh.
Nhiều quán ăn, cà phê tại TP.HCM vẫn mong chờ được mở lại bán tại chỗ - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bị phản đối, cơ quan soạn thảo vẫn cương quyết
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-10, ông Huỳnh Văn Sơn - chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn - cho rằng lập luận "bia rượu khiến giao tiếp nhiều, nguy cơ lây nhiễm COVID-19" là cảm tính, không có cơ sở khoa học. Còn nếu cấm thì tại sao không đề xuất cấm bán tại chỗ đối với loại hình cà phê, quán nước, loại hình này khách cũng ngồi và giao tiếp.
Theo ông Sơn, việc cấm này có thể dễ dẫn đến trường hợp thỏa hiệp, tiêu cực của cơ quan chức năng.
"TP đã đưa ra các giải pháp phòng chống dịch COVID-19 rồi. Khi cho mở cửa thì hãy đúng với chữ mở cửa như bình thường" - ông Sơn nêu quan điểm.
Tương tự, một chuyên gia trong ngành y tế tại TP.HCM cho rằng không có cơ sở xác định việc kinh doanh bia rượu dẫn đến nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao hơn các loại hình dịch vụ khác.
Về góc độ của cơ quan đề xuất, bà Phạm Khánh Phong Lan kiên quyết: việc sử dụng bia rượu không thể giống như uống cà phê hay các loại hình khác, bởi khi nhậu thì thường ít nhất 3-4 người trở lên, chưa kể người say thường không kiểm soát được hành vi, dễ dẫn đến vi phạm trong phòng chống dịch, nhất là quán xá vỉa hè.
"Chúng tôi đã cân nhắc nhiều khi soạn thảo quy tắc, nội dung có sự tham gia của ngành y tế, công thương nên vẫn giữ nguyên quan điểm và trình lên UBND TP. Nới lỏng nhưng không đồng nghĩa với mở bung hết tất cả vì nguy cơ bùng phát dịch rất lớn, nếu không cẩn thận thì công sức lâu nay trở nên vô nghĩa" - bà Lan nói.
Tuy vậy, theo bà Lan, việc cấm chỉ làm tạm thời, cơ quan chức năng sẽ theo sát tình hình thực tế và xem xét cho mở bán bia rượu lại ngay khi phù hợp.
Người hớn hở, kẻ ái ngại
Càng gần mốc thời gian TP cho mở bán tại chỗ, số hàng quán chuẩn bị để sẵn sàng mở bán tại chỗ tăng nhanh. Tuy vậy, vẫn có hai thái cực: hồ hởi và nghi ngại vì dịch phức tạp, vì nhà có trẻ con, người già.
Sáng 25-10, hối hả giao hàng cho khách nhưng bà Đỗ Thu Thảo - chủ quán bánh xèo miền Trung (quận Bình Thạnh) - không quên nhắc khách sắp được bán tại chỗ. Vui vì bán mang đi đang tốt lên, nếu thêm bán tại chỗ doanh số sẽ tăng mạnh vì có mặt bằng lớn nên vài ngày qua bà đã tăng lượng nhập nguyên liệu.
Tương tự, ông Trần Quốc Thịnh - người sáng lập hệ thống lẩu gà 109 (quận Phú Nhuận) - cho biết 9 điểm bán đã tạm ổn về nhân sự, nguyên liệu để bán tại chỗ, chỉ đợi giờ "G".
Góc độ người dân, bà Thủy (quận 12) cho biết quyết định dời ngày tổ chức tiệc công ty để chờ được tổ chức tại nhà hàng. "Nhân viên muốn "xả hơi", tôi đã đặt tiệc rồi. TP cho là tổ chức thôi" - bà Thủy nói.
Tuy vậy, vẫn còn không ít ái ngại. Chị Phúc (quận Bình Thạnh) cho rằng việc ngồi tại hàng quán nếu đông đúc sẽ rủi ro do dịch bệnh COVID-19 vẫn phức tạp. "Thực tế có tiêm ngừa đủ 2 mũi vắc xin thì cũng có nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19, trong khi ở nhà có người lớn tuổi nên tôi không thể chủ quan" - chị Phúc nói.
Trong khi đó, ở góc độ người bán, ông Hồ Văn Bình - chủ quán ăn Bảo Bình (TP Thủ Đức) - cho biết dù có được mở lại thì ông vẫn cân nhắc, có thể vẫn chưa bán tại chỗ. "Mở bán bình thường thì chi phí chắc chắn sẽ tăng nhưng doanh thu thì hên xui bởi nguồn khách đang ở mức thấp. Nếu có cung mà không có nhu cầu thì cũng chẳng để làm gì, thua lỗ như chơi" - ông Bình tính.
Bà Trần Thị Thuận - chủ quán trà sữa tại quận Bình Thạnh - vẫn áp lực vì nhân viên ở tỉnh đòi phải có hỗ trợ mới lên làm lại, chưa kể chỉ 2 tháng tới lại tốn thêm khoản thưởng tết. "Có thể tôi sẽ cho bán mang đi hoặc bán tại chỗ quy mô nhỏ, nhân viên có tới đâu thì tổ chức bán tới đó" - bà Thuận dự tính.
Chiều 25-10, quán ăn trên đường Nguyễn Thái Sơn, quận Gò Vấp, TP.HCM đã có khách ăn tại chỗ - Ảnh: NHẬT THỊNH
Nhu cầu tăng, chuỗi nhà hàng lớn đã sẵn sàng
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-10, đại diện hệ thống The Coffee House cho biết đơn vị đã thực hiện 4 tiêu chí nên đã thực hiện bán online rất thành công, khách đông dần lên, việc thực hiện các tiêu chí còn lại theo đề xuất để đảm bảo mở bán tại chỗ sẽ thuận lợi.
Tương tự, chủ một nhà hàng tại TP.HCM cho biết đã cho mở lại những nhà hàng ở khu vực vùng xanh để bán online và sức mua đang tăng mạnh.
Tuy vậy, một chuyên gia y tế cho biết chủng virus COVID-19 mới có mức độ nguy hiểm hơn chủng Delta đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới nên không thể chủ quan. TP mở cửa nhưng không thể thả lỏng tất cả.
Khách còn ngại người giữ xe, nói gì ngồi lại ăn...!
Anh Trương Công Dân - chủ quán dê trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 (TP.HCM) - cho biết trong ngày 25-10 quán rất háo hức chờ mở bán lại nhưng rồi hơi thất vọng khi đọc các tiêu chí hướng dẫn cho phép quán mở lại. “Tiêu chí thứ 6 quy định hàng quán không được bán bia rượu tại chỗ là rất khó cho chúng tôi. Nếu không cho bán bia rượu tại chỗ, khách không có lý do để ngồi lại, họ cũng sẽ chủ yếu đến mua mang về” - anh Dân nói.
Trong khi đó, nhiều chủ quán cho rằng không hẳn mở cửa là có khách ngay. Chị Thảo - chủ quán ăn ở quận 7 - cho biết các quán ăn trong khu vực đã phục vụ tại chỗ nhưng sau hơn một tuần, doanh thu chính vẫn đến từ bán giao mang đi, khách vãng lai gần như rất ít. “Tâm lý e ngại vẫn có, nhiều khách còn ngại với bác giữ xe huống gì ngồi lại quán” - chị Thảo nói.
Ngay cả nhiều chuỗi thương hiệu lớn cũng cân nhắc việc mở cửa phục vụ khách tại chỗ thời điểm này. Để thích ứng, các chuỗi thương hiệu lớn có kế hoạch mở những điểm bán diện tích nhỏ, phục vụ mang đi, đồng thời trả bớt mặt bằng lớn, vốn chủ yếu phục vụ khách ngồi tại chỗ trước đây.
N.BÌNH
Được bán tại chỗ nhưng khuyến khích "mua mang về"
Được phép quay lại bán hàng tại chỗ, các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Hà Nội chủ động dựng các vách ngăn giữa các bàn để hạn chế tiếp xúc - Ảnh: MAI THƯƠNG
Hơn 10 ngày được phép quay lại bán hàng tại chỗ, các cửa hàng kinh doanh ăn uống tại Hà Nội bắt đầu tấp nập trở lại, nhất là vào những ngày cuối tuần.
Vẫn chủ động phòng dịch
Rút kinh nghiệm từ những lần dịch trước, đa số các quán ăn uống đều thường xuyên nhắc nhở khách hàng các quy định phòng dịch. Nhiều hàng quán chủ động dựng các vách ngăn giữa các bàn để hạn chế tiếp xúc, ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Anh Quân - chủ quán phở Quân Hà trên phố Đội Cấn (Ba Đình) - cho biết mặc dù đã có thể mở bán tại chỗ nhưng cửa hàng vẫn khuyến khích khách hàng mua mang về nhà. "Với những khách hàng mua mang về, nhất là chủ động chuẩn bị đồ đựng từ nhà mang đến, chúng tôi khuyến khích giảm giá cho họ hơn là ngồi tại cửa hàng. Các nhân viên phục vụ tại quán cũng được yêu cầu đeo khẩu trang trong thời gian làm việc, ngoài ra có các vách ngăn được bố trí từ những đợt dịch trước" - anh Quân chia sẻ.
Thận trọng vì còn nhiều F0
Sau 3 ngày Bình Dương nới lỏng quy định cho phép các cửa hàng ăn uống bán tại chỗ, theo ghi nhận ngày 25-10, các cửa hàng bán đồ ăn sáng, cà phê hoặc quán nhậu đã bắt đầu hoạt động trở lại, tuy nhiên vẫn còn khá ít và thận trọng.
Chị Thúy (ngụ phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một) cho biết gia đình chị bán đồ ăn sáng như hủ tiếu, bún... tại nhà. Khi thấy số ca mắc mới tại Bình Dương vẫn còn khá cao (ngày 24-10 tăng 587 F0) nên mặc dù đã được phép bán cho khách ăn tại chỗ nhưng cửa hàng của gia đình chị vẫn chỉ bán mang về. Chị Thúy cho biết do khách hàng đã có thói quen mua mang về suốt nhiều tháng nên cửa hàng vẫn có số lượng tiêu thụ khá tốt.
Trong khi đó, tại một số khu vực trung tâm của Bình Dương, nhiều quán cà phê, quán nhậu... đã bắt đầu trở lại. Các tiệm hớt tóc được đón khách tại chỗ từ đầu tháng 10-2021 nên đã hoạt động ổn định, thông thường chỉ duy trì công suất khoảng 30-50% lượng khách.
Trong khi đó, nhiều nhà hàng, quán ăn bắt đầu thông báo tuyển nhân viên trở lại do nhân viên cũ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh quá lâu đã về quê. Một số tuyến đường như Bạch Đằng được ví như "phố đi bộ" của TP Thủ Dầu Một..., nhiều chủ thuê đã trả mặt bằng do dịch bệnh kéo dài, chưa có khách thuê mới.
Dù được bán lại tại chỗ nhưng ở nhiều địa phương các chủ quán vẫn ưu tiên bán mang về. Điển hình là Hà Nội và Bình Dương.
MAI THƯƠNG - BÁ SƠN
Vẫn có tâm lý coi thường dịch
Mặc dù đa số có ý thức phòng dịch nhưng vẫn không ít người chủ quan. Tại Hà Nội, không ít hàng quán bất chấp những khuyến cáo về phòng dịch, vẫn đón nhiều khách và ngồi tràn cả ra vỉa hè. Nhiều quán cà phê, hàng ăn... tại khu vực phố cổ Hà Nội không đảm bảo quy định giãn cách 2m, để khách ngồi san sát nhau mà không nhắc nhở.
Khi được hỏi, các chủ quán này cho rằng phòng dịch là ý thức của mỗi người, dẫu có nhắc nhở cũng không cản được họ ngồi. Thậm chí một chủ quán ở đường Nguyễn Khang (Cầu Giấy) còn cho rằng: "Mọi người đều đã tiêm vắc xin và thời gian này không có ca bệnh từ cộng đồng cũng nên để mọi người dễ thở hơn"!?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận